Cần chú trọng đúng mức giá trị văn hóa trong nhà trường

Cần tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
Cần tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít giá trị trong nhà trường đã thay đổi, tình thầy trò, những điều cao đẹp đã không còn vẹn nguyên. Thế nên trong nhà trường không chỉ là thành tích, điểm số, phong trào mà còn nhiều điều khác nữa…

“Bỏ quên” bộ tiêu chí văn hóa trong nhà trường

Nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Quốc gia TP HCM từng chỉ ra một số vụ việc nổi cộm liên quan đến nhà trường và nhà giáo như giáo viên không chuẩn mực trong giao tiếp, có hành vi và thái độ xúc phạm tinh thần, thể chất, bạo hành học sinh.

Tình trạng “chạy” điểm, “chạy” hồ sơ, học bạ; những người làm công tác giáo dục chưa thực hiện tốt văn hóa nêu gương... gây bức xúc dư luận. Bạo lực học đường tuy giảm nhưng vẫn còn nhức nhối.

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Cho đến nay, nhận thức về vai trò của văn hóa học đường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục còn khá mờ nhạt. Ngay trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng, khi bàn đến các nhiệm vụ và giải pháp, tuyệt nhiên không có nội dung nào liên quan đến việc xây dựng văn hóa học đường”.

Cũng theo ông Tiến, mặc dù trong mấy năm gần đây việc triển khai cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhưng việc tổ chức thực hiện về cơ bản vẫn dừng lại ở một hoạt động mang tính phong trào.

Chưa kể, việc xây dựng một cách có ý thức các chuẩn mực, giá trị tạo nên văn hóa nhà trường còn mang tính hình thức, chưa được thực sự coi trọng và vì vậy các văn hóa tiêu cực đang có chiều hướng loang rộng trong các nhà trường của ta. Điều đó giải thích vì sao có những hiện tượng bất thường về nhân cách như đổi tình lấy điểm, bạo lực học đường, thậm chí cả sự chạm đáy về mất nhân cách là trò đánh thầy hoặc thuê người đánh thầy.

Ở góc độ khác, GS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM lo lắng về các vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó có các vụ án hình sự có dấu hiệu gia tăng.

Chỉ vì một cái nhìn và câu hỏi “nhìn đểu hả” là học sinh xông vào đánh nhau. Hiện tượng đánh nhau được học sinh cổ vũ, quay video tung lên mạng thay vì vào can bạn. Nhiều người khi được hỏi đã trả lời rằng, những điều tốt, hành vi đẹp hiện nay trong nhà trường chỉ còn lại trong bài giảng, tương phản với hiện trạng phũ phàng được phô bày hằng ngày, hằng giờ quá nhiều ở ngoài trường học.

GS Nguyễn Kim Hồng cũng cho biết, khi khảo sát các trường học, vào trang web của nhiều trường phổ thông ở TP HCM, ông chưa thấy các trường phổ thông xây dựng bộ tiêu chí văn hóa trong nhà trường.

Nhìn nhận giá trị văn hóa học đường

Nhiều nước đã phải nhận thức lại tầm quan trọng của giáo dục giá trị văn hóa sau khi nhận ra rằng, những khiếm khuyết cơ bản gây ra khủng hoảng giáo dục toàn cầu chính là không đem lại cho con người những kỹ năng đương đầu với thách thức.

Theo PGS.TS Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chỉ mới triển khai một phần nhỏ giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh. “Nên chăng, chúng ta cần hình thành giá trị cốt lõi để các em thấy được giá trị đặc trưng cho con người, công dân Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay”, theo ông Trần Huy Hoàng.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng cho rằng: “Sự quan tâm đến văn hóa học đường hiện nay là chưa đủ. Chúng ta mới chỉ đang lấy điểm số, kết quả từ những kỳ thi để làm thành tích báo cáo, đánh giá chất lượng. Nếu bây giờ chúng ta cũng lấy thước đo văn hóa học đường của mỗi trường làm thành tích, thống kê về mức độ hài lòng của học sinh, của giáo viên... để làm thành tích đánh giá, so sánh thì có lẽ sẽ có nhiều thay đổi”.

Theo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, để có những con người phát triển toàn diện, Việt Nam phải đặt giáo dục giá trị ngang hàng với giáo dục năng lực và được dạy xuyên suốt chương trình chứ không chỉ trong một vài môn học như hiện nay.

GS Trần Ngọc Thêm, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM chia sẻ, trong cuộc khảo sát năm 2020 của đề tài cấp Nhà nước về triết lý giáo dục với 3.070 người tham gia, trả lời câu hỏi về những tật xấu mà học sinh - sinh viên Việt Nam cần tránh thì “bệnh thụ động” đứng ở vị trí thứ tư (chiếm 67,3%); “thói dựa dẫm, ỷ lại” đứng thứ tám (chiếm 57,5%)...

Theo ông, để có con người sáng tạo, cần coi trọng bản lĩnh, đề cao dân chủ trong giáo dục. Để phát triển năng lực sáng tạo và tư duy phản biện, cần chống việc nhồi nhét kiến thức, chống học thuộc lòng. Cho đến nay, cách quản lý giáo dục của chúng ta vẫn vô tình khuyến khích việc học thuộc lòng như các nhà xuất bản thì cung cấp cho học sinh những tuyển tập các bài văn mẫu, trên mạng có hẳn một website “vanmau.edu.vn”. Việc biên soạn sách giáo khoa ở mọi cấp, từ phổ thông đến đại học, vẫn phổ biến yêu cầu phải ngắn gọn là để đáp ứng nhu cầu học thuộc lòng. Mọi đề thi từ phổ thông đến đại học đều vẫn phải có đáp án sẵn đính kèm. Việc chấm thi theo đáp án “giết chết” tư duy sáng tạo của cả trò lẫn các thầy, cô giáo.

Bởi vậy, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, để có con người sáng tạo, cần chống “bệnh” thành tích, “bệnh” phong trào và “bệnh” đối phó. Các căn bệnh này có ở cả người học, phụ huynh và nhà quản lý. Trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, các bệnh thành tích và bệnh đối phó tiếp tục được thể hiện ở tâm lý nóng vội, muốn có kết quả nhanh bằng cách làm chắp vá theo kiểu “cuốn chiếu” (trong xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa…).

Cũng theo GS Trần Ngọc Thêm, ba căn bệnh này dẫn đến tật xấu thứ tư là “bệnh giả dối”. Lan tràn trong xã hội là vấn nạn học giả bằng thật, là nạn quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông; việc sao chép trong làm tiểu luận, viết luận văn, luận án cũng gặp không ít ở bậc đại học và sau đại học. Giả dối có thể xem như một “căn bệnh” đặc thù lan tràn trong xã hội. Do đó, để có con người sáng tạo, chủ động và trung thực, văn hóa giáo dục cần được hỗ trợ bởi văn hóa chung của toàn xã hội, chứ không chỉ riêng ngành Giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Cần thầy ra thầy, trò ra trò

“Xây dựng văn hóa học đường, khắc phục tồn tại, hạn chế, đẩy lùi bệnh thành tích, tôn vinh sự trung thực trong giáo dục, phấn đấu đạt mục tiêu “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Điều đầu tiên là nhà trường, thầy trò cần củng cố và tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, hoàn thiện và triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, có như vậy mới rõ ràng để thực thi, có chỗ để thưởng phạt, khen chê. Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói tới các giá trị khác được”.

Đọc thêm

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.