Những tủ sách nghĩa tình
Mục tiêu của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là nhằm khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực, cũng như huy động sự chung tay, chung sức của cộng đồng, mà trước hết là các cấp hội phụ nữ và lực lượng biên phòng trong cả nước chia sẻ một phần khó khăn của phụ nữ ở các xã biên giới, hải đảo. Chính vì thế, giúp cho chị em phụ nữ nói chung và cán bộ Hội Phụ nữ nói riêng hiểu và thực hiện đúng pháp luật để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của bản thân, cộng đồng cũng là mục tiêu mà chương trình hướng tới.
Ngày 7/3/2018 tại thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra lễ ra quân “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020. Tại buổi lễ, gần hai tỷ đồng được trao tặng tới phụ nữ, trẻ em các xã biên giới đặc biệt khó khăn thông qua các công trình an sinh xã hội, phần quà, suất học bổng… Cùng với đó, 90 Tủ sách pháp luật (trị giá 405 triệu đồng) cũng đã được tặng cho 90 xã biên giới đặc biệt khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN thì những tủ sách này được đặt tại trụ sở UBND xã dưới sự quản lý của Hội Phụ nữ xã và sự phối hợp của cán bộ tư pháp xã nhằm tuyên truyền pháp luật cho chị em phụ nữ nhanh gọn và dễ hiểu. Đặc biệt, 90 Tủ sách pháp luật này là một món quà đến từ chính những người phụ nữ.
Đưa pháp luật đến với nhiều phụ nữ hơn nữa
Trao đổi với phóng viên, bà Lương Ngọc Trâm (Thẩm phán TANDTC, Phó Chủ nhiệm Mạng lưới lãnh đạo nữ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPNVN khối Bộ, ngành) cho biết: “Đến thời điểm này, 99 Tủ sách pháp luật đã đươc tặng cho 99 xã biên giới trên địa bàn toàn quốc. Mỗi tủ sách bao gồm 130-150 đầu sách về pháp luật hiện hành, sách hướng dẫn về chính sách đất đai, hộ tịch, sách khuyến nông, hướng dẫn cách nuôi dạy con… (giá trị sách từ 3-3,2 triệu đồng)...
Tặng Tủ sách pháp luật cho các xã, tôi với tư cách là Phó Chủ nhiệm Mạng lưới lãnh đạo nữ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPNVN khối Bộ, ngành cũng như toàn bộ Mạng lưới mong muốn được góp sức mình chăm lo tới đời sống tinh thần cho chị em phụ nữ, qua đó nâng cao trình độ, nhận thức pháp luật cho chị em nói chung và cán bộ Hội Phụ nữ nói riêng.
Với đặc thù là phụ nữ ở các xã biên giới, hải đảo, chị em phụ nữ không chỉ có những vấn đề thường nhật mà còn phải đối mặt với nhiều mối nguy hại khác như mua bán người, mua bán ma túy... Chính vì thế, khi cán bộ Hội nắm vững luật sẽ là chỗ dựa vững chắc để giúp người dân đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của bản thân, cộng đồng”.
Cách đây không lâu, trong một cuộc tọa đàm về sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái, bà Lương Ngọc Trâm đã phát biểu, thực tế nhiều vụ án cho thấy, người phụ nữ quá nhẫn nhịn để cam chịu sự bạo hành thể xác, tinh thần với mình, thậm chí im lặng một cách khó hiểu để chồng xâm hại tình dục con riêng, con chung của mình. “Cần thay đổi nhận thức của phụ nữ về quyền và lợi ích hợp pháp của họ, về việc họ được pháp luật bảo vệ chứ không đơn độc trước nạn bạo lực gia đình. Để từ đó giải phóng sự phản kháng của người phụ nữ, để họ biết và có thể phản kháng trước những hành vi bạo lực, xâm hại” – bà Trâm nhấn mạnh.
Từ đây có thể hiểu được mong muốn mà chủ nhân “món quà” Tủ sách pháp luật muốn gửi tới những người phụ nữ. Tới đây, món quà sẽ được “nâng cấp” hơn nữa nhằm đưa pháp luật và những kiến thức xã hội đến được với nhiều người đọc hơn, vào bất kỳ thời gian nào, khi Thẩm phán Lương Ngọc Trâm cho biết, sẽ cùng Mạng lưới sẽ phối hợp với Hội Nữ Trí thức Việt Nam phát triển tủ sách “cứng” thành tủ sách “mềm” – Thư viện khoa học điện tử.