Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND Tối cao đề nghị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với Huỳnh Tấn Luật (48 tuổi, nguyên trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại).
Kết quả điều tra xác định, mẹ của Luật chơi thân với một nữ “đại gia” ngụ quận 11. Biết bà này có nhiều tiền gửi tiết kiệm, Luật nhờ chuyển sang gửi tại ngân hàng mình phụ trách để giúp tăng doanh số; được đồng ý gửi hàng trăm tỷ đồng từ tháng 7/2010 đến tháng 9/2011.
Do lượng tiền gửi của khách hàng này lớn, từ tháng 10/2011, ngân hàng đồng ý cho Luật được thực hiện các giao dịch tại nhà khách hàng VIP nêu trên. Tin tưởng Luật, nạn nhân thường ký sẵn vào các giấy tờ, biểu mẫu chưa ghi nội dung để Luật thực hiện giao dịch rút tiền lãi của các khoản tiết kiệm cho mình.
Khi tạo được lòng tin, Luật đặt vấn đề vay tiền của khách hàng để đáo hạn ngân hàng, kinh doanh... cam kết trả lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Luật đã vay của người này 24 lần, tổng cộng hơn 239 tỷ đồng và 8.687.000 USD để mua nhiều tài sản, trả nợ cho người khác và tiêu xài cá nhân.
Quá trình vay, Luật đã trả cho khách 35 tỷ đồng tiền gốc. Đến cuối năm 2012, Luật còn nợ bà này hơn 204 tỷ đồng và 8.687.000 USD (gần 181 tỷ đồng).
Ngoài ra, từ 2006 đến 2014, Luật còn vay tiền của 12 người khác, tổng cộng là 162 tỷ đồng và 10.000 USD để làm ăn.
Luật đã sử dụng gần 155 tỷ đồng vay của nữ “đại gia” và những người này để mua 21 tài sản, gồm nhiều bất động sản ở các tỉnh và xe hơi rồi nhờ người thân đứng tên. Do vốn vay bị “găm” vào bất động sản, Luật sau đó mất khả năng trả nợ.
Năm 2014, nữ “đại gia” liên tục đòi nợ nhưng Luật không còn tiền để trả. Lợi dụng việc nữ “đại gia” trước đó ký vào các giấy tờ, Luật làm giả nhiều biên nhận thể hiện đã trả hết nợ.
Luật còn làm giả biên nhận thể hiện đã cho nữ “đại gia” vay 82 tỷ đồng, gần 3.900 lượng vàng SJC, sau đó nhắn tin “đòi nợ”. Đến tháng 8/2014, Luật làm đơn tố cáo nữ “đại gia” chiếm đoạt tiền vàng của mình và khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, khi nữ “đại gia” có đơn tố cáo hành vi gian dối của Luật thì đối tượng rút đơn kiện.
Làm việc với cơ quan điều tra, Luật thừa nhận chữ ký trên 9 tờ giấy thể hiện đã trả nợ cho nữ “đại gia” là giả.
Quá trình điều tra, có 10 trong số 21 tài sản Luật mua bằng tiền phạm tội đã được thu hồi, kê biên và cấn trừ cho nữ “đại gia” để khắc phục hậu quả vụ án.
Hồi tháng 6/2019, Luật bị TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù. Tòa buộc Luật bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nữ “đại gia”, kê biên các tài sản mua từ tiền vay của bà này để thi hành án. Nếu xảy ra tranh chấp thì khởi kiện thành vụ án dân sự khác.
Nữ “đại gia” sau đó kháng cáo, yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án, làm rõ vai trò giúp sức của một số người thân trong gia đình Luật. Đồng thời, thu hồi 11 tài sản còn lại để khắc phục thiệt hại cho bà.
TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm tháng 11/2019, chấp nhận kháng cáo của nạn nhân, tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra xét xử lại.
CQĐT sau đó giữ nguyên quan điểm chỉ truy tố Luật, cho rằng không có căn cứ xử lý hình sự vợ và người thân của Luật bởi họ không biết Luật làm giả giấy tờ để xù nợ của nạn nhân. Việc họ đứng tên trên một số tài sản là do Luật nhờ, không biết nguồn gốc tiền Luật sử dụng để mua chúng.
Còn 11 tài sản Tòa Cấp cao đề nghị thu hồi với lý do “là vật chứng” trong vụ án, CQĐT cho rằng những tài sản này Luật đã bán cho người khác. Người mua đã được cấp giấy chứng nhận hợp pháp do không biết nguồn gốc từ tiền phạm tội mà có. Hơn nữa, Luật không nhớ đã sử dụng tiền của nữ “đại gia” hay người khác để mua những tài sản này nên chưa có căn cứ để kê biên.
Bộ Công an đã có công văn gửi cơ quan chức năng các tỉnh đề nghị xem xét tạm ngưng các giao dịch, biến động liên quan đến những tài sản này, chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền. CQĐT cũng đề nghị VKS và tòa áp dụng các biện pháp và quy định để giải quyết quyền lợi về dân sự của nữ “đại gia” trong vụ án hình sự.
Quá trình điều tra, Luật khai đã trả lãi hàng tháng cho nữ “đại gia” tổng cộng hơn 204 tỷ đồng và 325.000 USD nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự cho đối tượng khi xét xử.
Tuy nhiên, nữ “đại gia” cho rằng, Luật chỉ trả cho bà gần 115 tỷ đồng và 325.000 USD tiền lãi.