Trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Chương trình AusReform), hôm qua, 6/7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) tổ chức hội thảo “Cải các độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới”.
Hơn nửa thế kỷ, Nhà nước vẫn độc quyền
4 ngành công nghiệp mạng lưới được CIEM khảo sát là ngành điện, ngành đường sắt, ngành hàng không và ngành viễn thông. Đây là những ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và việc cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngành này sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế.
Theo đó, ngành viễn thông gần như đã mở cửa thị trường hoàn toàn cho sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Trong khi đó, ngành điện mới mở cửa một phần; ngành vận tải đường sắt mới đi những bước đầu. Về mức độ cạnh tranh, cạnh tranh hầu như mới tồn tại ở viễn thông di động, vận tải hàng không. Trên các mảng thị trường còn lại, mặc dù đã mở cửa (điện, vận tải đường sắt), các công ty hiện hữu (đã tồn tại từ trước, cụ thể là các doanh nghiệp Nhà nước - DNNN) vẫn duy trì vị trí thống lĩnh thị trường.
“So với kinh nghiệm quốc tế, ở Việt Nam, Nhà nước vẫn can thiệp vào hầu hết các ngành công nghiệp mạng thông qua DNNN nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trong thực hiện độc quyền Nhà nước của các DNNN làm hạn chế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp mạng.”- TS Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban thể chế kinh tế (CIEM) nhận định.
“Không phải những năm 94-95 của thế kỷ trước, khi một loạt tổng công ty Nhà nước được thành lập mới xuất hiện độc quyền Nhà nước, mà độc quyền Nhà nước đã có từ thời bao cấp và việc hình thành các tập đoàn kinh tế Nhà nước là một bước lùi. Nhà nước thua lỗ cũng chủ yếu từ kinh doanh ngoài ngành của các tập đoàn Nhà nước này”, Chuyên gia Phạm Chi Lan phát biểu.
Phải xóa bỏ tư duy níu kéo độc quyền
Lý giải vì sao độc quyền Nhà nước “xóa mãi mà không được” bà Lan cho rằng Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, Hiến pháp vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Không có văn bản nào nói DNNN là DN chủ đạo nhưng trên thực tế DNNN vẫn được coi là chủ đạo, do thể chế, các nguồn lực nằm trong tay Nhà nước, Nhà nước dành quyền tiếp cận tối ưu cho DNNN, DN tư nhân không có cửa trừ một số DN có quan hệ, DN “sân sau”. Đáng chú ý, theo chuyên gia này, yếu kém và hạn chế của DNNN cứ bị kéo dài, rất khó phát hiện.
“Thực ra có rất nhiều bài học của các nước nhưng khó áp dụng vào Việt Nam, hoặc không muốn áp dụng, hoặc không có độc dược để áp dụng… Điểm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xem ra Việt Nam sẵn sàng xóa bỏ độc quyền, nhưng sao các chủ trương, chính sách này mãi không đi vào cuộc sống? Vì những người có trách nhiệm không có động lực để làm, văn bản ra rất nhiều nhưng không có chế tài, người ta không thực hiện cũng chả làm sao…”- bà Lan phân tích.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng ngay cả với những DNNN cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn giữ trên 50% cổ phần thì quyền của Nhà nước vẫn rất lớn. Thậm chí với những DN cổ phần hóa, Nhà nước chỉ nắm trên 10% cổ phần nhưng thực tế tiếng nói rất quan trọng.
Đồng tình với quan điểm này, Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ cho rằng độc quyền sẽ dẫn đến thoái hóa, tiêu cực và đề nghị Nhà nước phải xóa bỏ tư duy níu kéo độc quyền, phải tuyên chiến với tình trạng này. Ông nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ trưởng và chính DN được giao độc quyền nếu ai không giải quyết được được thì phải lùi ra một bên…
Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung cũng quả quyết: “Nhà nước không có lợi ích gì khác ngoài phục vụ nhân dân, nếu có lợi ích khác thì phải xem lại. Còn nói Nhà nước làm việc đó vì tư nhân không làm hay không làm được là cách nói ngụy biện”. Theo TS Cung, một khi tư duy lạc hậu thì thể chế lạc hậu còn nữa: “Sứ mệnh của chúng ta là phải làm tốt hơn nữa, lúc đó tư duy khác, động lực khác. Còn cứ nói tôi làm tốt rồi thì khó mà cải cách được!”- ông Cung thẳng thắn và bày tỏ hy vọng trong 5 năm tới sẽ không ai nói đến “độc quyền” nữa mà thay vào đó là cơ chế thị trường.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM:
Độc quyền triệt tiêu cạnh tranh?
Chỉ có cạnh tranh thị trường mới nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Khoa học công nghệ cũng quan trọng nhưng theo tôi vẫn đứng sau cạnh tranh thị trường. Nếu không có cạnh tranh thị trường thì sẽ dẫn đến thị trường méo mó, dẫn đến phân bố sai nguồn lực. Nếu chỉ dựa vào quen thân thì người ta sẽ “xin- cho” thay vì đầu tư công nghệ” .