Xin hỏi cơ quan BHXH tôi đã đủ điều kiện nghỉ hưu chưa? Khi nghỉ được hưởng bao nhiêu %, tiền nghỉ hưu được bao nhiêu/tháng? Tính 5 năm cuối hay tính cả quá trình làm việc tôi tham gia BHXH từ tháng 9/1982.
- Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Lắk trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư số 59/2015 ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc như sau: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật BHXH và khoản 2 Điều 9 Nghị định 115/NĐ-CP được thực hiện như sau:
Mức bình quân lương tháng đóng BHXH = (Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của các tháng đóng BHXH/Tổng tháng đóng BHXH) x tỷ lệ % (Tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương tháng đã đóng BHXH được điều chỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật BHXH, được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ).
Trường hợp của ông, dự kiến cuối năm 2020 (ông 58 tuổi) nghỉ hưởng chế độ hưu trí, ông có 34 năm 2 tháng đóng BHXH (trong đó có 15 năm 2 tháng làm công việc nặng nhọc độc hại), toàn bộ thời gian đóng BHXH trên theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Theo quy định trên, ông đủ điều kiện nghỉ hưu. Khi nghỉ hưu ông được hưởng tỷ lệ 75% tương ứng với 33 năm đóng BHXH, năm thứ 34 trở đi cứ mỗi năm được hưởng ½ tháng lương bình quân đóng BHXH. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Để đảm bảo tính chính xác theo đúng quy định đề nghị ông mang sổ BHXH liên hệ tại BHXH tỉnh Đắk Lắk qua Phòng Chế độ BHXH để được trả lời chi tiết.
Thủ tục cộng nối thời gian tham gia quân ngũ để hưởng BHXH
* Bạn đọc Nguyễn Thị Thúy Vân hỏi: Bố tôi có tham gia bộ đội năm 1983, xuất ngũ năm 1987, sau đó năm 2008 đến nay bố tôi có tham gia BHXH tại trường tiểu học. Vậy bây giờ bố tôi muốn cộng nối thời gian tham gia quân ngũ vào thời gian BHXH thì thủ tục như thế nào? Bố tôi tự đi làm thủ tục đó được không hay là cơ quan hiện tại phải đi làm thủ tục này? Cơ quan BHXH giải quyết là ở huyện hay ở tỉnh?
- BHXH tỉnh Đắk Lắk trả lời: Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH.
Theo quy định trên, trường hợp của bố bạn tham gia quân đội năm 1983, xuất ngũ năm 1987, sau đó đến năm 2008 tham gia BHXH tại trường tiểu học. Để được cộng nối thời gian trong quân đội hưởng BHXH.
Theo đó, hồ sơ gồm: Lý lịch gốc, lý lịch bổ sung hoặc lý lịch đảng (nếu có), quyết định phục viên xuất ngũ; giấy xác nhận của Ban Chỉ huy quân sự xã, huyện chưa hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cá nhân có thể tự đi làm hoặc thông qua tổ chức đơn vị sử dụng lao động, nộp toàn bộ hồ sơ và các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác trong quân đội, gửi về BHXH tỉnh để được xem xét giải quyết theo quy định.