Vỉa hè nhấp nhô, thò thụt do người dân phải bê-tông hóa lối lên vỉa hè trên đường Lê Duẩn. |
Đường phố Đà Nẵng được du khách đánh giá là khá đẹp, tuy nhiên ở khu vực trung tâm thành phố có nhiều tuyến đường huyết mạch, đi qua những khu vực buôn bán sầm uất, song hệ thống vỉa hè, hố trồng cây xanh, hố thu nước mưa thể hiện rõ sự bất cập, xuống cấp trầm trọng.
Nhìn ra toàn thành phố, chỉ có một số con đường mới làm sau này là bó vỉa đẹp, độ dốc thấp như nhau để có thể dắt xe lên xuống, còn lại bó vỉa khá cao. Người dân lại thường có thói quen “dông” xe thẳng lên vỉa hè trước mặt nhà mình, hoặc cửa hiệu thay vì lên ở các chỗ được bố trí theo đồ án thiết kế, nên việc người dân đục phá, giảm bớt độ cao bó vỉa hoặc đổ bê-tông, đặt gạch đá, gỗ ván… bắc cầu để lên vỉa hè được thuận tiện là hiện tượng khá phổ biến, gây nên cảnh tượng lôm nhôm, thò thụt rất khó chịu và mất mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp tự ý làm nền vỉa hè theo ý mình dẫn đến cả chiều dài của vỉa hè không đồng nhất về độ bằng phẳng, chất liệu bề mặt, màu sắc và tất nhiên không thể gọi là đẹp mắt được. Ngoài ra, hệ thống thoát nước, hố trồng cây xanh trải qua thời gian sử dụng cũng đã xuống cấp, hư hỏng, không đẹp mắt, còn gây bức xúc cho nhiều hộ dân mặt phố vì mùi hôi, rác thải, vấp ngã…
Điển hình như tại đường Lê Duẩn, trục giao thông quan trọng và thường diễn ra các sự kiện, lễ hội, nhiều đoàn ngoại giao khi ghé thăm, làm việc ở Đà Nẵng cũng đi qua, nhưng bó vỉa cao, góc nghiêng lớn. Nếu dắt xe từ trên vỉa hè xuống hoặc lao lên vỉa hè thể nào gầm xe máy cũng đụng “rầm” với bó vỉa, nhất là đối với các xe tay ga có gầm thấp mà đôi tay điều khiển của chị em phụ nữ là khá yếu. Đã có khá nhiều xe máy ngã nhào kéo theo người, không chỉ hư hại xe, còn gây trầy xước, bị thương cho người điều khiển.
Vỉa hè và bó vỉa của đường Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Quang Trung, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương… cũng đã xuống cấp và nhiều người dân, hộ kinh doanh đã tự ý “cải tạo” gây nên cảnh lộn xộn rất khó chịu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dẫu chỉ cải tạo một lối lên xuống vỉa hè, hay cả đoạn vỉa hè đều phải làm hồ sơ xin giấy phép ở các cơ quan chức năng, song với tình trạng cải tạo vỉa hè lộn xộn như hiện nay trên nhiều tuyến đường dường như không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng ở đâu.
Người dân sống ở 2 bên tuyến phố chính đang rất mong thành phố cải tạo lại hệ thống vỉa hè, hố trồng cây xanh, hố thu nước mưa,… bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Về độ cao của vỉa hè và bó vỉa so với mặt đường có thể cải tạo lại thấp như tuyến đường Điện Biên Phủ để chấm dứt tình trạng người dân phải hạ bó vỉa hoặc kê các tấm bê-tông, gạch tạo lối lên xuống.
Bên cạnh đó, để tăng tính mỹ quan đô thị, theo chúng tôi cần áp dụng kết cấu hố trồng cây cùng mức (không đắp nổi gờ chắn) với mặt vỉa hè xung quanh và bố trí các tấm che phần đất xung quanh gốc cây, nhằm làm cho vỉa hè trông thông thoáng hơn, tăng được diện tích sử dụng hữu ích của vỉa hè, đồng thời tránh được các tai nạn do người đi bộ sơ ý vấp vào phần gờ chắn nổi của hố trồng cây và bảo đảm vệ sinh môi trường. Kết cấu hố trồng cây kiểu này đã được áp dụng ở nhiều đô thị hiện đại trên thế giới và kể cả ở Việt Nam.
Cải tạo lại vỉa hè, cần kết hợp cải tạo các hố thu nước, ngăn chặn tình trạng mùi hôi thối từ trong lòng cống bốc lên, khiến người dân phải dùng nilon, ván gỗ để che lại, rất luộm thuộm. Vừa qua, được sự đồng ý của thành phố, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đã lắp đặt thí điểm 20 hố ga ngăn mùi trên tuyến đường Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng và Trưng Nữ Vương. Hiện những hố ga mới lắp đặt này đã bước đầu ngăn được mùi hôi phát tán từ hố ga, đáp ứng được yêu cầu thoát nước mưa trên đường phố và bảo đảm mỹ quan đô thị. Nên chăng cần nghiên cứu để giảm giá thành, đưa vào ứng dụng rộng rãi loại hố ga ngăn mùi này.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP