Hàng loạt vụ ngộ độc, đã có trường hợp tử vong
Bánh mì là một món ăn đặc trưng của ẩm thực Việt Nam, là món ăn sáng tiện lợi đối với nhiều người dân. Hàng ngày không khó để thể bắt gặp những hàng bán bánh mì trên mọi nẻo đường, trước cổng trường học, bệnh viện đến các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây tại một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân.
Gần đây nhất là trong tháng 8/2024, 20 công nhân đầu tiên của một công ty may trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sau khi ăn bánh mì kẹp pate gan của một cơ sở trên địa bàn TP Hồng Ngự bị đau bụng, sốt cao và tiêu chảy. Tiếp tục những ngày sau đó, lần lượt con số nhập viện tăng lên 148 người. Nguyên nhân vụ ngộ độc này được Sở Y Tế tỉnh Đồng Tháp kết luận là do vi khuẩn salmonella có trong pate gan do cơ sở bánh mì tự sản xuất.
Một vụ ngộ độc bánh mì khác xảy ra tại Đồng Nai cuối tháng 4/2024 ghi nhận có gần 600 người có biểu hiện ngộ độc, trong đó có 1 bệnh nhi 6 tuổi đã tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy, phần lớn các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Cùng với đó, kết quả xét nghiệm cũng cho thấy, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.
Cũng trong tháng 4/2024, một vụ ngộ độc khác xảy ra tại Bình Dương có liên quan đến bánh mì. Một đội múa lân sau khi biểu diễn tại một ngôi chùa trên địa bàn thành phố Thuận An sau khi ăn bánh mì, bánh bao từ thiện thì có biểu hiện nôn ói, chóng mặt. Hàng chục người sau đó được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố để cấp cứu...
Khuyến cáo phòng nguy cơ ngộ độc từ bánh mì
Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo với người dân và các đơn vị liên quan.
Đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh mì: Cần lựa chọn nguồn nguyên liệu (rau, thịt) để chế biến còn tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng. Các loại thực phẩm đã được chế biến sẵn như chả, thịt nguội, chà bông phải có nhãn mác và các cơ sở cung cấp phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đã thực hiện tự công bố sản phẩm.
Trong chế biến và phục vụ khách hàng, chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến cần bảo đảm thực hành đúng vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với thực phẩm, mang bao tay khi chia thức ăn, mang khẩu trang và không được mang đồ trang sức.
Ngoài ra, dụng cụ chế biến, chứa đựng phải được vệ sinh sạch sẽ; bảo quản thực phẩm sống và thực phẩm chín phải riêng biệt, tránh nguy cơ nhiễm chéo. Thực phẩm bày bán trên tủ, kệ cao và phải được che đậy chống ruồi, côn trùng xâm nhập. Không nên lưu trữ nguyên liệu, thực phẩm quá nhiều trong thời gian dài.
Đối với người tiêu dùng, cần lựa chọn cơ sở kinh doanh bánh mì uy tín, sạch sẽ, để mua và sử dụng. Hạn chế lựa chọn những điểm bán hàng rong, điểm bán ngoài đường phố vì đây là những nơi có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết mùa hè nắng nóng. Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; đặc biệt là thực hiện ăn chín, uống sôi.
Đối với các cơ quan quản lý, cần tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh bánh mì và kiên quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.