Tại cuộc Hội thảo giải pháp tăng cường sản xuất phim VN vào chiều 18/10 tại Hà Nội, đạo diễn Lê Hoàng và Vương Đức đã to tiếng với nhau trước đông đảo quan khách trong và ngoài nước. Sự thiếu kiềm chế này xuất phát từ quan điểm của đạo diễn họ Lê, rằng cách đầu tư của Nhà nước cho điện ảnh quá lãng phí vì nhiều thiết bị triệu đô bị đắp chiếu, phim muốn hút khách, phải hướng tới giới trẻ thành thị...Sống khỏe trong nước còn hơn xuất ngoại lắt lay Một nhà quản lý điện ảnh của Singapore cho rằng, điện ảnh Việt Nam muốn “cất cánh”, cần phải tích cực đưa phim ra nước ngoài để tiếp cận thị trường quốc tế. Không đồng tình với vị này, đạo diễn Lê Hoàng đưa ra quan điểm: Điện ảnh Việt muốn “sống”, trước hết phải chinh phục được khán giả của nước mình. Một nền điện ảnh chưa bán vé được ở đất nước đó là nền điện ảnh chết.
Đạo diễn Lê Hoàng. |
“Tôi là một trong những người đến LHP Pusan đầu tiên, sau vài năm tôi không trở lại vì tôi không thấy có gì vinh dự. Phim của tôi quá lẻ loi, bình thường giữa biển phim thế giới. Cái tôi cần là khán giả trong nước xem phim của tôi, chứ tôi làm phim không phải để mang phim đến các liên hoan. Ngồi với đoàn đại biểu Mỹ, nhiều người nói về việc đưa phim VN ra nước ngoài, tôi nói: Ông có thấy nền điện ảnh nước nào chưa phát triển lại đưa ra nước ngoài được không? Nếu chúng ta không làm cho người dân mua vé chúng ta sẽ thất trận. Tôi nhấn mạnh là mua vé, chứ không phải nhận vé mời”. Chung mối lo lắng đó, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm gọi điện ảnh nước nhà là một cơ thể còm cõi, thiếu máu trầm trọng và đang quá tải phim “hoa hậu, á hậu”. Ông cho rằng, tăng số lượng ắt sẽ dẫn đến tăng chất lượng, nhưng hiện nay, mỗi năm điện ảnh nước nhà chỉ cho ra trên dưới chục phim. Phim có dở mấy cũng có người gật gù: “Thế là xem được, phim Việt sắp hay”, nhưng chờ mãi, phim Việt vẫn chưa hay. Lấy dẫn chứng tỉ lệ chiếu rạp hiện nay là 150 phim ngoại với 10 phim nội, ông Cầm gọi đó là cuộc so găng không cân sức, điện ảnh VN chiến đấu trên mặt trận thủng sườn. Lãng phí đầu tư GS TS Lương Hồng Quang, Viện Văn hóa nghệ thuật, cho rằng: bất cứ sự phát triển nào của nền văn hóa, sự đầu tư của nhà nước đóng vai trò cú hích, còn ở VN chưa có cú hích đó bởi đầu tư của nhà nước rất thấp.
Toàn cảnh của buổi Hội thảo. |
Không đồng tình với quan điểm này, đạo diễn Lê Hoàng nói thẳng: kinh phí đầu tư của nhà nước hiện nay không thấp mà là lãng phí. Chúng ta có trung tâm kỹ thuật điện ảnh, thiết bị tráng phim, có máy kỹ xảo đắt tới hàng triệu đô la… nhưng sử dụng không hết công suất. Nhiều phim vẫn phải mang ra nước ngoài để làm. Chính ý kiến này của Lê Hoàng khiến đạo diễn Vương Đức nóng nảy cắt ngang và cả hai nổ ra tranh cãi. Lê Hoàng còn gây cho đạo diễn Rừng đen sự bất bình khi nói: “Tôi đứng ở cửa rạp không biết bao lần, tôi thấy ở TP HCM và Hà Nội, khán giả chủ yếu là giới trẻ. Ở Việt Nam có khoảng vài chục triệu thanh niên trên khắp cả nước, nhưng chỉ có giới trẻ ở thành thị mua vé thôi, vì ở đấy người ta mới có tiền và có rạp”. Lê Hoàng tiếp tục “châm lửa” với quan điểm: “Giới trẻ quan tâm những vấn đề của họ hôm nay, còn những vấn đề hôm qua của quá khứ rất tự hào, đáng ca ngợi, nhưng sẽ bị giới trẻ ngoảnh mặt. Vì với họ, những cái đang diễn ra và phía trước mới quan trọng”. Cuối cùng, để làm nguội không khí, nhà làm phim Nguyễn Thái Hòa, giám đốc hãng phim Giải Phóng phải giảng hòa. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, hy vọng tới đây sẽ có một kênh truyền hình cho điện ảnh bởi thực tế cho thấy, với mối quan hệ của truyền hình và điện ảnh như hiện nay, điện ảnh Việt Nam chết chắc!
Theo Lê Thoa – Ngọc Nhiên
Đất Việt