Nhiều DN đã phải ấm ức chịu được những hệ lụy không nhỏ đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình vì luật thiếu thống nhất. Trường hợp của Cty CP Hóa – Dược phẩm Mekophar (mã chứng khoán MKP) là ví dụ tiêu biểu nhất cho những bất cập do sự thiếu rõ ràng trong quy định pháp lý về DN có vốn đầu tư nước ngoài.
|
Vì nhà đầu tư ngoại nắm 4,7% vốn điều lệ, Mekophar phải rời khỏi thị trường chứng khoán |
“Biết thế, chúng tôi không niêm yết”
Đó là cảm thán của bà Huỳnh Thị Lan – Chủ tịch Mekophar - khi nói về câu chuyện của DN mình.
Tháng 6/2010, Mekophar niêm yết trên HOSE và đến tháng 8/2010, cty có văn bản xin mở rộng 4 cơ sở kinh doanh, phân phối dược phẩm, nhưng Sở KH&ĐT TP. HCM đã từ chối. Lý do, tại thời điểm 18/4/2011, DN có tổng số cổ phần do NĐT nước ngoài nắm giữ là 4,7% vốn điều lệ, bị xếp vào diện DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo quy định tại điểm a, khoản 4.1, Điều 4, Thông tư 09/2007-TT-BTM của Bộ Thương mại và theo quy định tại khoản A, mục II, Phụ lục IV của Quyết định 10/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương mại về công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá, DN có vốn đầu tư nước ngoài không được phân phối dược phẩm…
Vì vậy, hồ sơ xin đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh là “bán buôn, bán lẻ dược phẩm” của Mekophar bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM từ chối.
Để tránh bị tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, Mekophar đành đi đến quyết định mà bản thân DN không hề mong muốn là hủy niêm yết trên HOSE, đồng thời, khóa room NĐT nước ngoài đối với cổ phiếu MKP.
Ngày 31/7/2012, thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến chính thức về việc Cty CP Hóa - dược phẩm Mekophar đã trôi qua một cách âm thầm trong sự chờ đợi của cty. Mặc dù quyết định rời sàn chứng khoán đã được Mekophar thực hiện, song bà Huỳnh Thị Lan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Mekophar - cảm thấy thực sự thất vọng.
“Từ đó đến nay, đúng tròn 2 năm, Cty gửi rất nhiều công văn đến các cơ quan chức năng để nói rằng, quy định DN có cổ đông ngoại là DN có vốn đầu tư nước ngoài là phi lý khi bản thân Mekophar hiện có cổ đông Nhà nước nắm đến 30% vốn, trưởng thành từ DNNN được cổ phần hóa vào năm 2002” – bà Lan nói – “Chúng tôi đã tham dự tới 8 cuộc họp, rất mừng khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng rồi vẫn phải quyết định rời sàn”.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
Thực tế, một số Cty có vốn nước ngoài vẫn hoạt động phân phối dược
Liên quan đến Mekophar, do DN niêm yết trên HOSE và có 4,7% sở hữu là của NĐT nước ngoài, nên Sở KH&ĐT TP. HCM đã không chấp nhận cho DN này được mở thêm cơ sở kinh doanh để phân phối sản phẩm.
Thực tế, trên sàn niêm yết có tới 21 DN ngành dược, trong đó có 4 - 6 Cty có vốn của NĐT nước ngoài lên tới 49% nhưng họ vẫn hoạt động phân phối dược phẩm bình thường.
Ở đây, tôi muốn nói rằng, cách thực thi văn bản luật của các địa phương khác nhau đang khác nhau. DN kêu lên UBCK, UBCK có công văn hỏi các bộ ngành, nhưng câu trả lời cho vấn đề Mekophar vẫn bỏ ngỏ.
UBCK đang xin ý kiến (lần 2) các bộ, ngành về văn bản thay thế Quyết định 55 của Thủ tướng Chính phủ. Quan điểm của chúng tôi là DN có trên 49% vốn nước ngoài thì được gọi là DN nước ngoài, dù DN này vẫn là pháp nhân Việt Nam.
|
“Chúng tôi đã sơ suất không đọc kỹ các văn bản luật, nếu hiểu rằng, DN có 1 đồng của cổ đông ngoại cũng bị coi là DN có vốn ĐTNN và bị hạn chế về ngành nghề thì không bao giờ tôi đưa Mekophar lên niêm yết” – bà Lan bày tỏ - “Vấn đề tôi muốn nói là quy định pháp lý không chuẩn, DN nói chung, DN ngành dược nói riêng rất cần cổ đông ngoại vào để hỗ trợ phát triển, chứ không thể khi họ vào, dù chỉ là 1 đồng vốn, là DN bị hạn chế kinh doanh”.
“Thật vô lý!”
Mekophar rời sàn với mục đích là để tái cơ cấu cổ đông nước ngoài, nhưng theo bà Lan, “mong mỏi lớn hơn là các cơ quan lập pháp cần nhìn ra sự bất hợp lý để sớm sửa lại cho chuẩn mực, tạo môi trường đầu tư nhất quán và an toàn cho các DN”.
“Khi quyết định rời sàn, chúng tôi đã chấp nhận đi lùi một bước, đã phải xin ý kiến của 900 cổ đông và cũng đã ý thức được vô vàn khó khăn khi DN hủy niêm yết. Khó khăn trước mắt là cổ đông của Cty không chuyển nhượng được cổ phiếu (cổ phiếu MKP vẫn lưu ký tại VSD), hiện chúng tôi đang xin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn vấn đề này” – bà Lan cho biết.
Thực ra, quyết định rời sàn để cơ cấu lại DN, thay đổi tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo giữ quyền phân phối dược phẩm của Mekophar và sự im lặng của các cơ quan quản lý nhà nước là minh chứng rõ ràng cho những lúng túng trong xác định khái niệm DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt – đơn vị tư vấn cho Mekophar niêm yết, cũng cho rằng, thật vô lý khi DN bị hạn chế quyền kinh doanh, chỉ vì có 4,7% vốn do cổ đông ngoại nắm giữ.
“Tôi cho rằng, cùng với việc định nghĩa lại về DN có vốn đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư cần quy định khi NĐT nước ngoài sở hữu đến mức nào tại DN thì DN mới bị hạn chế ngành nghề hoạt động” – ông Hòa bình luận – “Theo quan điểm của chúng tôi, tỷ lệ mốc này nên là 35%, xuất phát từ việc Luật DN quy định về tỷ lệ biểu quyết tối thiểu 65% tại ĐHCĐ mới được thông qua, nên khi NĐT nước ngoài nắm từ 35% trở lên, tiếng nói của họ có vai trò quyết định các vấn đề tại đại hội”.
“Tôi mong các bộ, ngành sớm sửa quy định này. Tôi khẳng định, khi vướng mắc pháp lý được giải tỏa, chúng tôi sẽ lập tức xin niêm yết cổ phiếu trở lại để tạo điều kiện cho các cổ đông được giao dịch và hoạt động của DN được minh bạch hơn” – bà Lan bày tỏ.
HT - NV