Cám cảnh bác nông dân đến tòa nhưng phải nói dối nhà “đi họp phụ huynh”

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Sau khi vụ án xảy ra, tiền bán thông được năm triệu, bị cáo phải trả lại cho người mua, đồng thời phải bồi thường giá trị gỗ thông bị thiệt hại là 69 triệu đồng. Ngoài ra, bị cáo còn phải khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại rừng. Chỉ vì tham năm triệu đồng, bị cáo phải trả giá bằng số tiền gấp mấy chục lần, chưa kể còn phải chịu trách nhiệm nặng nề trước pháp luật.

Bị cáo (được tại ngoại) đến tòa trong bộ vest chỉn chu, dẫu màu vải đã có hơi sờn bạc. Ông kể, mấy đứa con lớn trong nhà thấy ông ăn mặc tươm tất đi ra ngoài thì thắc mắc. Nhưng ông giấu, nói đi họp phụ huynh cho thằng út. Chứ tụi nó biết ông hôm nay ra tòa, chắc là buồn nát ruột nát gan.

Bán rừng của… Nhà nước

Chiều nghiêng nghiêng nắng. Đôi vợ chồng luống tuổi líu ríu dắt nhau bước qua cánh cổng tòa án. Cả hai đứng tần ngần nơi khoảng sân nhỏ bên hông tòa, phân vân như không biết phải bước theo lối nào. Khi thấy cảnh vệ mặc sắc phục xanh bước đến, người đàn ông bất giác cứng người lại, ánh mắt lộ vẻ lo lắng. 

Ông dáng dong dỏng cao, gương mặt rám nắng bởi những tháng ngày trần mình trên rừng trên rẫy. Dù ông khoác lên người bộ đồ vest chỉn chu, cổ thắt cà vạt đầy nghiêm trang, nhưng vẫn không che lấp được vẻ quê mùa, chất phác của người quanh năm lam lũ nơi đồng ruộng. Ông là bị cáo trong vụ án “hủy hoại rừng” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) xét xử chiều hôm ấy.

Phiên tòa xét xử vụ án “hủy hoại rừng” vắng hoe, chỉ lèo tèo mấy người tham dự. Người đàn ông bước vào phòng xét xử, nhìn thấy chiếc bàn có đề hai chữ “bị cáo”, lại tiếp tục khựng lại. Bước chân ông như đeo đá, nặng nề bước lếch thếch đến chỗ dành riêng cho mình đầy vẻ bất lực. Gương mặt nhăn nhúm lại đầy khổ sở và cả sợ sệt. Vợ ông ngồi phía sau, nhìn tấm lưng cứng đờ của chồng, mặt cũng căng thẳng theo. 

Bị cáo năm nay đã 55 tuổi. Tiếng là người thành phố, nhưng phường ông ở thuộc khu vực ngoại thành, lại giáp với núi rừng nên xưa nay gia đình ông vẫn sống bằng nghề làm rừng làm rẫy. Bị cáo có trồng một vạt keo tràm, đã đến mùa thu hoạch. Do đường phòng hộ cháy rừng chạy ngang giữa thửa đất, nên chia vạt keo tràm của ông thành hai thửa. Khoảng cuối tháng 7/2017, có người đến hỏi bị cáo để mua keo tràm, bị cáo đồng ý bán một vạt, giá 15 triệu đồng. Vạt keo tràm còn lại, giáp với rừng thông phòng hộ, bị cáo để lại chưa muốn bán.

Trong thời gian cưa hạ keo tràm, người mua thấy vạt keo tràm của bị cáo ở thửa liền kề nên hỏi bị cáo để mua luôn thể. Do có ý định muốn chiếm đoạt rừng thông nằm sát với vạt keo của mình, mục đích lấy đất để trồng keo tràm, nên bị cáo ra điều kiện với người mua gỗ, là phải mua luôn rừng thông, bị cáo mới đồng ý bán keo. Người mua gỗ do không biết đây là rừng thông đặc dụng do UBND phường quản lý nên gật đầu đồng ý mua.

Sau khi thỏa thuận mua bán được xác lập bằng miệng, bị cáo dẫn người mua gỗ lên rẫy chỉ rõ ranh giới để đốn hạ thông, là khu vực bên trong hàng cây sao. Bị cáo bán vạt keo được 15 triệu, riêng rừng thông liền kề, hai bên thỏa thuận giá năm triệu. 

