Đoàn Việt Nam tháp tùng Thủ tướng tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế; Văn phòng Chính phủ; và Lãnh đạo UBND các tỉnh: Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.
Thảo luận về tình hình hợp tác thời gian qua, ba Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu đạt được trong thực hiện Kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội khu vực TGPT CLV giai đoạn 2010-2020, đặc biệt là trong xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hội nhập kinh tế khu vực của các địa phương, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh và ổn định xã hội, tăng cường hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân ba nước. Các Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của Uỷ ban điều phối chung và các bộ, ngành ba nước trong triển khai các dự án hợp tác chung.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, ba Thủ tướng khẳng định quyết tâm xây dựng khu vực TGPT CLV hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng thông qua tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác, thúc đẩy tiến trình hội nhập, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, và phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN khác để hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Các Thủ tướng cũng khẳng định cam kết đẩy mạnh hợp tác trong bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và tài nguyên rừng.
Trên cơ sở đó, các Thủ tướng đã chỉ đạo Ủy ban điều phối chung tích cực triển khai một số nội dung cụ thể như: Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội khu vực TGPT CLV giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ triển khai Quy hoạch giai đoạn 10 năm vừa qua. Xây dựng các chương trình, kế hoạch và dự án cụ thể để thực hiện Kế hoạch kết nối ba nền kinh tế Campuchia, Lào, Việt Nam đến 2030.
Thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển du lịch khu vực TGPT CLV giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030 được thông qua tại Hội nghị, nâng cao hiểu biết về mô hình “Ba quốc gia, một điểm đến” và thúc đẩy du lịch bền vững. Xây dựng chương trình hoạt động cụ thể để triển khai Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su bền vững được thông qua tại Hội nghị.
Tăng cường các hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên; các chương trình đào tạo nghề và giao lưu nhân dân và phối hợp cùng các đối tác phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế trong việc thực hiện các kế hoạch đã được phê duyệt.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khu vực CLV có tiềm năng phát triển rất lớn; quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân ba nước và sự phối hợp chặt chẽ giữa ba Chính phủ tạo cơ sở quan trọng để khu vực tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vượt qua được những khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ phát triển mới, và trở thành một động lực tăng trưởng của ASEAN.
Thủ tướng chia sẻ mặc dù phải đối mặt với các khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan trong năm 2020. Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 2,5-3%, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng so với năm 2019; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 550 tỷ USD.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số phương hướng lớn mà hợp tác CLV cần chú trọng trong giai đoạn tới như: Mở rộng thực chất quy mô hợp tác, tạo gắn kết hơn giữa khu vực TGPT CLV với kinh tế cả nước và phát huy tốt hơn tiềm năng của ba nước; triển khai mạnh mẽ Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030, gắn với các chương trình, kế hoạch hợp tác tiểu vùng và ASEAN để tạo cộng hưởng và gia tăng hiệu quả.
Xây dựng môi trường thông thoáng, thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch thông qua: triển khai nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận đã có, xây dựng các thỏa thuận mới giúp khai thông khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh tạo thuận lợi lưu thông hàng hoá qua các cặp cửa khẩu biên giới; tạo điều kiện, cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp ba nước đầu tư, ổn định kinh doanh lâu dài tại khu vực CLV;
Bảo đảm nguồn cung lao động lành nghề, chất lượng cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực; và tăng cường hợp tác xây dựng tuyến biên giới CLV hoà bình, hữu nghị và phát triển toàn diện; mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác nhằm huy động thêm nguồn lực cho phát triển tại khu vực CLV.