Năm 2021 với một nửa thời gian cao điểm phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc nhưng lực lượng QLTT vẫn không có thời gian “ngơi nghỉ”. Dịch COVID-19 phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, song hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra và luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp.
Lực lượng QLTT vừa sẵn sàng tham gia chống dịch, vừa giương “ăngten” để nghe ngóng các biểu hiện vi phạm ở mọi ngõ ngách, từ thực tế cuộc sống đến môi trường mạng… để theo dõi, mật phục. Một loạt các vụ việc lớn được tổ chức xuyên suốt trên toàn quốc, từ Trung ương đến địa phương…
Nếu năm 2019-2020, lực lượng này đã xử lý những địa bàn chưa bao giờ “đụng tới” hoặc vô cùng nhạy cảm thì năm 2021 là những vụ có yếu tố nước ngoài, với việc thu giữ kho hàng gần 50 tấn giả mạo nhãn hiệu bút bi Thiên Long, dao cạo râu Gillette thuộc chủ sở hữu của người nước ngoài tại Bắc Ninh. Hay lĩnh vực vô cùng “màu mỡ” là than lậu, với 135 công chức QLTT và công an theo dõi nhiều ngày tại các bãi than…
Đáng chú ý, lực lượng này đã phát hiện hàng chục chiếc xe lợi dụng yếu tố luồng xanh để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như chở hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí cả thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được chuyên chở trên những chiếc xe luồng xanh…
Bên cạnh chiến công, năm qua ngành cũng chịu sự mất mát khi có Kiểm soát viên thị trường không qua khỏi vì nhiễm COVID-19 trong khi tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 ở tuyến đầu.
Cùng với đó là sự đau xót bởi một số cán bộ ngành bị bắt, bao gồm cả lãnh đạo cấp Cục. Chưa bao giờ ngành này rơi vào tình huống “khủng hoảng” như thế. Tổng cục trưởng Tổng cục QLT Trần Hữu Linh đã có nhiều đêm không ngủ… Ông càng trằn trọc hơn khi những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng đối với nhân lực của ngành lại diễn ra trong đúng năm ngành quyết định thay đổi màu áo, với mong muốn truyền tải thông điệp “trung thành, tin cậy”.
Cuối tháng 11/2021, 63 người đứng đầu các Cục QLTT địa phương đã được triệu tập về Hà Nội trong một hội nghị vô cùng đặc biệt! Một hội nghị được tổ chức chỉ vài tuần sau khi lãnh đạo Tổng cục QLTT quyết định chuyển hồ sơ liên quan đến một Cục trưởng QLTT ở phía Bắc cho cơ quan công an thụ lý, sau khi thanh tra nội bộ vào cuộc và phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trong thực thi công vụ.
Một hội nghị được yêu cầu vô cùng khác biệt các hội nghị thường thấy: không báo cáo thành tích; không bao biện, kể lể chuyện thiếu biên chế, lực lượng mỏng, địa bàn rộng; không mang điện thoại vào phòng họp mà chỉ thẳng thắn đưa ra các khuyết điểm, yếu kém và đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục…
Và những gì diễn ra trong hội nghị ấy có lẽ là những hình ảnh, những lời nói không bao giờ có thể quên với những lãnh đạo cao nhất của các Cục QLTT địa phương và Tổng cục. Có lẽ chưa từng có bất cứ một ban, bộ ngành nào có một hội nghị “thẳng băng” đến thế. Thậm chí có phần “ngột ngạt” như chia sẻ của Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh.
Nhưng đó là điều cần thiết sau khi nhân sự của ngành này để xảy ra quá nhiều tai tiếng và vi phạm pháp luật, đến mức phải truy tố, phải cách chức. Để tất cả cùng nhìn nhận lại, nhìn vào đúng thực tại khách quan để cùng cam kết và thay đổi. Nhiều người ví von đây như một cuộc “đại phẫu” của lực lượng QLTT.
“Toàn thể cán bộ công chức của lực lượng QLTT phải có trách nhiệm bảo vệ, xây dựng màu áo của mình. Phải cầu thị, nghiêm túc và đặc biệt là phải biết xấu hổ với xã hội nếu còn những lùm xùm, sai phạm như thế”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nói.
Được biết, sau hội nghị đặc biệt này, một bản cam kết thực hiện và chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT của lãnh đạo Cục QLTT các địa phương đã được đưa ra. Những cam kết cụ thể, chi tiết đến từng hành vi nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ; không để xảy ra trường hợp công chức tại cơ quan, đơn vị vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ...
Rồi người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới đối với vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ của công chức được giao quản lý; Kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm khắc những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc có hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng QLTT hoặc vi phạm pháp luật.