12 cán bộ, nhân viên lãnh án
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức (SN 1971) - nguyên Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Biển Hồ 54 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 30 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tổng hợp hình phạt là 7 năm tù giam; bị cáo Đặng Văn Cườm (SN 1975, nguyên kế toán trưởng BQLRPH Bắc Biển Hồ) 24 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 15 tháng tù về tội “Tham ô tài sản”, tổng hình phạt là 3 năm 3 tháng tù giam.
Các bị cáo: Mã Phi Bình (SN 1979, cán bộ địa chính xã Diên Phú, TP.Pleiku) 18 tháng tù; Ngô Văn Bằng (SN 1966, Chủ tịch UBND xã Trà Đa, nguyên Chủ tịch UBND xã Diên Phú) 15 tháng tù; Tưởng Tín (SN 1960, nguyên Trưởng BQLRPH Bắc Biển Hồ) 12 tháng tù; Trương Văn Hoàn (SN 1974, nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Pleiku) 9 tháng tù; Phạm Thị Trầm (SN 1986, nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Pleiku) 8 tháng tù; Lê Huy Phong (SN 1960, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Hoa Lư - Phù Đổng, TP.Pleiku) 6 tháng tù cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Đức (đứng đầu tiên) cùng các bị cáo trong phiên tòa xét xử |
Các bị cáo: Nguyễn Tiến Dũng (SN 1970, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Pleiku); Ngô Xuân Hiền (SN 1974, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Pleiku); Phạm Thị Bích Thủy (SN 1978) và Nguyễn Thành Tiên (SN 1964, cùng là nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Pleiku từ 6 - 9 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo Đức, Cườm liên đới bồi thường hơn 472 triệu đồng số tiền mà các bị cáo đã không nộp vào ngân sách Nhà nước; bị cáo Cườm phải bồi thường cho Nhà nước số tiền hơn 15 triệu đồng đã tham ô; hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nằm trong lâm phần quản lý của BQLRPH Bắc Biển Hồ đã cấp cho Đức; thu hồi số tiền 750 triệu đồng mà bà Mai Thị Ngọc Thỏa (nguyên cán bộ BQLRPH Bắc Biển Hồ) đã trục lợi từ việc chuyển nhượng các lô đất được cấp GCNQSDĐ trong lâm phần của BQLRPH Bắc Biển Hồ; các bị cáo còn lại phải liên đới bồi thường số tiền hơn 345 triệu đồng giá trị của 3 lô đất đã cấp sai cho Đức và bà Thỏa.
Được biết, đây là vụ án được Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện sau khi thanh tra toàn diện tại BQLRPH Bắc Biển Hồ vào năm 2017. Sau đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Cán bộ quản lý biến đất rừng thành đất mình
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai, trong các năm từ năm 2010 đến năm 2015, qua công tác thực hiện nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ đất rừng, tại BQLRPH Bắc Biển Hồ đã để xảy ra các sai phạm về quản lý thu chi tài chính, gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước; sai phạm về quản lý đất đai, làm mất một phần diện tích đất rừng, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của một số cơ quan và tổ chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong công tác quản lý đất đai.
Trong các năm 2011, 2013 và 2015, BQLRPH Bắc Biển Hồ có thu tiền đền bù tài sản trên đất, bán thanh lý gỗ, củi nguyên liệu với tổng số tiền hơn 472 triệu đồng nhưng Đức đã chỉ đạo Cườm không nộp số tiền trên vào ngân sách Nhà nước mà nhập quỹ tiền mặt của BQLRPH Bắc Biển Hồ để chi cho các hoạt động chung của BQLRPH Bắc Biển Hồ nên không quyết toán được. Đến nay, BQLRPH Bắc Biển Hồ không thu hồi được số tiền trên.
Cườm cũng tham ô số tiền 15 triệu đồng mà Ban Quản lý dự án lưới điện miền Trung trực tiếp chi trả tiền bồi thường đất, hoa màu thuộc công trình trạm biến áp 110 kV Mang Yang và nhánh rẽ cho BQLRPH Bắc Biển Hồ. Với chức vụ là Trưởng BQLRPH Bắc Biển Hồ, Đức đã làm các tài liệu, chứng từ để hợp thức hóa một phần nguồn gốc đất do mình được giao nhiệm vụ quản lý thành đất cá nhân của riêng mình và đề nghị cấp GCNQSDĐ, sử dụng thu lợi cá nhân với diện tích hơn 16.700m2. Hành vi này của Đức đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 122 triệu đồng.
