Thu nhập của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp còn bất cập
Mặc dù Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến Quân đội, nhân dân hết lòng yêu thương, sẻ chia; nhưng những vất vả, gian khổ, hy sinh của bộ đội và gia đình, dù trong thời bình, vẫn còn. Không chỉ trực 24/24h tại đơn vị, bộ đội phải luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu, giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục các sự cố, thảm họa... trong bất kể thời gian, địa điểm, hoàn cảnh hiểm nguy nào.
Quân nhân thường làm việc ở những nơi gian khổ, nguy hiểm. |
Phần lớn quân nhân cùng gia đình chịu thiệt thòi về tình cảm vì bộ đội thường biền biệt xa nhà, ít được gặp bố mẹ, vợ con, ngay cả khi ốm đau, hoạn nạn... Bộ đội cũng không thể chọn nơi công tác và chọn việc nhẹ nhàng; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, luôn xông pha vào những nơi gian khổ, nguy hiểm nhất; nhiều quân nhân đã không thể trở về.
Thế nhưng, thu nhập và thực tế mức sống của đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), nhất là những quân nhân tuổi dưới 40, còn chưa cao… Ngoài tiền lương, đại đa số quân nhân không có khoản thu nhập khác, cũng không thể làm thêm, làm giúp việc nhà; đồng thời, việc công tác xa đã phát sinh rất nhiều chi phí đi lại, thuê người trông con nhỏ, đưa đón con đi học, gia đình làm việc gì cần đến người đàn ông cũng phải thuê; nhiều quân nhân lấy vợ xa quê còn phải thuê nhà, tiết kiệm đến lúc nghỉ hưu cũng chưa mua được mảnh đất an cư (dù luật đã quy định từ lâu, nhưng sĩ quan, QNCN vẫn chưa được hưởng phụ cấp nhà ở; số được hỗ trợ về nhà ở xã hội và được mượn, thuê nhà công vụ rất ít)…
Phát biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 31/5/2023, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần tiếp tục quan tâm lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đầu tư thích đáng để xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh, tạo điều kiện để Quân đội thực hiện tốt 3 chức năng (đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất), vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), vừa bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.
Đặc biệt, cần chú trọng hỗ trợ về thu nhập, tiền lương cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác. Đại biểu Trịnh Xuân An dẫn chứng, mức lương của QNCN lái xe tăng có thể chỉ bằng một nửa thu nhập của tài xế xe công nghệ Grab, như vậy thì rất thiệt thòi.
Điểm mới trong chính sách cải cách tiền lương quân đội
Theo phát biểu bế mạc Diễn đàn KT-XH Việt Nam 2023 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào ngày 19/9 vừa qua, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương có thể áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Trước đó, ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, LLVT và người lao động trong DN. Theo Nghị quyết 27, chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách KT-XH, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003.
Bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Nghị quyết 27 đã đề ra các mục tiêu cụ thể trong việc cải cách tiền lương cũng như các chính sách liên quan; trong đó có nội dung về việc cải cách tiền lương quân đội.
Nghị quyết 27 xác định xây dựng 3 bảng lương với LLVT gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương QNCN, chuyên môn kỹ thuật công an; 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của LLVT so với công chức hành chính như hiện nay).
Cải cách tiền lương có nội dung sẽ bãi bỏ hệ số lương và mức lương cơ sở. Lương quân đội sẽ được tính theo số tiền cụ thể theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, bảo đảm tương quan với tiền lương trên thị trường lao động như sau: Lương quân đội = Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương). Bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Đồng thời, Nghị quyết 27-NQ/TW cũng có nhiều điều chỉnh về phụ cấp của đối tượng LLVT. Theo đó, quân đội không bị bãi bỏ phụ cấp thâm niên; đồng thời, được hưởng các loại phụ cấp sau đây: Phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng; phụ cấp lưu động và phụ cấp đặc thù cho quân đội; phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội.
Phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản) và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề) sẽ bị bãi bỏ.
Hiện mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp cũng như căn cứ vào để thực hiện các chế độ khác theo quy định là 1,8 triệu đồng/tháng.