Phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực
Cho rằng ở Việt Nam đang có tình trạng thẩm quyền phân tán và cơ cấu tầng bậc yếu, giữa khu vực công và tư nhân không có ranh giới rõ ràng, đặc biệt là chủ nghĩa thân hữu trong Nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, ông Jonathan Pincus đến từ Quỹ Rajawali, Indonesia cho rằng, để giải quyết những vấn đề trên, Việt Nam cần nâng cao minh bạch trên thị trường đất đai, tín dụng và trong mua sắm đấu thầu của khu vực công nhằm giảm phạm vi bị thương mại hóa của Nhà nước. Bên cạnh đó là ngăn chặn các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước và thực thi hiệu lực tham gia vào các hoạt động thương mại; định kỳ luân chuyển cán bộ ở trung ương và địa phương, gắn việc bổ nhiệm với các chỉ tiêu rõ ràng về hiệu quả công việc; cấm các quan chức và cán bộ của Chính phủ thực hiện vai trò quyết định trong các doanh nghiệp nhà nước…
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cũng nhấn mạnh tới việc tái cơ cấu bộ máy nhà nước theo hướng đảm bảo phân cấp, phân quyền hiệu quả giữa trung ương và địa phương. “Bài học thành công của các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy cần tiếp tục nhất quán thực hiện phân cấp - phân quyền trung ương - địa phương. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, trong đó xác định việc chuyển đổi mạnh mẽ chức năng của các cơ quan nhà nước ở trung ương sang vai trò kiến tạo phát triển. Nhà nước sẽ xây dựng chính sách, pháp luật vĩ mô, hoàn chỉnh đồng bộ thể chế của nền kinh tế thị trường, thể chế tổ chức bộ máy nhà nước để xác định thẩm quyền, trách nhiệm đối với những nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trung ương phải thực hiện và những công việc chuyển giao cho chính quyền địa phương và cho xã hội theo hướng xã hội hóa”, ông Phúc nói.
Tại hội thảo, một số đại biểu cũng cho rằng cơ chế kiểm soát quyền lực ở Việt Nam chưa hiệu quả dẫn tới nhiều trường hợp tùy tiện, lạm quyền trong thực thi quyền lực, do đó cần tập trung xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Thách thức lớn
Chia sẻ thông tin về báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam đã thành công sau 30 năm đổi mới nhưng so với yêu cầu phát triển còn một khoảng cách khá xa. Trong 2 thập kỷ qua, dù tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt mức bình quân 5,5% và đã chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 nhưng Việt Nam lại đang tụt hậu về thu nhập và quy mô kinh tế. Sau 15 năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người của các nước trong khu vực như Thái Lan tăng 3.600 USD, Malaysia tăng 6.500 USD thì ở Việt Nam mức tăng chỉ là 1.600 USD. Trong cùng giai đoạn này, tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỷ USD, còn Thái Lan tăng 270 tỷ USD, Malaysia tăng 200 tỷ USD.
Ông Vinh cho rằng Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, đem đến những cơ hội như những thị trường rộng lớn, những cơ hội để đổi mới, nâng cao khả năng về công nghệ và có thể tạo ra một sự nhảy vọt. “Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập này, nếu Việt Nam không tận dụng được tất cả lợi thế của một nước đi sau, nhận biết được đón đầu ở đâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào để có sức cạnh tranh thì đây sẽ là một thách thức lớn”, ông Vinh nhận định.
Khẳng định trong bối cảnh hiện nay, cải cách thể chế và quản trị nhà nước sẽ là các yếu tố quyết định tương lai của Việt Nam, song ông Vinh cũng dẫn báo cáo chỉ ra rằng, thực tế cho thấy các chỉ số xếp hạng quản trị nhà nước của Việt Nam hiện khá thấp so với mức thu nhập, chỉ tương đương hoặc thấp hơn so với mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp. Tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình của Nhà nước nằm trong nhóm 10 nước thấp nhất, thực thi pháp luật yếu và không nhất quán.
Để cải cách thể chế và quản trị nhà nước, theo ông Bùi Quang Vinh, cần chú trọng thực hiện 4 vấn đề: tăng cường năng lực của Nhà nước; tăng cường hành chính công; tăng cường công tác kiểm tra, cân bằng quyền lực và bảo đảm tiếng nói của công dân trong hoạt động lập pháp và quản trị nhà nước. Trong đó cần chú ý tới việc đảm bảo nguyên tắc thị trường trong các quyết định của Nhà nước, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế…