Phụ nữ thương phụ nữ
Là cán bộ Hội Phụ nữ, mỗi khi biết tin ở địa phương những đối tượng cai nghiện hoặc mại dâm sau khi trở về từ Trung tâm Giáo dục lao động lại “ngựa quay đường cũ”, bà Trần Thị Hồng Điệp (SN 1951) thở dài buồn bã. Và cuối cùng không thể chỉ khoanh tay đứng nhìn, năm 1981 cơ sở dệt chiếu Hồng Hiệp có trụ sở tại 177/4, ấp Khánh Hoà, xã Tân Khánh Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp được thành lập để giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo không có việc làm và những người trở về từ Trung tâm Giáo dục lao động.
“Tôi quyết tâm thành lập cơ sở dệt chiếu vì nhận thấy những khó khăn của lao động nữ khi không có đất canh tác, nhiều chị em vì mưu sinh mà tìm đến những công việc không lành mạnh, dẫn đến phải vào tù hoặc cơ sở giáo dục. Khi quay về họ không nghề, không việc làm, bị xã hội và gia đình xa lánh, kỳ thị nên tiếp tục sa vào con đường xấu” – bà Điệp cho biết.
Năm 2012 bà Điệp một lần nữa thấy con đường để thực hiện ước mơ “giải quyết việc làm cho phụ nữ” của mình được rộng mở khi bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã trao đổi về cách làm mới trong công tác dạy nghề của Hội và ngành Lao động Thương binh và xã hội. Đó là dạy nghề gắn với việc tổ chức sản xuất, kết nối doanh nghiệp, tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ phối hợp với Hội Phụ nữ để tổ chức dạy nghề, bà Điệp không phải tự đi tìm kiếm lao động mà được các cán bộ Hội Phụ nữ giúp tổ chức thành lớp học nghề. Việc làm này không những tạo điều kiện cho lao động nữ ở địa phương có nghề nghiệp, việc làm ổn định mà còn là tiền đề để các cơ sở sản xuất phát triển sản phẩm.
Từ năm 2011 đến nay, Hội LHPN xã Tân Khánh Đông đã phối hợp với cơ sở dệt chiếu Hồng Hiệp dạy nghề và tạo việc làm tại địa phương cho 575 người, trong đó có 351 là phụ nữ, 60 trại viên trở về từ Trung tâm Giáo dục lao động (có 47 đối tượng nghiện ma túy và 13 đối tượng mại dâm).
Hơn 1 triệu phụ nữ được học nghề và 81% có việc làm
Hội LHPN Việt Nam vừa tổng kết Đề án 295 và kết quả cho thấy trong 5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ, các cơ sở doanh nghiệp của Hội phối hợp tổ chức dạy nghề và trực tiếp dạy nghề cho trên 1 triệu lao động nữ, trung bình hàng năm đạt trên 162 nghìn người, vượt 300% mục tiêu của Đề án 295. Trong hơn 1 triệu lao động nữ được dạy nghề thì 81% có việc làm, vượt 11% so với mục tiêu.
Bà Bùi Thị Hoàn – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết nét mới trong hoạt động hỗ trợ tạo việc làm của Đề án 295 đó là tập trung xây dựng các mô hình tạo việc làm sau khi học nghề dưới hình thức mô hình kinh tế hợp tác. Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với 63 Tỉnh, Thành hội xây dựng mô hình thí điểm từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ.
Từ năm 2013 đến năm 2015, 239 mô hình thí điểm đã được xây dựng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và phi nông nghiệp. Từ hiệu quả của mô hình, các Tỉnh, Thành hội Phụ nữ đã huy động nguồn lực của địa phương xây dựng được 1.204 mô hình thu hút trên 24 nghìn hội viên phụ nữ tham gia, tác động đáng kể đến việc tăng năng suất, hiệu quả lao động...
Tuy nhiên, điểm hạn chế sau 5 năm thực hiện Đề án 295 khiến nhiều người trăn trở là vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề thuộc đoàn thể cấp tỉnh, trong đó có các cơ sở dạy nghề của Hội Phụ nữ; việc tổ chức dạy nghề cho các địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm sẽ có những nét mới như: tập trung đào tạo nghề có địa chỉ việc làm sau học nghề, tổ chức tạo nghề tại cơ sở để thu hút lao động nữ trung niên tham gia học nghề, tập trung thành lập các mô hình hợp tác xã kiểu mới theo hướng liên kết vùng…