Kennedy thường mang một chiếc áo nẹp bó chặt lưng và sau khi viên đạn thứ nhất của kẻ ám sát găm vào cổ ông, nó có thể là thứ đã khiến ông vẫn ngồi thẳng trên xe, thay vì ngã xuống, để hứng trọn viên đạn chí tử thứ hai găm vào não.
"Áo nẹp này là một chiếc đai nịt bó sát chặt quanh hai bên hông của ông ấy, phần lưng dưới và phần lưng trên", bác sĩ Thomas Pait, nhà giải phẫu thần kinh cột sống, đồng tác giả một công trình nghiên cứu về các ca phẫu thuật lưng thất bại của Kennedy, cho biết.
"Ông ấy buộc chặt nó và đặt một miếng băng co giãn rộng xung quanh thân người theo hình số 8. Bạn có thể hình dung thế này, nếu có một chiếc áo nẹp trải rộng lên ngực bạn và bó sát, liệu bạn có thể ngã chúi về trước không?", ông Pait nói thêm.
Căn bệnh trầm trọng
Là đứa trẻ ốm yếu ngay từ khi sinh ra, trong những năm tháng niên thiếu, Kennedy ra vào bệnh viện như cơm bữa vì đau bụng, đau khớp và các triệu chứng giống như sốt và bị giảm cân trầm trọng. Lúc 15 tuổi, Jack (tên thân mật của Kennedy) nặng khoảng 53 kg.
Đại học Harvard cũng là nơi ông phát hiện một căn bệnh: Chứng đau lưng kinh niên. Lưng Kennedy bắt đầu đau khi ông bị truy cản ngang hông trong một trận thi đấu bóng bầu dục và sự cố này dường như đã làm tổn thương một đĩa đệm cột sống. Ông bắt đầu dùng một cái áo nẹp thường xuyên để ổn định cột sống và giảm bớt cảm giác khó chịu. Ông bị tấn công bất ngờ bởi cú truy cản đó và mắc cơn đau lưng khủng khiếp từ sau sự cố này.
Sau đại học, cơn đau lưng và tình trạng sức khỏe kém đã ngăn Kennedy thực hiện giấc mơ tiếp theo của ông: Phục vụ đất nước trong Thế chiến II. Lục quân rồi hải quân Mỹ lần lượt khước từ ông. Tuy nhiên, Kennedy không bỏ cuộc và nhờ những mối quan hệ chính trị của cha mình, ông được chấp nhận gia nhập hải quân vào năm 1941.
Theo Thư viện Tổng thống JFK, tàu tuần tra cao tốc PT-109 do Kennedy chỉ huy bị trúng đạn từ một tàu khu trục Nhật Bản trong đêm tối đen như mực vào ngày 1/8/1943. Hỏa lực đối phương đã xé toạc mạn phải con tàu, hất văng hầu hết các đồng đội của Kennedy xuống Thái Bình Dương.
Để vào bờ biển gần nhất, ông và các đồng đội đã phải bơi hơn 5km. Kennedy đã kéo một trong những đồng đội bị thương vào bờ bằng cách cắn chặt quai áo phao người này mặc. "Kennedy bơi rất giỏi... Ông ấy lớn lên cùng môn thể thao bơi lội", một nhà nghiên cứu cho biết. "Kennedy đã dồn hết mọi sức lực còn lại để kéo người đồng đội bị thương. Đó là điều không tưởng".
Khuya hôm đó, Kennedy bơi trở lại chỗ tàu ông gặp nạn, đầm mình trong nước suốt một tiếng nữa khi ông tìm kiếm các tàu tuần tra cao tốc khác trong vô vọng. Vài ngày sau, ông và các đồng đội tiếp tục bơi từ đảo này sang đảo khác. Kennedy một lần nữa kéo đồng đội bị thương bằng răng cho đến khi họ được giải cứu.
Hành động quả cảm của ông đã giúp ông nhận được huy chương từ hải quân và thủy quân lục chiến. Nhưng mặt khác, hành động ấy càng khiến chấn thương lưng của ông trở nên trầm trọng hơn, có thể phải vật lộn suốt đời với chứng đau lưng.
Cuộc phẫu thuật suýt làm mất mạng
Vì những cách chữa trị thận trọng đều thất bại và cảm thấy không thể sống chung với cơn đau lưng triền miên, Kennedy đã đưa ra một quyết định trọng đại. Không nghe lời khuyên từ các bác sĩ Phòng khám Mayo, ông quyết lên bàn mổ, trải qua cuộc phẫu thuật cột sống vào tháng 6/1944 ở bệnh viện New England Baptist tại Boston.
Không may, cuộc phẫu thuật không diễn ra suôn sẻ. Khoảng 6 tuần sau cuộc phẫu thuật thứ nhất, cơn đau tái phát và ông rơi vào tình trạng thương tổn khủng khiếp. Vì cuộc phẫu thuật thứ nhất thất bại, ông vẫn phải chống lại cơn đau mà giờ đây sẽ hành hạ ông suốt phần đời còn lại.
Cá nhà nghiên cứu đã kiếm tra các hình ảnh X quang trước và sau phẫu thuật của Kennedy. Phân tích của họ, dựa trên quan điểm từ các nhà phẫu thuật cột sống, không phát hiện bất thường nào trong khoảng trống giữa các đốt sống và không có dấu hiệu nào về một căn bệnh xương nghiêm trọng như nghi ngờ bấy lâu nay dựa vào việc Kennedy sử dụng thuốc kháng viêm steroid.
