3 hình thức yêu cầu thi hành án
Theo quy định của Luật THADS năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, khi bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, đương sự có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn; trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện để yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS phải tiến hành nghiên cứu, xem xét yêu cầu thi hành án cùng các tài liệu kèm theo của đương sự để ra một trong các văn bản như thông báo về việc từ chối yêu cầu THADS hoặc quyết định THADS.
Như vậy, hiện nay pháp luật quy định 3 hình thức yêu cầu thi hành án (trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện); mặt khác kèm theo yêu cầu thi hành án thì “người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan”. Quy định này tạo ra sự chặt chẽ, gắn với hoạt động tư pháp chịu sự kiểm sát chặt chẽ của Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm lợi ích của đương sự. Tuy nhiên, hình thức yêu cầu thi hành án này có lẽ không còn phù hợp bởi lẽ bị hạn chế về tính nhanh chóng, toàn diện của hình thức yêu cầu THADS cũng như thời hạn ra quyết định THADS theo yêu cầu và nhiều thủ tục khác để kịp thời thi hành hiệu quả việc THADS.
Trong khi đó, Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý các thủ tục hành chính là một trong số những mục tiêu quan trọng, cần triển khai thực hiện đồng bộ tại các cơ quan Chính phủ. Trong thời gian vừa qua, do đặc trưng công việc mang nặng tính chất chuyên môn, nghiệp vụ nên các thủ tục hành chính về thi hành án còn ít, chưa được thống nhất thực hiện tại các cơ quan địa phương đã gây không ít khó khăn cho người dân đến thực hiện quyền và nghĩa vụ thi hành án.
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Do vậy, để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan THADS từ tháng 07/2016 đến tháng 02/2017, Tổng cục THADS đã triển khai thực hiện thí điểm hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án và cơ chế một cửa tại Cục và Chi cục THADS trực thuộc của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm các thành phố: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh: Sơn La, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang).
Với mô hình mới này, cá nhân, tổ chức khi giao dịch với cơ quan THADS có thể lựa chọn hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa, gửi qua đường bưu điện, dịch vụ bưu chính công ích hoặc đơn giản hơn chỉ cần gửi đơn và hồ sơ yêu cầu thi hành án vào địa chỉ hòm thư điện tử tại các trang thông tin THADS đối với những thủ tục được hỗ trợ trực tuyến.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, từ 1/6/2017 Bộ Tư pháp đã đồng ý cho triển khai hỗ trợ trực tuyến THADS trong phạm vi cả nước đối với 03 loại thủ tục: yêu cầu THADS, yêu cầu xác nhận kết quả THADS và thủ tục khiếu nại, tố cáo về THADS. Đối với cơ chế một cửa được áp dụng thực hiện với 05 thủ tục thi hành án: đề nghị xác nhận kết quả thi hành án; yêu cầu thay đổi Chấp hành viên; ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu; đề nghị miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án; đề nghị miễn giảm phí thi hành án.
Theo Quy chế Tổng cục THADS ban hành, Tổng cục THADS được quyền sử dụng, khai thác đối với toàn bộ dữ liệu có trên Phần mềm để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động THADS và các mục đích khác theo quy định của pháp luật. Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin là đầu mối giúp Lãnh đạo Tổng cục khai thác toàn bộ dữ liệu có trên Phần mềm.
Việc triển khai phần mềm đã tạo sự tương tác giữa người dân với cơ quan thi hành án trên môi trường mạng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, trong Luật THADS hiện nay lại chưa có quy định về gửi và nhận yêu cầu THADS trực tuyến. Bởi vậy, cần sửa đổi Luật THADS để bổ sung quy định về hình thức gửi và nhận yêu cầu THADS trực tuyến.