Nếu giáo dục không đề cao những giá trị căn bản thì cũng như người ca sỹ không chịu luyện thanh luyện giọng mà chỉ dựa vào chiêu trò trên sân khấu có âm thanh ánh sáng hoành tráng thì chỉ cần một rủi ro mất điện là mọi thứ sẽ bằng 0.
Xã hội ta đang hội nhập sâu rộng, tiếp nhận nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nhiều công nghệ mới nên đòi hỏi một lực lượng lao động lớn có kỹ năng tốt. Đáp ứng nhu cầu này, một xu thế đào tạo thiên về rèn luyện kỹ năng, sao chép công nghệ sao cho phù hợp với thị trường để kiếm thật nhiều tiền, xin được vào những tập đoàn lớn, làm thuê cho tư bản nước ngoài hưởng lương cao cũng xuất hiện.
Hệ quả là những giá trị cơ bản trong giáo dục như thời gian vui chơi, không gian đào tạo, diện tích trường lớp, tư cách thầy trò, luyện chữ, luyện tay, làm thơ, viết văn….bị sao nhãng, hạ thấp.
Thay vào đó tin học văn phòng, tài chính, kế toán cấp cao, quản trị doanh nghiệp tiêu chuẩn quốc tế được tôn vinh…Một thế hệ tư duy bị xơ cứng theo hệ thống thừa nguyên tắc và giáo lý của của nhân viên làm thuê nhưng lại thiếu sự sáng tạo, quyết tâm, khát vọng, lý tưởng, nỗ lực vượt khó của người khai sáng.
Và nếu cứ như vậy thì sẽ đến một lúc nào đó chúng ta sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào công nghệ, kiến thức của nước ngoài. Nhưng không bao giờ có một lý thuyết hoàn hảo hoặc một trật tự hệ thống nào sẽ tồn tại mãi mãi.
Hôm nay hệ thống tài chính kế toán này là phù hợp, mô hình kinh tế kia là hiệu quả nhưng thế giới luôn luôn biến động, vào ngày mai những thứ đang có hiệu quả đó cũng có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Khi đó một hệ thống giáo dục bị lệ thuộc vào những thứ đó sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Sự sáng tạo, lý tưởng, khát vọng không đến từ những chương trình đào tạo quốc tế hay những chuẩn mực kiến thức đã được viết thành sách cho người ta học. Sáng tạo và khát vọng chỉ đến từ một tố chất thông minh, một tinh thần khỏe mạnh. Tư duy sáng tạo ra kiến thức chứ kiến thức không sáng tạo ra được tư duy.
Nếu giáo dục không đề cao những giá trị căn bản thì cũng như người ca sỹ không chịu luyện thanh luyện giọng mà chỉ dựa vào chiêu trò... |
Con người phát triển không chỉ dựa trên cơm gạo mà cần cả không khí trong lành. Chỉ khi nào trẻ em biết thực sự thế nào là con trâu, thế nào là con bò, và người nông dân đang trồng cây gì trên cánh đồng. Hoặc được đứng trên triền đê ngửi thấy mùi thơm ngai ngái của cánh đồng xanh hút tầm mắt lác đác cò trắng thì lúc đó không cần phải nói nhiều thì tình yêu đối với quê hương đất nước vẫn tự nó nảy sinh.
Kiến thức không tạo ra tư duy, kiến thức chẳng qua cũng chỉ là sản phẩm của tư duy, tư duy tốt thì sẽ có kiến thức tốt. Đúc kết chỉ ra rằng “lão ô bách tuế không bằng phượng hoàng sơ sinh”, quạ đen dù sống trăm năm thì vẫn là quạ đen, còn phượng hoàng dẫu có là sơ sinh thì vẫn là phượng hoàng.
Cũng giống như nếu đã không có tố chất tốt thì dẫu có đào tạo hay đến mấy thì cũng chỉ ở một giới hạn nhất định. Học chỉ giúp nâng cao bản thân chứ không phải là thứ để so sánh tài năng với người khác. Thực tế đã chỉ ra điều đó một cách rõ ràng, nhiều nhân tài không hề được học hành đào tạo bài bản nhưng vẫn là những người phát minh, khởi nguồn sáng tạo cho những kiến thức bài bản để những người được đào tạo bài bản học theo.
Sự sáng tạo, sự phát minh không khởi nguồn từ đám đông hay từ những chương trình đào tạo chặt chẽ, bài bản mà sự sáng tạo nảy sinh từ tư chất tự nhiên của những cá nhân. Những cá nhân này không phải ai cũng được đào tạo trong những trường chuyên, lớp chọn có lượng kiến thức phong phú hoặc những chương trình đào tạo hiện đại. Như vậy một điều rõ ràng kiến thức không quyết định đến sự phát triển của tư duy mà tư duy mới quyết định sự phát triển của kiến thức.