Trong thời gian người mua gỗ thuê thợ đốn hạ cây, bị cáo phát hiện thợ cưa gỗ đã đốn hạ thông vượt qua hàng cây sao nên vội vã điện thoại yêu cầu ông chủ mua gỗ dừng khai thác. Diện tích rừng thông người mua gỗ khai thác quá thỏa thuận là 850m2. Sau khi sự việc xảy ra chừng 10 ngày, UBND phường mới phát hiện và trình báo sự việc cho cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Huế.

Theo kết luận giám định của Phân viện điều tra quy hoạch rừng Trung Trung bộ, diện tích rừng thông thuộc rừng đặc dụng bị khai thác trái phép là 0,382 ha. Trong đó, diện tích rừng thông bị cáo chủ động bán trái phép là 2.970 m2 (gây thiệt hại 209 cây thông, tương đương với 40,9 m3 gỗ, có giá trị 69,6 triệu đồng); diện tích rừng thông người mua khai thác quá thỏa thuận là 850m2 (gây thiệt hại 43 cây thông, tương đương 15 m3 gỗ, giá trị 18 triệu đồng). 

Người mua cây cũng suýt đi tù

Tòa hỏi bị cáo, rừng thông bị cáo bán là của ai?. 

“Dạ trước đây là của lâm trường Tiền Phong quản lý, sau này lâm trường giao lại cho phường quản lý”, bị cáo khai. 

Tòa: “Ông có công sức đóng góp gì trong đó không?”. 

Bị cáo nói, rừng thông vốn nằm liền kề với thửa đất của bị cáo. Lâu nay người dân trong vùng chặt phá hết, nên chỉ còn lưa thưa vài cây. Số thông nằm kề đất bị cáo, trước giờ bị cáo đều nói với mọi người là “thông của tui đấy”, nên họ mới không chặt. 

“Mục đích bị cáo chặt bán thông để làm gì?”. 

“Dạ để trồng keo”. 

“Nhưng đất đâu phải của bị cáo mà bị cáo trồng?”. 

Bị cáo lúng túng phân bua: “Trước đây thông ở đó ai thích chặt thì chặt, cứ như của chung vậy. Do đó, khi bị cáo bán keo, bị cáo nói với người mua gỗ, “có mấy cây thông lưa thưa, ông chặt được thì chặt, đưa được đồng nào thì đưa, để tui trồng keo luôn thể”. Người mua gỗ ra giá năm triệu, bị cáo đồng ý, hoàn toàn không đòi hỏi. Nếu ông ta không đưa đồng nào, cũng không sao. Vì bị cáo chỉ muốn lấy đất để trồng keo”.

Bị cáo bị tuyên 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo
Bị cáo bị tuyên 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo

Biết thông là gỗ cấm, rất khó vận chuyển, nên khi bán bị cáo còn cẩn thận dặn dò người mua, khi vận chuyển phải cẩn thận. Bởi gỗ keo tràm chở đi trên đường thì dễ dàng, nhưng nếu gỗ thông nếu chở đi nghênh ngang trên đường, mọi người phát hiện ngay, vì đây là cây của lâm trường. Bị cáo còn cho lời khuyên, chỉ nên chở gỗ thông lẫn trong gỗ keo tràm, mỗi lần “tuồn” đi một ít để tránh bị phát hiện.

Người mua gỗ cũng được tòa triệu tập đến. Theo lời ông này khai tại tòa, khi bị cáo đòi bán vạt thông, ông đã hỏi cặn kẽ thông đó của ai? Nhưng bị cáo nói chắc như đinh đóng cột, đó là thông của bị cáo trồng. Ngày xưa, chính bị cáo lên lâm trường lấy giống về trồng. 

“Tôi nói thông mua bán không có giấy tờ, sao vận chuyển được. Nhưng bị cáo nói, tôi cứ yên tâm chở đi, nếu có ai hỏi đến thì cứ gọi điện thoại cho bị cáo, bị cáo sẽ xử lý”, ông này khai. 

Tòa: “Khi mua bán thông, bị cáo có chỉ ranh giới để ông đốn hạ không?”. Ông này bảo có. Mỗi ngày thợ cưa hạ cây, ông đều có mặt ở đó. Nhưng một hôm, do nhà có việc bận đột xuất, ông không chạy lên rừng được, nào ngờ thợ của ông lại đốn hạ quá ranh giới. “Theo quy định của pháp luật, nếu hủy hoại rừng đặc dụng trên 1 ngàn m2  sẽ bị xử lý hình sự.

Ông chỉ cần chặt lấn thêm 150m2 nữa thôi, thì đã phải đứng bên cạnh bị cáo, chứ không được may mắn ngồi phía dưới như hôm nay. Ông phải bồi thường phần rừng mình đã chặt lấn qua, đồng thời phải bị xử phạt hành chính, ông rõ chưa?”, tòa nhắc nhở.

