Khi gặp tai nạn trên đường, việc đầu tiên cần làm là gọi cho xe cấp cứu và công an. Đừng cố xác định xem đã có ai làm việc này hay chưa?. Thà rằng chúng ta gọi thừa vài cuộc còn hơn là để người này nghĩ người kia đã gọi rồi. Hãy luôn nhớ số điện thoại cấp cứu là 115. Các số điện thoại của cơ quan công an trên địa bàn, bạn có thể nhờ người dân xung quanh gọi hoặc tra cứu trên mạng internet.
Bạn chỉ cần bấm 115 là có thể kết nối đến tổng đài cấp cứu. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh khi gọi điện thoại, và bạn có thể nhờ thêm 1 người đứng bên cạnh để giúp bạn cung cấp thông tin chính xác cho bên cấp cứu và công an. Các thông tin cung cấp cho công an và cấp cứu cần chính xác nhất, để hai lực lượng này có thể đến hiện trường tai nạn nhanh chóng và kịp thời.
Đôi khi hệ quả của các vụ tai nạn có thể tiềm ẩn nhiêu nguy cơ. Việc quan sát hiện trường sẽ giúp bạn phát hiện và chặn đứng các mối đe doạ khác. Chẳng hạn như tình trạng rò rỉ xăng xe, động cơ vẫn đang hoạt động hoặc thậm chí là phương tiện đang bốc cháy. Nếu phát hiện xe còn đang nổ máy, hãy thử tìm cách tắt máy cho phương tiện. Nếu xuất hiện đám cháy, cố gắng tìm cách dập lửa. Tốt nhất là sử dụng bình chữa cháy để dập lửa. Nếu xe bị cháy do xăng, tuyệt đối không dùng nước để dập lửa.
Cần đảm bảo hiện trường xung quanh thông thoáng, không tập trung quá đông người. Viêc này ảnh hưởng tới tiếp cận hiện trường tai nạn của cơ quan chức năng và phương tiện cấp cứu. Đồng thời việc tụ tập quá đông người cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ của nạn nhân và làm cảm trở giao thông đi lại.
Công tác giữ nguyên hiện trường cần làm song song với việc gọi điện báo công an và cấp cứu. Đây là nguyên tắc cơ bản khi gặp trường hợp tai nạn giao thông. Nếu hiện trường làm cản trở giao thông thì cần phải đánh dấu địa điểm tai nạn trước khi cho xe vào lề đường. Việc không giữ nguyên hiện trường tai nạn sẽ ảnh hưởng tới công tác khám nghiệm hiện trường và tìm nguyên nhân gây tai nạn. Chính vì vậy, luật đã có quy định rất cụ thể về việc những người đầu tiên đến hiện trường phải có nghĩa vụ bảo vệ hiện trường tai nạn.
Nếu nạn nhân đang bị thương hoặc gặp tình trạng hoảng loạn, hãy cố gắng giúp trấn an nạn nhân. Tuyệt đối không tự ý sơ cứu cho người bị nạn nếu bạn không có chuyên môn y khoa hoặc ít nhất cũng đã học qua các lớp sơ cứu cơ bản. Việc sơ cứu sai cách không những không giúp đỡ được cho nạn nhân, mà còn có thể khiến tình trạng vết thương của nạn nhân nặng hơn, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng người bị nạn. Cách tốt nhất là để nạn nhân nằm yên, giữ cho nạn nhân tỉnh táo và bình tĩnh trước khi xe cứu thương đến
Với những trường hợp bất khả kháng cần di chuyển nạn nhân gấp như phương tiện bắt lửa hoặc nạn nhân nằm giữa đường, cần chú ý cố định cổ và phần xương nghi bị gãy của nạn nhân. Khi di chuyển không để bị vặn lưng hoặc cổ của nạn nhân. Khéo léo bỏ giúp người bị nạn những vật cản trở hô hấp của người bị nạn như mũ bảo hiểm.
Ngoài ra, nếu không bị cản trở hô hấp, bạn cũng không nên tháo mũ cho nạn nhân để tránh việc thao tác không đúng gây tổn thương vùng cổ. Khi tháo mũ nên có người trợ giúp để nâng đầu và cổ cho nạn nhân. Các thao tác cần thực hiện nhẹ nhàng, và không để đầu nạn nhân bị xoay hoặc vặn.
Kiểm tra toàn bộ cơ thể nạn nhân để tìm các vết thương hở. Với các vết thương chảy máu, dùng băng ép chặt hoặc nếu không có băng thì dùng quần áo để băng vết thương. Nếu không cầm máu kịp thời, có thể khiến nạn nhân nguy hiểm đến tính mạng. Kiểm tra các xương trên cơ thể, nếu có dấu hiệu gãy xương hoặc nghi gãy xương thì tiến hành nẹp cố định xương.
Việc nẹp xương giúp nạn nhân bớt đau và tránh xê dịch các đầu xương. Nếu như xe cứu thương ở quá xa, thời gian đến hiện trường quá lâu, thì sau khi tiến hành các bước sơ cấp cứu cần thiết, hãy đưa nạn nhân lên ô tô để chuyển tới bệnh viện, tránh vận chuyển nạn nhân bằng xe máy.