Điều 14 của Luật Giám định tư pháp quy định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng và 3 chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa là cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ mới có 1 Văn phòng giám định tư pháp Sài Gòn được thành lập ở lĩnh vực tài chính tại TP Hồ Chí Minh nhưng hoạt động cũng rất cầm chừng, hạn chế, còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Sở Tư pháp TP HCM cho rằng việc chỉ cho phép xã hội hóa giám định tư pháp đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên nên không thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư vào hoạt động giám định.
Ngoài lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực văn hóa , các lĩnh vực còn lại như tài chính, ngân hàng, bản quyền tác giả có số lượng vụ việc rất ít (chỉ khoảng 2 vụ việc/năm), lĩnh vực di vật, cổ vật không có vụ việc.
Cũng theo phân tích của Sở này, Điều 15 Luật Giám định tư pháp quy định về điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp là phải có từ đủ 05 năm trở lên; là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng và cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
Trong khi thực tế hiện nay, hầu hết các giám định viên tư pháp đều là công chức, viên chức công tác kiêm nhiệm tại các Sở, ngành, tổ chức giám định tư pháp công lập (không đủ điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp), một phần nhỏ còn lại là cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc nhưng do điều kiện kinh tế, tuổi cao sức yếu nên không quan tâm đến việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
Còn theo phản ánh của Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế, mặc dù Luật Giám định tư pháp có hiệu lực gần 6 năm, nhưng tại tỉnh này chưa có Văn phòng giám định tư pháp nào được thành lập, do Luật có quy định được thành lập Văn phòng giám định tư pháp trong 06 lĩnh vực nhưng đây lại là những lĩnh vực có nhu cầu không thường xuyên nên khó tạo nguồn thu nhập chính, không khuyến khích các giám định viên tư pháp thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
Hơn nữa, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp mang tính chất đặc thù, nên cần phải có chính sách khuyến khích riêng, việc quy định chính sách khuyến khích cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giám định tư pháp cùng với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực: giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường như hiện nay rất khó thực hiện
Theo báo cáo, đánh giá của các địa phương và Bộ, ngành có liên quan thì mặc dù những lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp nêu trên có tăng về số lượng trưng cầu giám định nhưng chưa thật là lớn, chưa thường xuyên, chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nên không đủ việc cho Văn phòng giám định hoạt động theo trưng cầu của cơ quan tố tụng hoặc yêu cầu của người tham gia tố tụng; còn lĩnh vực mà xã hội thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên, cần cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp như giám định tài liệu, ADN, số khung, số máy… thì lại không được thành lập. Do đó, nhiều địa phương cho rằng quy định như vậy là không phù hợp với thực tế.
Sở Tư pháp TP HCM đề nghị, mở rộng phạm vi các lĩnh vực giám định tư pháp được xã hội hóa theo hướng các lĩnh vực nào xã hội thực hiện được thì giao cho xã hội làm (trừ những lĩnh vực có liên quan đến an ninh chính trị quốc gia). Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Đề án đẩy mạnh xã hội hóa công tác giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp
Sửa đổi Luật Giám định tư pháp, Bộ Tư pháp cũng cho rằng cần mở rộng phạm vi xã hội hóa giám định tư pháp theo hướng cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở một số lĩnh vực, chuyên ngành giám định thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên như giám định dấu vết tài liệu... để đáp ứng nhu cầu bức thiết của các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính và một số cơ quan nhà nước như thanh tra, kiểm toán, ngân hàng... nhằm phát huy mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định tư pháp của hoạt động tố tụng trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, giảm gánh nặng cho đầu tư của nhà nước.