Theo bác sĩ Chu Thùy Linh, Đơn nguyên Da liễu - Khoa Nội tổng hợp, bệnh nhân mắc bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ. "Viêm tuyến mồ hôi mủ (tên khoa học là Hidradenitis Suppurativa), là một bệnh da nhiễm trùng mạn tính, tái phát và tạo sẹo ở vùng có tuyến mồ hôi tiết mùi của cơ thể. Trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh chiếm 1 - 4% dân số. Bệnh thường khởi phát sau tuổi dậy thì, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 20 - 40, nữ nhiều hơn nam, tồn tại kéo dài sau nhiều năm và ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân", bác sĩ Linh cho biết.
Nguyên nhân gây viêm tuyến mồ hôi mủ không rõ ràng, tuy nhiên, bít tắc nang lông, đứt gãy ống tuyến và tình trạng viêm thứ phát được cho rằng có 1 vai trò nhất định. Hơn nữa, gene di truyền, chấn thương cơ học và hormone cũng góp phần sinh bệnh.
Bác sĩ Linh cho biết, bệnh đặc trưng bởi các tổn thương dạng cục, giống nhọt, hay tái phát, các ổ áp xe chứa chất dịch như mủ, các xoang dò, các tổn thương khó lành và sẹo hóa. Tổn thương có thể gặp 1 trong các vị trí sau: nách, cổ, vùng dưới vú, mặt trong đùi, vùng hậu môn, sinh dục bị nhiều nhất là bẹn, mu, âm hộ, 2 bên bùi, quanh hậu môn, rãnh quanh hậu môn, mông.
Cùng với đó, diễn tiến lâm sàng của viêm tuyến mồ hôi mủ đa dạng, 1 số bệnh nhân có từng đợt mạn tính nhẹ ngắt quãng, 1 số bệnh nhân khác lại mắc bệnh nặng kéo dài.
Các mức độ nặng nhẹ của viêm tuyến mồ hôi mủ được đánh giá theo Hurley gồm 3 giai đoạn lâm sàng:
Giai đoạn 1: áp xe đơn độc, rải rác, không có rãnh xoang và chưa hình thành sẹo.
Giai đoạn 2: áp xe tái phát, nhiều lần, thương tổn rộng hơn, tạo thành rãnh xoang và sẹo.
Giai đoạn 3: các ổ áp xe và các rãnh xoang lan rộng, liên kết với nhau.
Viêm tuyến mồ hôi mủ nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời thì có thể ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh, như: Gây mất thẩm mỹ, tổn thương lâu lành và có thể để lại sẹo lớn hoặc lõm da, tăng sắc tố. Trong trường hợp các tổn thương xuất hiện tại vùng nách, đùi thì sẽ khiến cho bệnh nhân khó khăn trong việc sinh hoạt vì gây đau đớn. Khi vi khuẩn xâm nhập vào các khu vực da bị tổn thương sẽ làm lây lan nhanh chóng, dẫn đến nhiễm khuẩn lan tỏa, dò niệu đạo và trực tràng, thiếu máu do nhiễm khuẩn...
Qua trường hợp trên, bác sĩ Linh khuyến cáo, để phòng tránh bệnh bằng cách giảm cân để hạn chế sự cọ xát trên da, bỏ hút thuốc, rượu bia, không dùng dao cạo râu tại tổn thương. Giữ cơ thể khô thoáng bởi bệnh có thể bùng phát do quá nóng và đổ mồ hôi, mặc quần áo thoáng mát.
Khi bị tổn thương, cần chăm sóc tổn thương đúng cách: Áp gạc ấm lên tổn thương để giúp giảm cả sưng và đau. Làm sạch tổn thương hằng ngày bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc chất tẩy rửa, duy trì và cân bằng độ ẩm trên da, tránh để vùng da của bạn bị quá khô hoặc quá ướt. Tránh dùng nước hoa hoặc các chất khử mùi tại vùng da đang bị tổn thương.
Nếu nghi ngờ bản thân đang mắc phải căn bệnh này thì mọi người cần trực tiếp đến các đơn vị y tế có phòng khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám kịp thời và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.