Với nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ đất rừng nhưng khi bà Thỏa đề nghị xác nhận vào 2 biên bản không tranh chấp và làm chứng với nội dung “đất khai hoang trước năm 1990, trồng cây các loại, không có tranh chấp” thì Tín không chỉ đạo cán bộ kỹ thuật đo đạc, xác nhận lại diện tích đất bà Thỏa đề nghị cấp có thuộc diện tích đất lâm nghiệp của BQLRPH Bắc Biển Hồ hay không.
Thay vào đó, Tín đã ký xác nhận, dẫn đến bà Thỏa được cấp GCNQSDĐ đối với 2 thửa đất trong diện tích đất rừng do BQLRPH Bắc Biển Hồ quản lý, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 222 triệu đồng. Về các diện tích đất này, bà Thỏa đã bán lại cho một số hộ gia đình khác để thu lợi cá nhân.
Bằng và Bình là những người đã tiếp nhận và xử lý 2 hồ sơ của bà Thỏa và 1 hồ sơ của Đức đề nghị cấp GCNQSDĐ. Mặc dù diện tích đất mà bà Thỏa và Đức đề nghị cấp GCNQSDĐ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp (theo Khoản 1,2 và 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003) và là đất lâm nghiệp thuộc lâm phần quản lý của BQLRPH Bắc Biển Hồ nhưng cả 2 đã không kiểm tra về nguồn gốc đất, không đối chiếu với bản đồ địa chính về diện tích đất mà UBND xã Diên Phú quản lý, không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai đối với việc cấp GCNQSDĐ lần đầu.
Những sai phạm của Bằng và Bình dẫn đến UBND TP.Pleiku cấp GCNQSDĐ cho bà Thỏa và Đức, làm mất hơn 47.000m2 diện tích đất lâm nghiệp, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 345 triệu đồng.
Các bị cáo còn lại đều có trình độ chuyên môn về quản lý đất đai, trong quá trình làm việc được phân công nhiệm vụ thực hiện các thủ tục cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ, các bị cáo đã không áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến cấp GCNQSDĐ dẫn đến việc đã xác nhận các hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ của bà Thỏa và Đức đủ điều kiện.
Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa có kết luận về công tác bảo vệ rừng ở các đơn vị được giao khoán bảo vệ rừng. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 9/2019, quá trình thanh tra 14 đơn vị quản lý bảo vệ rừng, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện tổng diện tích rừng bị mất, lấn chiếm hơn 3,719ha, sai phạm tài chính hơn 6,1 tỷ đồng. Đã có 3 tập thể, 52 cán bộ bị xử lý với các hình thức kỷ luật khác nhau và chuyển 7 vụ việc sang cơ quan điều tra.
Đơn cử, BQLRPH Ia Rsai (huyện Krông Pa) được giao quản lý hơn 19.000ha đất tự nhiên, trong đó hơn 15.000ha đất có rừng. Qua kiểm tra có hơn 362ha rừng bị phá hoặc bị lấn chiếm làm nương rẫy.
Tương tự, BQLRHP Ia Puch được giao quản lý hơn 16.700ha đất tự nhiên trên địa bàn huyện Chư Prông, trong đó hơn 13.500ha là đất có rừng. Qua kiểm tra đã phát hiện từ năm 2008 đến nay bị lấn chiếm, tàn phá 1.228ha rừng. Trong số này, nhiều diện tích rừng tự nhiên do đơn vị quản lý bị một công ty phá, lấn chiếm để trồng cao su.
Được biết, 7 vụ việc Thanh tra tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sang cơ quan công an tiếp tục xử lý là các BQLRPH, gồm: Bắc An Khê, Bắc Biển Hồ, Ya Hội, Ia Grai, Đức Cơ, Ia Puch và Đắk Đoa.
Và mới nhất, vào ngày 7/11, UBND tỉnh Gia Lai thống nhất chuyển thêm hồ sơ vụ việc ở BQLRPH Chư Mố (huyện Ia Pa) sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai. Như vậy, đến nay đã có 8 vụ việc được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Qua kiểm tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định rừng do BQLRPH Chư Mố quản lý đã bị chặt phá, lấn chiếm kéo dài nhiều năm, làm mất hơn 1.400ha rừng tự nhiên.