Bà Bạch Thị Khoa (62 tuổi) mẹ chị Huyền, cho biết: “Tôi sinh được 7 đứa con, hai đứa út đã mất, còn lại hai con trai cùng ba con gái. Nhưng ai cũng bị bệnh hâm hấp, lo nhất là con Huyền, suốt ngày nó chỉ cười rồi lại la hét, có hôm còn trốn khỏi nhà”.
Năm 19 tuổi, bà Khoa kết duyên với ông Bùi Đình Chúc, hai vợ chồng đều dân tộc Mường. Quan niệm phải đẻ nhiều đã ngấm vào máu thịt, nên ông bà không ngần ngại sinh con. Nhưng từ đứa đầu, ông bà đã nhận thấy con mình không bình thường. Sòn sòn hai năm một đứa, mỗi lần đẻ họ lại hy vọng con mình sẽ thông minh lanh lợi. Cố đẻ đến đứa thứ 7, bà Khoa mới chấp nhận ngừng đẻ vì các con đầu óc đều “hâm hấp”. Chị Huyền bị bệnh nặng, hai đứa con út của bà Khoa cũng bị bệnh tương tự như chị. Một hôm vợ chồng ông Chúc, bà Khoa lên nương trồng ngô, hai đứa trẻ này rủ nhau đi tắm, do không biết bơi nên chết đuối.
Chị Huyền khi hú, khi cười, lúc la hét. Những đêm trăng sáng, chị thường tha thẩn trên những cung đường quen để trêu ghẹo trai làng. Gặp người quen là chị đuổi theo, ôm chầm lấy…
Con cái lớn lên nhưng không giúp đỡ được cha mẹ nhiều khiến gia cảnh bà Khoa ngày càng túng bấn. Tuổi cao, vợ chồng ông Chúc không còn sức lên nương làm rẫy thường xuyên như trước, trong khi vẫn phải nuôi chị Huyền bệnh tật. Bữa cơm gia đình hầu như chỉ có khoai, sắn. Bà con xóm Vai thương tình cảnh nhà ông bà éo le đã dựng cho họ ngôi nhà đơn sơ, để họ không phải sống cảnh mưa nắng trong túp lều nát… Mỗi tháng chị Huyền được trợ cấp 180 nghìn đồng, số tiền không thấm vào đâu so với số miệng ăn cả gia đình.
“Giờ tôi già rồi, sống được ngày nào thì nuôi con được ngày đấy. Mai này tôi có mệnh hệ gì thì chúng nó sẽ không biết ra sao”, bà Khoa nói trong nước mắt.
Ông Bùi Văn Huân, Trưởng thôn Vai, cho biết: “Nhà ông Chúc bà Khoa khó khăn nhất làng. Mấy đứa con bà Khoa hầu như không ai biết làm ăn, vì vậy đói nghèo cứ triền miên hết năm này đến năm khác. Mong cộng đồng, xã hội quan tâm giúp đỡ để gia đình ông bà ấy bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống”.