Những thách thức lớn nhất đối với vị Tổng thống mới là ứng phó dịch bệnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống thất nghiệp, khắc phục khoảng cách giữa giàu và nghèo trong xã hội. Về đối ngoại và an ninh khu vực, ông Yoon Suk-yeol phải xử lý quan hệ của Hàn Quốc với Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản không những chỉ theo cách khác so với người tiền nhiệm như ông Yoon Suk-yeol đã nhiều lần tuyên cáo mà còn phải xử lý thành công hơn.
Để thành công được trong tất cả những việc này, ông Yoon Suk-yeol trước hết phải khắc phục tình trạng phân rẽ sâu sắc trên chính trường và trong nội bộ xã hội ở Hàn Quốc hiện tại. Gần một nửa số cử tri ở đất nước này đã không bỏ phiếu bầu ông Yoon Suk-yeol trong cuộc bầu cử vừa qua.
Người tiền nhiệm đã đạt được không ít thành quả cầm quyền quan trọng về đối nội cũng như đối ngoại, nhưng điều ấy không che đậy được thực tế là đất nước này hiện ở trong thời kỳ khó khăn. Sự phân rẽ sâu sắc và rõ ràng như thế trên chính trường và trong nội bộ xã hội không phải là điểm xuất phát và môi trường thuận lợi cho nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống mới ở Hàn Quốc. Ông Yoon Suk-yeol trong bài phát biểu nhậm chức chỉ đề ra mục tiêu cầm quyền chung chung chứ chưa cho thấy sẽ làm cụ thể như thế nào để đạt được những mục tiêu ấy.
Tất cả đều sẽ chẳng dễ dàng gì đối với vị Tổng thống mới. Dịch bệnh vẫn hoành hành ở Hàn Quốc. Kinh tế và thương mại thế giới vừa mới khôi phục được đà tăng trưởng thì bị dội gáo nước lạnh bởi tác động tiêu cực tai hại của chiến sự ở Ukraine.
Thất nghiệp và lạm phát tăng ở Hàn Quốc trong khi tình trạng tham nhũng và lạm dụng chức quyền vẫn còn rất trầm trọng khiến cho cử tri mất lòng tin và ngán ngẩm chính giới, căng thẳng và mâu thuẫn xã hội gia tăng.
Triều Tiên liên tục phóng tên lửa, quan hệ của Hàn Quốc với Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Môi trường chính trị an ninh khu vực và kinh tế, thương mại thế giới như thế thử thách bản lĩnh, năng lực và tầm nhìn của vị Tổng thống mới từ những ngày cầm quyền đầu tiên.
Ông Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ theo đuổi nhiều chính sách cầm quyền khác người tiền nhiệm, nhưng khác như thế nào và khác đến đâu thì lại chưa thể hiện rõ và cũng chẳng ai dám chắc là với những chính sách mới ấy rồi đây người mới có cầm quyền thành công hơn người cũ hay không.
Chẳng hạn như ông Yoon Suk-yeol phê phán quan điểm chính sách của người tiền nhiệm đối với Triều Tiên nhưng rồi trong bài phát biểu nhậm chức lại thể hiện không khác biệt gì về bản chất và nội dung chính sách so với người tiền nhiệm. Cho nên cầm quyền thành công đâu có dễ dàng.