Vậy làm sao để có tư duy tốt khi kiến thức không phải là yếu tố quyết định. Phải chăng là do di truyền? Điều này cũng không hoàn toàn đúng vì có rất nhiều người xuất sắc không xuất thân từ gia đình có truyền thống. Vậy đâu là yếu tố quyết định tư duy xuất sắc của một con người.
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” môi trường nào, tư duy đó. Những cá nhân xuất sắc trên thế giới này có thể không giống nhau về chương trình đào tạo, không giống nhau về xuất thân gia đình, nhưng tất cả đều giống nhau ở điểm họ đều đã đươc học hoặc phát triển trong những không gian rộng rãi, sạch sẽ, tươi sáng, mát mẻ. Chưa cần nhìn đâu xa, cứ so sánh ngay ở Việt Nam, những ngôi trường có truyền thống lâu bền, có uy tín thì trường nào cũng đều có khuôn viên rộng lớn, sạch sẽ, thoáng đãng, cây cối lâu năm, xanh tươi mát mẻ.
Vì vậy cơ quan quản lý muốn cải cách giáo dục thì trước tiên phải bắt đầu cải cách từ gốc căn bản nhất, tức là phải cải cách về môi trường học tập. Phải xây dựng những quy định rõ ràng, chặt chẽ về môi trường học tập như địa điểm, diện tích xây dựng, kiến trúc xây dựng, môi trường cây xanh.
Cần xem xét lại những địa điểm giáo dục trong những “hộp bê tông bé như bao diêm” không có sân vườn, không có cây xanh.Nếu chỉ hô hào bên trên về việc thay đổi cách học, cách dậy mà không thay đổi không gian, môi trường học tập thì kết quả cũng khó đạt như kế hoạch đề ra.Cũng giống như không mở rộng hoặc làm sạch cái hồ thì không thể chứa thêm nước hoặc thay thế nước đã ô nhiễm bằng nước sạch.
Còn đối với mỗi gia đình hiện nay, khi lựa chọn trường lớp cho thế hệ tương lai thì nên lưu ý hai vấn đề sau:
Thứ nhất, đừng cố theo đuổi chương trình nọ, thương hiệu kia, hoặc cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại mà phải nhìn vào cơ sở hạ tầng có rộng rãi, thoáng đãng, vệ sinh sạch sẽ không, khuôn viên trường có cây lớn, có thanh mát hay không. Nếu có môi trường tốt thì con người sẽ tư duy tốt, thầy sâu sắc, trò thông minh. Và khi môi trường trong lành, sạch sẽ thì con người cũng bớt gian dối, tiêu cực nên giáo dục cũng có nề nếp, sáng tạo hơn.
Không có ngôi trường nào đạt những tiêu chuẩn trên mà yếu kém cả, thậm chí luôn là những ngôi trường có truyền thống, tiếng thơm. Còn ở một không gian hạn hẹp thì cho dù công nghệ có cao đến mấy, chương trình đào tạo có hiện đại đến đâu thì cũng vẫn khiến con người ta vô thức hình thành sự cạnh tranh, hẹp hòi từ đó dẫn đến độ kỵ và tiêu cực.
Hiện nay, có những ngôi trường danh tiếng, truyền thống sâu bền, nhưng vì theo đuổi giá trị hiện đại, công nghệ cao nên đã quyết định thay đổi môi trường đào tạo, đánh đổi sự giản dị và những nền tảng truyền thống lâu đời lấy công nghệ, sự hiện đại bề thế. Nhưng chắc chắn rằng điều đó sẽ khiến họ từng bước làm suy thoái những giá trị cao quý đã xây dựng được.
Thứ hai, thay vì cố gắng đi học những chương trình đào tạo nâng cao, chuyên sâu đang có thì phải khởi đầu bằng những chương trình đào tạo cơ bản trước.Chỉ khi nào nắm vững cơ bản thì mới thực sự giỏi.giống như cái cây, muốn lên cao thì gốc phải vun gốc cho vững.
Nếu giáo dục không đề cao những giá trị căn bản thì cũng như người ca sỹ không chịu luyện thanh luyện giọng mà chỉ dựa vào chiêu trò trên sân khấu có âm thanh ánh sáng hoành tráng thì chỉ cần một rủi ro mất điện là mọi thứ sẽ bằng 0. Còn một nghệ sỹ đích thực thì cho dù ở trong bóng tối hay ngoài ánh sáng, chỉ cần một cây đàn ghi ta cũng đủ để làm “thời gian ngừng trôi”.
Kiều Quang Dũng