Bao giờ cũng là địa điểm cha mua sách, ngày tháng năm, sau đó là: “Tặng con gái yêu quý, đọc hết con nhé!”. Lời đề tặng đó, đã bao năm qua, như một lời nhắn nhủ, một mệnh lệnh từ đấng sinh thành để tôi nuôi dưỡng trong mình tình yêu với sách. Cho đến giờ tôi vẫn có một giấc mơ, giá như được có những ngày, vứt mọi bộn bề, lo toan cuộc sống sang một bên, để đắm mình vào một kho sách cũ…
Sách cũ thôi mà, sao mà yêu đến vậy? Câu hỏi này để trả lời thật khó, chi bằng chúng ta hãy làm một cuộc hành trình bằng ký ức.
Những ai yêu sách và yêu các tiệm sách cũ hẳn còn nhớ, cách đây 4 năm, năm 2015, đã từng có sự kiện “giải cứu sách cũ có nguy cơ bị bán thành phế liệu” tại tiệm sách cũ Bách Hợp ở TP HCM của ông Lê Huỳnh Trí. Số là ông Trí bị người chủ ngôi nhà đột ngột ra thời hạn 1 tháng để lấy lại nhà khiến ông như người thất thần, bởi số lượng sách còn quá nhiều, nếu bán không kịp hết thì chỉ có nước bán giấy vụn mà thôi.
Không biết làm sao, ông Trí đành ngậm ngùi treo biển "bán rẻ sách để sang tiệm” những mong vớt vát được chừng nào hay chừng ấy. Thế rồi thật bất ngờ, thông tin đó được một bạn trẻ đưa lên mạng xã hội và cộng đồng đã cùng chung tay mua sách giúp ông Trí.
Thậm chí, có khách hàng ở rất xa tận huyện Bình Chánh (TP HCM) cũng lặn lội xuống tận cửa hàng để mua ủng hộ. Những ngày cuối cùng trước khi trao trả mặt bằng, dòng người càng ùn ùn kéo về tiệm sách nhiều hơn. Vì không còn chỗ đứng, ông Trí phải đứng ngoài vừa bán vừa trông xe cho khách. Mệt mà vui, mà cảm động!
Nhờ những tấm lòng như vậy, sau 3 tuần thanh lý, hàng tấn sách cũ của ông Trí đã không bị bỏ đi vô ích.
Về phần mình, ông Trí bùi ngùi tiếc nuối phải chia tay với công việc hơn 30 năm đã gầy dựng. Đó là công việc làm cầu nối cho những người yêu sách. Có thể nói, mỗi một cuốn sách là một kỉ niệm đẹp với cuộc đời ông. Ngắm nhìn lần nữa tiệm sách trước khi đóng cửa, chia tay, ông Trí đã ngậm ngùi mà thốt lên rằng: "Tôi tiếc nhưng không buồn vì tiệm sách cũ đã có một cái kết có hậu khi văn hóa đọc đã được khơi dậy trong giới trẻ".
Sở dĩ ông Trí nói vậy vì ở tiệm sách của ông Trí, có cô gái sinh viên lúc đầu chủ yếu đến là để mua ủng hộ, sau đó đã quay lại lần nữa và cho biết: “Trước đó cháu rất ít đọc, sau khi mua về thử đọc và thấy sách thật thú vị. Khi đọc sách tâm hồn cháu cảm thấy thanh thản lắm”.
Đọc sách thấy tâm hồn thanh thản lắm – điều đó hẳn không một công cụ tìm kiếm, không một tin tức tra nhanh trên mạng nào mà có thể mang lại được. Thế nên, tác giả Nguyễn Thái mới có những câu thơ về sách cũ thật cảm động trong bài thơ “Cuốn sách cũ” của mình. “Cầm cuốn sách cũ/Đầy vết mực loang/Tôi đọc từng chữ/Tôi giở từng trang/Giở trang ký ức/Tìm lại tuổi thơ/Tuổi thơ đã khuất/Vào trong giấc mơ/Đọc trang tuổi trẻ/Hồn nhiên một thời/Ngày tháng vui vẻ/Tuổi trẻ tuyệt vời/Tìm trang tình yêu/Vui buồn kỷ niệm/Của những buổi chiều/Bên nhau âu yếm/…Ngậm ngùi từng trang/Luyến lưu từng chữ/Rưng rưng hai hàng/Nhòa trang sách cũ…”.
Sách cũ đáng yêu là thế!
Chẳng thế mà, ngày 12/12/2018 Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt trung tâm sách cũ được bán giá rẻ đầu tiên ở Việt Nam tại TP HCM. Đây cũng là nhà xuất bản đầu tiên ở Việt Nam thành lập trung tâm sách cũ. Chẳng thế mà. phố Trần Nhân Tôn, quận 5 ở TP HCM, giống như Đường Láng của Hà Nội, không biết từ bao giờ được người ta đặt tên là phố sách cũ. Như nhau, dọc hai con phố là hàng chục cửa hàng gần nhau, bán đủ các loại sách, báo, tạp chí, truyện tranh, đều là cũ. Ở nơi đây, không chỉ là bán mua, mà đã trở thành nơi tâm sự, chuyện trò giữa người bán và người mua, là nơi nuôi dưỡng sở thích đặc biệt của một nhóm người – sở thích đi tìm ký ức.
Còn với tôi, những quyển sách mà cha tôi tặng ngày nào, tôi vẫn giữ, dù rằng chúng đang cũ cùng tôi theo thời gian. Cha đã đi xa, nhưng di sản cha để lại qua những quyển sách tặng con gái, qua lời đề tặng đầy yêu thương, nhắn nhủ đã giúp tôi, dù sớm vắng cha vẫn có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Bởi ngày qua ngày, những quyển sách cũ ấy, vẫn thay cha tiếp tục “tặng” cho tôi những món quà mà nhờ sách tôi đã có từ cuộc sống và công việc.
Sách cũ thôi mà, sao mà yêu đến vậy!