"Tất cả chúng ta đều đau lưng và hầu hết chúng ta sẽ bình phục mà không cần đến phẫu thuật. Liệu bệnh của Kennedy có giống với kiểu đau lưng thường thấy đó? Thật khó để kết luận. Đau lưng là căn bệnh rất phức tạp và rất khó điều trị. Tôi nghĩ ông ấy cuối cùng rồi cũng sẽ chấp nhận một cuộc phẫu thuật như ông ấy đã trải qua vì ông ấy có những giấc mơ và không muốn chịu đựng cơn đau hành hạ", Pait suy luận.
Kennedy đã bày tỏ thất vọng về kết quả phẫu thuật. "Tôi nghĩ các bác sĩ nên nghiên cứu thêm trước khi cầm vào dao mổ", ông nói. Dù vậy, Kennedy vẫn tiếp tục phẫu thuật thêm hai lần nữa trong nỗ lực vô vọng nhằm giảm cơn đau.
Cuộc phẫu thuật tiếp theo của Kennedy diễn ra vào tháng 10/1954, khiến ông suýt mất mạng. Sau khi một tấm kim loại được chèn vào phần lưng dưới của ông để nối đốt sống lưng, ông bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ông bệnh nặng đến nỗi gia đình đã gọi một linh mục đến để chuẩn bị cử hành những nghi lễ cuối cùng. Đây là lần thứ hai họ gọi linh mục đến. Một mục sư đã được mời tới vào năm 1947 lúc Kennedy bị chẩn đoán mắc bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát), gây ra mệt mỏi, yếu cơ, giảm cân, đau bụng, tương tự những căn bệnh thời thơ ấu của ông.
Bệnh Addison làm tăng thêm rủi ro phẫu thuật nhưng bất chấp nguy hiểm, Kennedy một lần nữa đòi lên bàn mổ. Thời điểm ấy, ông đang là thượng nghị sĩ và sử dụng nạng gần như mọi lúc để đi lại. Bà Rose Kennedy, mẹ ông, viết trong hồi ký: "Jack nhất quyết phẫu thuật. Jack nói với cha mình rằng thậm chí nếu rủi ro là 50/50, Jack thà chết còn hơn sống phần đời còn lại mà phải đi tập tễnh trên đôi nạng và bị tê liệt bởi cơn đau".
Không may, Kennedy không hồi phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật nối đốt sống lưng. Ông bị nhiễm khuẩn tụ cầu và nó đã tạo ra "một lỗ hở to trông rất ghê", theo Ted Sorenson, trợ lý viết diễn văn của Kennedy.
Đến tháng 2/1955, Kennedy trở lại bệnh viện để tiến hành cuộc phẫu thuật lấy tấm kim loại ra. "Ông ấy cũng giống như nhiều người Mỹ bị mắc chứng đau lưng kinh niên, tìm kiếm mọi giải pháp để giải quyết cơn đau, giúp họ có thể tiếp tục công việc thường ngày", Pait nói.
Thực tế, giải pháp tiếp theo của Kennedy sau các cuộc phẫu thuật là quay sang sử dụng các mũi tiêm, đưa vào cơ thể một chất có tên gọi procaine, phiên bản tương tự thuốc gây tê lidocaine, ngăn các tín hiệu thần kinh đến não bộ.
Giải pháp cuối cùng
Kennedy đã sử dụng hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn mũi tiêm như vậy, trong suốt 4 năm sau đó. Giải pháp này cùng với việc luyện tập và sử dụng áo nẹp đã cải thiện đáng kể chứng đau lưng của ông.
Tuy nhiên, cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 1960 một lần nữa làm ông sa sút sức khỏe. Nhưng Kennedy đã được giải thoát cơn đau dưới bàn tay của bác sĩ Max Jacobson, người có các biệt danh là "Max thần kỳ".
Jacobson nổi tiếng nhờ tiêm cho các bệnh nhân của ông một hỗn hợp pha chế dựa trên amphetamine, một loại thuốc làm tăng tỉnh táo và tập trung.
"Công thức bí mật này được cho là có chất methamphetamine trong đó. Ông ấy tiêm nó cho Kennedy và nó làm tổng thống thấy vui vẻ, tinh thần lạc quan và ông ấy không cảm thấy đau nữa", Pait nói.
Kennedy được cho là đã nhận một mũi tiêm từ Jacobson ngay trước cuộc tranh luận nổi tiếng giữa ông với Richard Nixon và ba mũi tiêm như vậy nữa trong ngày đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh Vienna với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev.
Người ta đã mang đến Nhà Trắng một bác sĩ mới tên Hans Kraus, người mà ngày nay được xem là cha đẻ của các loại thuốc tăng cường sinh lực. Kraus tin rằng phần lớn cơn đau lưng khởi nguồn từ các cơ suy yếu. Dưới sự hướng dẫn của Kraus, Kennedy đã theo một chế độ tập luyên bao gồm cử tạ, bơi, mát xa và trị liệu bằng nhiệt. Kraus bắt đầu tìm cách gỡ áo nẹp lưng của Kennedy.
Gần như ngay lập tức, cách tiếp cận mới đã mang lại những lợi ích rõ rệt và Kennedy đang trên đà hồi phục từ cơn đau lưng, có lẽ là lần đầu tiên trong cuộc đời. Thế nhưng vào tháng 8/1963, chỉ ít tháng trước chuyến thăm Dallas, Kennedy thấy căng cứng lưng và ông bắt đầu sử dụng áo nẹp trở lại, bất chấp các lo ngại của bác sĩ. Bác sĩ cũng không còn cơ hội chữa bệnh cho ông, khi ngày 22/11/1963, ông đã bị ám sát trên đường phố.