Vừa bị tù, bồi thường, vừa phải trồng lại rừng

Sau khi vụ án xảy ra, tiền bán thông được năm triệu, bị cáo phải trả lại cho người mua, đồng thời phải bồi thường giá trị gỗ thông bị thiệt hại là 69 triệu đồng. Ngoài ra, bị cáo còn phải khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại rừng. Chỉ vì tham năm triệu đồng, bị cáo phải trả giá bằng số tiền gấp mấy chục lần, chưa kể còn phải chịu trách nhiệm nặng nề trước pháp luật.

Vị chủ tọa nhắc nhở bị cáo: “Nếu theo Bộ luật Hình sự năm 1999, hành vi của bị cáo sẽ bị phạt từ 7 - 15 năm tù. Ở tuổi của bị cáo, đi tù chừng đó năm, thì biết lúc nào mới về được. Sau này, bị cáo nên nhớ rõ, khi khai thác, buôn bán, đất nào, cây nào của mình thì mình bán, mình khai thác. Đừng để chuyện như vậy xảy ra thêm lần nữa”. 

Trong suốt phiên tòa, vợ bị cáo ngồi bên dưới, mắt luôn dõi theo bóng chồng phía trước, khuôn mặt đây lo lắng, căng thẳng. Bà bảo, từ ngày vụ án khởi tố, chồng bà lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng.  Ngày trước ông chăm làm việc lắm, chẳng ngày nào chịu ở yên ở nhà. Có khi trong người không khỏe, vẫn muốn vác cuốc, vác rựa lên rừng lên rẫy.

Nhưng dạo này, ông buồn hẳn, nói cười cũng ít đi. Nhiều lúc cũng chẳng muốn làm lụng chi, rừng rẫy cũng bỏ bê. Bởi bản án đang treo lơ lửng trên đầu khiến ông cứ phập phồng lo sợ. 

“Sáng chừ, cả hai vợ chồng đều căng thẳng, lo lắng quá, nên trong bụng còn chưa có hột cơm nào. Chiều nay đến tòa, hai vợ chồng tui cũng “thẹ thẹ” ra khỏi cửa, không dám nói cho mấy đứa con biết. Đứa con lớn thấy được thì thắc mắc, chồng tui nói tránh là đi họp phụ huynh cho thằng út”, vợ bị cáo buồn bã kể.

Được nói lời sau cùng, bị cáo bày tỏ mình là lao động chính trong nhà, gia đình thuộc diện khó khăn. Bị cáo xin tòa được chấp hành hình phạt tại địa phương để lao động, làm ăn nuôi con (bị cáo có tám người con, con nhỏ nhất là 15 tuổi).

Theo HĐXX, bị cáo đã lớn tuổi, lần đầu tiên phạm tội nên không cần cách phải ly ra khỏi xã hội để giáo dục. Tòa tuyên phạt bị cáo 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đồng thời phạt bổ sung 20 triệu đồng.

Nghe mức án, biết mình không phải đi “ngồi” tù, gương mặt khô quắt queo của bị cáo như được tưới đầy nước. Bị cáo mừng rỡ, tay run run cầm lấy bàn tay vợ, cả hai bước ra khỏi tòa án, bóng chiều đổ dài sau lưng họ.  

Đọc thêm

Vụ án Ban quản trị chung cư Miếu Nổi “tham ô”, “lợi dụng chức vụ”: Tự ý tiêu xài nhiều tỉ đồng đóng góp của cư dân

Đối tượng Phương và Đại khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ban hành kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án xảy ra tại chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh). CQĐT đề nghị truy tố Phạm Phương, Đinh Việt Cường cùng về tội "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phan Dương Đại, Lê Văn Bình, Nguyễn Phước Nguyên tội "Tham ô tài sản"; Tôn Ngọc Bạch, Nguyễn Thị Đào về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Tuyên án vụ Xuyên Việt Oil

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)
(PLVN) - Hôm qua (29/11), TAND TP HCM công bố bản án với cựu Bí thư tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ; cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh; cùng 12 bị cáo khác.

Đánh người suýt mất mạng, 4 thanh niên lĩnh 31 năm tù

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) - Ngày 27/11, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo: Nguyễn Tấn Tường (21 tuổi), Trần Xuân Tuyến (23 tuổi), Trần Hữu Tèo (29 tuổi); Nguyễn Văn Khanh (23 tuổi), tổng cộng 31 năm tù về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án này là N.T.D (18 tuổi, ngụ TP Phú Quốc), hiện bị tổn thương cơ thể do các bị cáo gây ra là 44%.