Gạo Việt chiếm thị phần dưới 3%
Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước XK gạo quan trọng vào Canada, sau Hoa Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, tuy nhiên chỉ chiếm được thị phần rất ít (1,6% trước khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực). Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng sản phẩm gạo lên tới 56,4% vào thị trường này, là nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch đứng top 3, góp phần đưa Việt Nam mở rộng thị phần lên đến gần 2,9%.
Nhu cầu của thị trường Canada đối với mặt hàng gạo tăng ổn định qua các năm và sẽ giữ ở mức ổn định khoảng 500 triệu USD/năm. Do đó, mặt hàng gạo của Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng nhanh XK vào thị trường này vì đến nay, thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ và điều quan trọng là các đối tác nhập khẩu (NK) Canada bắt đầu nhận thấy chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gạo Thái Lan.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh Châu Âu (EU), giá gạo của Việt Nam sang thị trường Bỉ và các nước EU cao hơn mức trung bình của các nước do chủng loại gạo XK vào thị trường này chủ yếu là gạo thơm có giá trị cao như ST25, ST24. Một số mặt hàng gạo và chế biến từ gạo như phở, bún, bánh đa nem của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào hệ thống phân phối hiện đại của EU tại Đức, Séc, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Bắc Âu.
Dẫn số liệu của cơ quan thống kê của EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho biết, quy mô thị phần gạo Việt Nam tại Bỉ cũng rất nhỏ. Trong năm 2023, Việt Nam XK gạo sang Bỉ với tổng trị giá 56,3 nghìn Euro, trong khi thị trường này NK 500 triệu Euro hàng năm từ các nước trên thế giới. Tính chung toàn EU, Việt Nam mới XK được khoảng 80.000 tấn gạo vào EU (nhu cầu NK của EU hàng năm vào khoảng 1,5 triệu tấn), trong khi Thái Lan, Campuchia và Myanmar XK khoảng trên 150.000 tấn vào EU mỗi năm.
Gạo Việt cần xây dựng thương hiệu riêng
Lý giải về việc gạo Việt Nam chưa có chỗ đứng tại Bỉ, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho rằng, có thể do các doanh nghiệp (DN), hệ thống phân phối tại Bỉ chủ yếu NK gạo Việt Nam từ các đầu mối NK lớn của Pháp và Hà Lan. Bên cạnh đó, DN XK gạo của Việt Nam chưa quan tâm đến việc XK gạo sang thị trường Bỉ.
Thương vụ Việt Nam tại Đức cũng thông tin, một số DN người Việt Nam tại Đức đã NK gạo từ Việt Nam, song khối lượng chưa nhiều. Trong khi nhiều DN khác chủ yếu nhập gạo Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia hoặc gạo Việt đã qua chế biến ở Thái Lan để cung cấp cho người Việt tại Đức. Trên thị trường Đức, mặt hàng gạo xuất xứ từ Việt Nam chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc, song lại phải cạnh tranh với gạo Thái Lan có chất lượng hơn, mẫu mã và bao bì cũng bắt mắt hơn.
Theo đánh giá của Thương vụ, nhu cầu của thị trường Đức đối với mặt hàng gạo tương đối ổn định và có xu hướng tăng. Do đó, Việt Nam có thể tăng kim ngạch XK gạo nếu các DN XK gạo của Việt Nam xây dựng được thương hiệu riêng, XK được gạo chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về môi trường của EU.
Bà Trần Thúy Quỳnh khẳng định, gạo Việt Nam còn nhiều dư địa để vào thị trường Canada do nhu cầu của thị trường rất lớn, là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn thuộc top 9 năm 2022. Chưa kể, gạo Việt Nam thời gian gần đây được các nhà NK Canada đánh giá cao về chất lượng nhưng một số nhà NK còn lưu ý về hàm lượng tấm (vẫn còn khoảng 5%), trong khi các quốc gia khác như Thái Lan có chất lượng xay xát tốt hơn, tỷ lệ tấm gần như 0%. Bên cạnh gạo trắng dài (jasmine), hiện nay, gạo tròn giống Nhật Bản trồng ở Việt Nam đang được Canada tăng NK khá mạnh. Tuy nhiên, cũng giống như gạo trắng jasmine, gạo tròn shushi đều được đóng gói dưới bao bì và thương hiệu của các tập đoàn nước ngoài.
Đáng chú ý, bà Quỳnh cho rằng, số liệu XK gạo của Việt Nam vào Canada có thể thấp hơn nhiều so với thực tế vì hiện gạo Việt Nam vẫn được XK qua Hoa Kỳ, đóng túi tại đây rồi mới chuyển sang Canada. Tuy nhiên, XK gạo vào thị trường này tăng đều qua các năm cho thấy các nhà NK Canada bắt đầu quan tâm đến NK trực tiếp từ Việt Nam để thay thế/giảm phụ thuộc vào thị trường gạo trắng của Thái Lan và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, khó khăn đáng kể cho XK gạo của Việt Nam vẫn là việc không có thương hiệu nên người tiêu dùng không nhận biết được để lựa chọn. Bên cạnh đó, vấn đề khoảng cách địa lý khiến cho XK gạo của Việt Nam gặp bất lợi lớn về chi phí vận tải/thời gian giao hàng so với các đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh một số nước còn có các hình thức trợ giá XK, trợ giá vận tải hoặc hỗ trợ tỷ giá, các sản phẩm gạo của Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn do chi phí/thời gian logistics nội địa quá cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng.