Nhậu say nổi hứng đổi vợ
Cũng như bao làng quê miền núi khác, thôn Công Đẳng (xã Sơn Phú, Hương Sơn, Hà Tĩnh) không gian khá yên bình. Người dân đa phần đều nghèo do chủ yếu làm nông nghiệp. Giữa cuộc sống giản đơn đó, sự kiện hai ông hàng xóm nổi hứng đổi vợ không khác gì tin “sét đánh giữa trời quang”, đến nay vẫn là chuyện hy hữu có một không hai tại địa phương.
Nguyên trưởng xóm Công Đẳng, ông Nguyễn Như Tùng, ngậm ngùi kể lại: Chính quyền địa phương và gia đình đã hết lời khuyên can, vận động hai gia đình không được hoán đổi như vậy. Nhưng hai bên nhất quyết thực hiện.
Chuyện xảy ra cách đây khoảng 20 năm. Thời điểm đó, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1959) và chị Nguyễn Thị Liên (SN 1966) sống ở thôn khác ở cùng xã Sơn Phú, vẫn còn rất hạnh phúc. Hàng ngày anh chị cặm cụi bên những mảnh ruộng lo cho bốn đứa con ăn học, cuộc sống chân lấm tay bùn nhưng thoải mái, êm đềm.
Biến cố có lẽ không xảy đến nếu sau đó anh chị không chuyển về sinh sống tại thôn Công Đẳng.
Tại xóm mới, họ nhanh chóng làm quen và thân thiết với gia đình anh Nguyễn Hồng Quang (SN 1962) và chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1960). Ở gần nhau lại năng qua lại nên hai nhà càng thêm gắn bó, vui buồn gì cũng gọi nhau. Thậm chí khi đói kém, hai gia đình còn nhường nhau từng bát cơm, con cá.
Hai cặp vợ chồng này lại có điểm chung khá thú vị, mỗi nhà có một người nhanh miệng, khéo léo, người còn lại thật thà, ít nói. Nhà này “được vợ, mất chồng”, nhà kia “mất chồng, được vợ”.
Chính vì những điểm tương đồng nên sau một thời gian qua lại, giữa hai người cùng khéo ăn khéo nói là anh Quang và chị Liên nảy sinh tình cảm. Một chiều cuối năm 1995, sau cả ngày làm việc vất vả, hai gia đình tổ chức một bữa liên hoan.
Trong cơn say, anh Quang ngỏ lời với hàng xóm: “Ta đổi vợ cho nhau đi”. Vì đã ngà ngà say nên anh hàng xóm gật đầu. Hai bà vợ nghĩ chồng nói đùa nên không có ý kiến.
Tuy nhiên, sau lời nói, chị Liên nhanh chóng đồng ý chuyển sang sống với anh hàng xóm do đã có tình ý từ lâu. Hai người còn lại bất đắc dĩ sống chung. Trong khi cặp đôi Quang - Liên sống vui vẻ thì quan hệ giữa hai người còn lại khá lạnh nhạt.
Chứng kiến cảnh vợ mình ngày ngày tình tứ cùng người đàn ông khác, anh Hòa ngày càng bất mãn. Khi anh đề xuất chấm dứt cuộc trao đổi, người vợ đã phải lòng anh hàng xóm nên chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Cặp đôi vốn có tình ý nay được “gán ghép” cố tình tiếp tục chung sống trong sự khó chịu ra mặt của hai người còn lại.
Sau chuỗi ngày dài chịu đựng, cuối cùng để giải tỏa cơn ghen tuông ấm ức, anh Hòa đã châm lửa đốt cháy căn nhà vợ mình đang sống với hàng xóm. Vụ cháy xảy ra ban ngày nên người dân kịp thời phát hiện dập tắt, may không ai bị thương. Anh này sau đó bị TAND huyện Hương Sơn tuyên án một năm tù giam.
Hậu vụ án còn đáng buồn hơn. Khi anh Hòa ra tù thì vợ đã về sống hẳn với hàng xóm. Còn người vợ hàng xóm đã bỏ làng đi lâu ngày. Hỏi ra mới biết, vì không chấp nhận mối quan hệ gán ghép trái đạo lý, chị này đưa hai con vào miền Nam sinh sống.
Đến năm 1998, vợ chồng anh Hòa chính thức ly hôn. Bốn người con chia đôi, hai đứa ở với bố, hai đứa ở với mẹ. Một thời gian sau nhờ mai mối của họ hàng, anh Hòa kết hôn với một cô gái cùng huyện.
Ông Nguyễn Như Tùng, nguyên trưởng xóm Công Đẳng |
Kết cục bi thảm
Thảm kịch từ vụ đổi vợ, đổi chồng năm xưa càng thêm nghiệt ngã khi hai người con gái lớn được chia ở với chị Liên lần lượt qua đời. Chứng kiến cảnh cha đi tù vì ghen, mẹ lại vui vẻ sống cùng người khác, bạn bè trêu chọc, hai chị em bỏ học theo bạn xấu “đi bụi” cả tuần mới về.
Người mẹ mải vui duyên mới cũng bỏ mặc, không mảy may lo lắng. Hai cô bé càng chán ngán gia đình. Học hết lớp Chín, cô chị bỏ nhà đi lang thang khắp nơi, sau đó kéo em gái vào miền Nam phiêu bạt. Tuổi đời còn non nớt lại sống đơn độc chốn đô thị phồn hoa, hai chị em từ miền quê nghèo sớm bị những đối tượng xấu lôi kéo vào những cuộc ăn chơi trác táng.
Năm năm sau khi bố mẹ ly hôn, cả hai phát hiện nhiễm HIV/AIDS. Cô em gái suy sụp rồi qua đời khi mới 17 tuổi. Đến tận lúc chết, cô gái vẫn không muốn trở lại quê nhà nơi có những kỉ niệm buồn của gia đình.
Người chị đã chôn cất em tại TP.HCM theo nguyện vọng của em. Lễ tang chỉ có người thân duy nhất là người chị và vài ba người bạn đến đưa tiễn. Còn lại một mình cô đơn giữa thành phố lớn, người chị cũng trở về quê hương với hy vọng được sống thanh thản những ngày cuối đời. Vừa bệnh tật vừa thiếu thốn, hai năm sau cô cũng qua đời.
Bi kịch tiếp diễn với những cái chết tiếp theo. Sau khi có thêm một người con trai với vợ mới, anh Hòa mắc bệnh nan y, tử vong không lâu sau cái chết của các con gái. Người đàn ông hàng xóm sau khi có ba người con chung với chị Liên cũng bị tai nạn mất mạng.
Những người mê tín ở địa phương cho rằng, cái chết đột ngột của hai người hàng xóm có liên quan đến việc đổi vợ đổi chồng trái đạo lý trước đây, là “quả báo” cho hành động sai trái này. Nhưng biết giải thích như nào cho bớt đau xót trước sự ra đi khi còn quá trẻ của hai cô con gái?
Muốn trách cũng chẳng còn ai để trách. Hai người đàn ông đã qua đời. Một người phụ nữ bỏ làng đi biệt xứ. Đến nay người dân địa phương vẫn không biết tung tích người phụ nữ đã dắt con bỏ đi. Chục năm trôi qua, chị chưa một lần trở về quê hương. Ngay cả khi chồng cũ chết do tai nạn giao thông, người dân vẫn không thấy các con anh ấy về chịu tang.
Người duy nhất còn sống ở làng là chị Liên. Nhưng sau những năm tháng mải vui bên chồng mới, người phụ nữ này liên tiếp gánh chịu bi kịch. Hai con gái chết trẻ vì bệnh tật. Chồng cũ, chồng mới đều ra đi trong đau đớn. Góa phụ phải gồng mình nuôi con, chống chọi với gièm pha của người đời, sống khổ sở trong nỗi dằn vặt, ân hận.
Nhiều năm nay, gia đình chị Liên luôn được liệt vào danh sách hộ nghèo của xã Sơn Phú. Không ngăn được nước mắt, chị nói đó là “sai lầm rất lớn” không thể sửa chữa. Giờ chị chỉ biết cố gắng để nuôi dạy những người con còn lại nên người
(Tên nhân vật đã được thay đổi)