Cái chết nghiệt ngã của những chú hải mã

Cái chết nghiệt ngã của những chú hải mã
(PLVN) - Những hình ảnh gây sốc ghi lại cảnh những chú hải mã to lớn rơi từ vách đá dựng đứng xuống dưới và chết thảm được nhiều người xem là lời cảnh báo mạnh mẽ về những hậu quả của biến đổi khí hậu lên cuộc sống của muôn loài trên Trái Đất.

Những thước phim gây sốc

Mới đây, tập 2 trong chuỗi bộ phim tài liệu “Our Planet” (tạm dịch: Hành tinh của chúng ta) do hãng Netflix phát hành đã được công chiếu và thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. 

Với tên gọi “Frozen Worlds” (tạm dịch: “Những thế giới bị đóng băng”, tập phim đã lột tả rõ nét tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng băng tan lên các loài động vật hoang dã ở Bắc Cực và rộng hơn là mối đe dọa do con người gây ra đến Trái đất. 

Trong đoạn phim, những chú hải mã đang cheo leo ở những vách núi cao vút. Lần lượt, chúng gieo mình xuống phía dưới, nơi đồng loại của chúng đang chờ. Nhiều con hải mã đã chết vì lao xuống những mỏm đá lởm chởm với tốc độ lớn, một số khác chết vì va chạm với đồng loại. 

Các nhà làm phim cho biết họ cảm thấy rất đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng này. Tổng cộng, theo đoàn làm phim, đã có khoảng 250 con hải mã lao mình khỏi vách đá như vậy. “Nhóm quay phim đã thực sự bị sốc khi thực hiện những cảnh quay này. Đây là những cảnh tượng đau đớn nhất mà tôi phải chứng kiến trong sự nghiệp của mình”, nhà sản xuất chương trình Sophie Lanfear cho biết.

Những con hải mã lao xuống khỏi vách đá...
Những con hải mã lao xuống khỏi vách đá...

Quay phim Jamie McPherson trong một video hậu trường tiết lộ nhóm thực hiện tập phim gồm 7 người đã được thông tin trước về sự việc. Tuy nhiên, họ vẫn chưa chuẩn bị cho cú sốc khi nhìn thấy cảnh tượng những con vật nặng nề lao mình từ vách núi chót vót xuống. “Đó là một trong những điều tồi tệ nhất mà tôi đã từng quay”, anh McPherson cho hay.

Đâu là nguyên nhân?

Hải mã (tên khoa học là Odobenus rosmarus, còn được gọi là hải tượng hay moóc) là loài động vật biển có vú, trọng lượng mỗi con trưởng thành có thể lên đến 2 tấn. Vào mùa hè, hải mã ở khu vực Thái Bình Dương thường tìm kiếm thức ăn là các loài động vật có vỏ ở vùng biển giữa Alaska và Nga. Sau đó, chúng sẽ trườn lên những tảng băng để nghỉ ngơi và nuôi con. Băng trên biển cũng là nơi trú ẩn quan trọng để hải mã tránh bão và các loài động vật săn mồi. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, môi trường sống trên băng của loài động vật này bị thu hẹp do băng tan nhanh, những khối băng ở Bắc Cực đã mỏng hơn và thưa hơn. Các nghiên cứu cho thấy, mùa hè các năm 2017 - 2018 ghi nhận lượng băng ở mức thấp kỷ lục tại Bắc Cực. Khi nền băng bị thu hẹp, những con hải mã buộc phải di chuyển những quãng đường dài để tới ven biển với số lượng lên đến hàng ngàn con để nghỉ ngơi, sinh sản.

Theo ông Anatoly Kochnev - một nhà tự nhiên học người Nga đã nghiên cứu về hải mã trong 36 năm qua – việc những con hải mã kéo nhau lên bờ trước đây ít xảy ra, với số lượng nhỏ hơn. Nhưng, đến nay, cảnh tượng hàng nghìn con hãi mã kéo về những bờ biển đã không còn là hiện tượng lạ. Trước đây, thường chỉ có những con hải mã đực tập trung ở những địa điểm như vậy nhưng đến nay, cả những con hải mã cái và hải mã con cũng kéo lên bờ. Nhiều con chen chúc, giẫm đạp lên nhau. 

Với sự giúp đỡ của ông Kochnev, nhóm thực hiện bộ tài liệu Our Planet đã tìm tới bãi biển có đông hải mã nhất ở Nga, với khoảng 100.000 con nằm la liệt ở bãi biển. Khi đàn hải mã đang nằm trên khắp ven biển, một số con bắt đầu trườn theo những lối đi ít dốc hơn và leo lên đỉnh những mỏm đá cách mực nước biển hơn 80m, được cho là để tìm không gian rộng rãi hơn ở xa đám đông. 

Theo ông Kochnev, với một loài vật có thân hình như hải mã, đó không phải là một cuộc leo núi dễ dàng. Tuy nhiên, rất có thể đã có một nhóm hải mã dẫn đường và những con còn lại đi theo mùi hương của đồng loại để tìm không gian nghỉ ngơi. “Thị lực của hải mã khi rời khỏi môi trường nước là rất kém nhưng chúng có thể ngửi được mùi của đồng loại và cảm nhận được hoạt động của những con khác đang ở bên dưới”, ông David Attenborough – một nhà sinh vật học – cho hay.

Thảm kịch bắt đầu xảy ra vài ngày sau đó, khi những con hải mã ở trên vách núi bắt đầu thấy đói và cần phải quay trở lại biển để tìm thức ăn. Thị lực kém cộng với sự hoảng loạn khiến chúng lao xuống mà không hề hay biết phía bên dưới là vách núi đá hiểm trở. Nhiều con đã chết vì rơi vào đá. Một số con chết vì rơi trúng đồng loại, tạo thành một cảnh tượng vô cùng đáng sợ.

