Cần làm rõ hàng loạt vi phạm
Vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc về việc năm 2017, HĐND xã Phương Xá (nay là xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê) tự ý ra Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 về việc phê duyệt chủ trương cho thuê ki ốt: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ki ốt bán hàng chợ Phương Xá, huyện Cẩm Khê. Theo phản ánh, đây là một Nghị quyết vượt thẩm quyền với HĐND cấp xã. Nghị quyết ban hành phá vỡ quy hoạch về xây dựng, thương mại, giao thông, thủy lợi…
Sau khi được HĐND cấp xã thông qua, dù UBND tỉnh, UBND huyện chưa phê duyệt quy hoạch phát triển thương mại, UBND các cấp chưa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa có biên bản giao đất… nhưng UBND xã Minh Tân vẫn cố tình cho xây dựng ki ốt để cho thuê.
Cụ thể, UBND xã Minh Tân đã tự ý đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, cho san gạt hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp dọc 2 bên đường tỉnh 321C, xây phân lô thành 41 ki ốt. Xây dựng xong, chính quyền địa phương đã cho người dân thuê lại với thời hạn 20 năm. Tại thời điểm năm 2018, giá mỗi ki ốt được cho thuê giao động từ 150 – 200 triệu đồng. Để được thuê ki ốt, mỗi hộ dân phải nộp cho UBND xã từ 20 – 30 triệu đồng. Số tiền thu được khoảng gần 1 tỷ đồng sau đó được UBND xã chi vào việc xây dựng kênh mương nội đồng và các hạng mục khác do UBND xã làm chủ đầu tư.
Nhằm tạo niềm tin và hợp thức hóa nguồn tiền hỗ trợ đóng góp xây dựng ki ốt, ngày 11/7/2017 UBND xã Minh Tân dùng những hóa đơn, chứng từ những năm 200… làm biên lai thu tiền (trên chứng từ chỉ ghi năm 200... mà không rõ năm nào - NV). Như vậy, UBND xã Minh Tân thu tiền xây dựng ki ốt trước khi ban hành Nghị quyết HĐND số 11/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 khoảng 15 ngày.
Dãy ki ốt được UBND xã Minh Tân xây dựng trái phép |
Để rộng đường dư luận, PV Báo PLVN đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Minh Tân về vấn đề nêu trên. Ông Sơn cho biết, toàn bộ quá trình thực hiện dự án xây dựng 41 ki ốt ông đều làm lãnh đạo UBND xã. Ông Sơn cũng xác nhận ki ốt được xây dựng trên đất nông nghiệp, đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, đang xin điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp…
Tại buổi làm việc, ông Sơn cho PV xem một số giấy tờ như Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 26/7/2017 của UBND xã. Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư dự án được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Khê ký, đóng dấu.
“Vụ việc xã tôi xây dựng ki ốt thì cả xã, huyện, tỉnh đều biết. Quá trình xây dựng chúng tôi thiếu một số giấy tờ về thủ tục pháp lý, còn lại đều làm đúng (?!). Mỗi hộ dân khi thuê ki ốt phải nộp cho xã từ 20 – 30 triệu đồng, số tiền này chúng tôi dùng để xây dựng các công trình của xã chứ không tư lợi riêng. Nếu tôi làm sai thì cấp trên chả “xích” tôi đi rồi” - ông Sơn tự tin cho biết.
Trong quá trình làm việc, nhiều lần PV đề nghị ông Sơn cung cấp các văn bản như: Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư; biên bản giao đất; hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự án; bản vẽ thiết kế; hồ sơ phòng cháy chữa cháy; hồ sơ dự thầu; hợp đồng cho thuê và sổ thu tiền cho thuê ki ốt… nhưng ông Sơn đều không có tài liệu cung cấp. Theo ông Sơn cho hay, hiện các hồ sơ trên đều được Công an và Thanh tra tỉnh Phú Thọ thu giữ để kiểm tra.
Trong vai một người đang có nhu cầu mua ki ốt để kinh doanh, qua tìm hiểu PV được biết, ki ốt trước đây do UBND xã Minh Tân cho thuê có diện tích khoảng 16 – 20m2. Sau khi thuê người dân xây dựng lấn chiếm ra hành lang an toàn giao thông đường 321C thêm khoảng 10-15 mét chiều sâu, do đó hiện nay mỗi ki ốt đều có diện tích khoảng 50-100m2. Giá chuyển nhượng mỗi ki ốt hiện nay dao động từ 300 - 600 triệu đồng, tùy theo vị trí. Mức giá này gần bằng mức giá đất thổ cư dọc trục đường 321C.
Thanh tra tỉnh “né” cung cấp thông tin?
Quá trình đi “mục sở thị” các ki ốt, PV còn tiếp nhận được luồng dư luận tại địa phương đồn đại về việc các cơ quan chức năng huyện Cẩm Khê và tỉnh Phú Thọ đang “bao che” cho những sai phạm xảy ra tại UBND xã Minh Tân. Cũng theo dư luận, do vụ việc liên quan tới nhiều cán bộ cấp xã, huyện “nhúng chàm” nên sự việc xảy ra trong nhiều năm qua mà không ai bị xử lý. Tháng 3/2021, một số cơ quan báo chí phát hiện đưa tin thì Công an và Thanh tra tỉnh Phú Thọ mới vào cuộc, tuy nhiên đã 3 tháng trôi qua mà vẫn chưa có cơ quan nào ban hành kết luận… vì các cơ quan chức năng ở Phú Thọ đang loay hoay tìm cách “chữa cháy” (!?).
Để thông tin được khách quan, đa chiều và cũng nhằm chứng minh cho việc các cơ quan chức năng ở Phú Thọ trong sạch, không bao che cho sai phạm xảy ra tại địa phương, PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Cẩm Khê nhưng 1 tháng trôi qua huyện này vẫn “bặt vô âm tín”.
Liên hệ làm việc với Thanh tra tỉnh Phú Thọ thì cơ quan này “đùn đẩy” PV sang Sở thông tin và Truyền thông để tìm hiểu thông tin. Khi PV làm việc với Sở Thông tin &Truyền thông Phú Thọ thì đơn vị này cho biết không nhận được văn bản nào từ Thanh tra tỉnh Phú Thọ về vụ việc liên quan tới xã Minh Tân.
Hóa đơn được UBND xã Minh Tân dùng để thu tiền (Ảnh: Côngluan.vn) |
Như vậy, việc xã Minh Tân sai phạm tới đâu và các cơ quan chức năng Phú Thọ có bao che cho những sai phạm xảy ra tại xã Minh Tân hay không? Câu trả lời xin dành cho lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ (!).
Báo PLVN đề nghị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm ban hành kết luận vụ việc để tránh xảy ra những dư luận tiêu cực tại địa phương.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin nội dung vụ việc!.