Bằng chứng rõ ràng

Theo đoàn làm phim, những hình ảnh mà họ công bố đã cho thấy rõ mối liên hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu, băng tan và những hoạt động bất thường của loài hải mã và sâu xa hơn là những minh chứng cụ thể về tác động của biến đổi khí hậu đến cuộc sống của muôn loài trên Trái Đất.

“Đó không phải là một việc bình thường”, nhà sản xuất Lanfear khẳng định. Theo bà, biến đổi khí hậu và những tác động của nó là hữu hình, thể hiện “rõ như ban ngày” qua những đoạn phim được ghi lại. “Hiện nay, Bắc Cực đang nóng lên với tốc độ gấp đôi so với mọi nơi khác trên Trái đất”, bà nói thêm.

... và chết thảm.
... và chết thảm.

Theo nhiều nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang định hình lại thế giới tự nhiên khi khiến nhiệt độ trên Trái Đất tăng cao khiến băng tan chảy, môi trường sống của nhiều loài bị thay đổi. Khi môi trường sống ưa thích của những loài động vật như hải mã mất đi, những cảnh tượng chết chóc như thế này đang trở nên phổ biển hơn. 

Trên thực tế, khi bộ phim được công bố, nhiều người không tin vào những thước phim này. Một số người tỏ ra nghi ngờ rằng việc những con hải mã leo lên vách núi và lao mình xuống có liên quan đến biến đổi khí hậu. Một số người chỉ ra rằng, trước khi băng biển suy giảm đáng kể, một số vụ việc tương tự cũng đã xảy ra. 

Theo bà Lori Polasek từ Đại học Alaska Fairbanks, hành vi tương tự của hải mã cũng đã được ghi nhận ở bờ biển tại Mỹ. Tuy nhiên, ông Kochnev và bà Lanfear cho rằng vụ việc được ghi nhận ở tập phim Our Planet là đặc biệt ở cả chiều cao của vách đá và số lượng hải mã đã lao xuống và chết.

Ông Kochnev và một số nhà khoa học khác cho rằng, lý do hải mã nhảy xuống khỏi vách đá có thể phức tạp, nhưng việc hàng trăm con cùng nhảy xuống – khác hoàn toàn với số lượng hàng chục được ghi nhận ở Mỹ - đã cho thấy rằng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến hải mã. 

Nhà sản xuất hy vọng tập phim “Frozen Worlds” sẽ khiến mọi người có được cái nhìn cụ thể hơn về tác động của biến đổi khí hậu tới vạn vật trên Trái Đất, từ đó khuyến khích mọi người thay đổi lối sống để góp phần ngăn chặn những thảm kịch tương tự như cái chết đau đớn của những con hải mã.

“Tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ về cách tiêu thụ năng lượng. Tôi mong mọi người nghĩ về cuộc sống của mình và ủng hộ việc dùng năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch như họ vẫn đang sử dụng, tất cả cùng cố gắng tìm giải pháp cho vấn đề này”, bà Lanfear nói.

Đọc thêm

Lâm Đồng nỗ lực tìm giải pháp phòng ngừa sạt lở

Chuyên gia khảo sát tìm nguyên nhân sạt trượt đất tại TP Đà Lạt hồi năm 2017.
(PLVN) - 2023 không phải là năm đầu tiên ở Lâm Đồng xuất hiện các sự cố sạt trượt đất nghiêm trọng. 8 năm về trước, vào năm 2017, tại trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng đã xuất hiện sự cố sạt trượt nghiêm trọng, phương án khắc phục đến nay đã mở ra hướng để nhà chức trách tham khảo, áp dụng trên diện rộng.

Bắc Bộ có mưa dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, từ chiều tối và đêm 17/4 đến sáng sớm ngày 18/4, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng vùng núi cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm.

Hậu quả nặng nề từ sự cố sạt trượt đất

Cùng với tốc độ phát triển nhanh, vấn đề sạt trượt là thách thức của Lâm Đồng.
(PLVN) - Chưa bao giờ sự cố sạt trượt đất lại gây ra nhiều hậu quả nặng nề như năm 2023, nhất là với tỉnh Lâm Đồng. Các sự cố xảy ra liên tiếp, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây ra những nỗi đau khó khắc phục.

Ngày mai, 17/4, khu vực nào nắng nóng nhất?

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, ngày mai (17/4), nắng nóng tiếp tục duy trì ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa đến Phú Yên, Tây Nguyên, Nam Bộ. Nhiệt độ cao nhất tại những khu vực này phổ biến 35 – 38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

'Hiu hắt' tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội

Hơn 2 tháng đưa vào sử dụng, tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp ở Hà Nội vắng người qua lại.
(PLVN) - Hơn 2 tháng được khánh thành và đưa vào hoạt động, tuyến đường dành riêng cho người đi bộ, xe đạp tại Hà Nội vắng vẻ, ít người qua lại. Nhiều điểm trên đường thành nơi tập kết rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị.

Đừng để rừng già trở thành điều “từng là”...

Hoa hậu H’Hen Niê đã góp 1.000 cây cho rừng Bến En trích từ cát xê lần đi hát đầu tiên. (Ảnh: Gaia).
(PLVN) - Xin trích lời bài hát “Nhạc của rừng” của ca sĩ Đen Vâu đã và đang đứng top thịnh hành nhiều bảng xếp hạng âm nhạc và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả làm tiêu đề cho bài viết này. Tháng 3/2024, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh do hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán này.