Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2017 ngành thủy sản có bước phát triển vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt kỷ lục với khoảng 8,39 tỷ USD - tăng 18 % so với năm 2016 và tăng 18,3 % so với kế hoạch đề ra. Tôm, cá tra, cá ngừ lần lượt là 3 mặt hàng chủ lực chính kéo XK mặt hàng này tăng cao trong năm qua. Trong đó, XK tôm đạt 3,9 tỷ USD, XK cá tra 1,8 tỷ USD, XK cá ngừ cũng đạt 600 triệu USD.
Tôm, cá tra và thị trường Trung Quốc
Theo đánh giá của VASEP, hầu hết XK thủy sản sang các thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh, trừ thị trường Mỹ, Australia và Nga bị giảm nhẹ. Top 4 thị trường XK thủy sản hàng đầu của Việt Nam đã có sự thay đổi, lần lượt là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và có sự thay đổi vị trí đầu giữa Mỹ và EU.
Đáng chú ý, trong năm 2017, XK thủy sản sang EU ước đạt 1,47 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Đây là lần đầu tiên EU vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Sự tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường EU chủ yếu là nhờ mặt hàng tôm, còn xuất khẩu cá tra sang thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Đối với thị trường Nhật Bản, theo VASEP, nhờ đồng yên tăng giá khiến nhu cầu nhập khẩu tăng và tạo thuận lợi cho XK của Việt Nam. Do vậy, XK thủy sản sang thị trường này trong năm 2017 liên tục tăng trưởng 2 con số với tổng doanh số đạt 1,3 tỷ USD - tăng gần 18% so với năm 2016.
Trong năm 2017, Trung Quốc cũng đã vượt qua Mỹ trong top thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam. Trung Quốc hiện đang dẫn đầu các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản. Theo đánh giá, đây tiếp tục là thị trường quan trọng và tiềm năng cho doanh nghiệp thủy sản trong thời gian tới, khi XK sang EU và Mỹ gặp trở ngại về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật.
VASEP nhận định năm 2018, tổng giá trị XK thủy sản Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt XK sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự báo XK thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD - tăng khoảng 3% so với năm 2017.
Nhiều hàng rào kỹ thuật gây khó khăn
Theo Tổng cục Thủy sản (TCTS), kinh tế thế giới trên đà tăng trưởng trở lại, khả năng nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn, trong đó có sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, xu thế các thị trường nhập khẩu nâng cao các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (trong đó có truy suất nguồn gốc và áp dụng quy trình nuôi sạch), các nước nhập khẩu sẽ đưa ra các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, cạnh tranh thương mại (như chống đánh bắt bất hợp pháp, không sử dụng thức ăn nuôi thủy sản có nguồn gốc động vật với một số thị trường) sẽ gây ra khó khăn cho XK ngành hàng này trong năm nay.
Nhận diện những khó khăn này, ngành thủy sản cũng đã chủ động đưa ra một số giải pháp. Theo đó, ở lĩnh vực nuôi trồng để tạo đột phá trong triển khai chương trình VietGAP, TCTS cho biết sẽ tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh/kiểm tra các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản (NTTS) và kiểm tra ngăn ngừa việc sử dụng kháng sinh, lạm dụng kháng sinh trong NTTS.
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Xây dựng quy trình đầy đủ về công tác xác nhận và chứng nhận thủy sản khai thác trước khi XK. Hoàn thiện hệ thống chứng nhận điện tử để kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá như cấp phép khai thác với công tác chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và tham mưu ban hành Quy chế để yêu cầu các Chi cục Thủy sản địa phương thực hiện chứng nhận và xác nhận qua hệ thống điện tử.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Oai - Tổng cục trưởng TCTS cho biết: Tôm, cá tra, cá ngừ là 3 mặt hàng chủ lực chính kéo XK mặt hàng này tăng cao trong năm 2017. Năm 2018, đối với tôm, tiếp tục phát triển nuôi tôm vào các vùng tiềm năng, đẩy mạnh công nghệ cao, phát triển nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ vừa tăng năng suất vừa tăng chất lượng tôm.
Bên cạnh đó, mở rộng thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, đồng thời tìm kiếm những thị trường mới. Đối với cá tra, sẽ tập trung mạnh vào việc nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển thị trường mới. “Đối với lĩnh vực khai thác, chúng tôi sẽ khắc phục tình trạng thẻ vàng mà EC đang áp dụng, tăng cường bảo quản sản phẩm trong khai thác để đảm bảo cho XK. Tình hình trên biển vẫn còn phức tạp nên năm 2018, chúng tôi cũng sẽ tăng cường kiểm tra kiểm soát trên biển để hỗ trợ ngư dân khai thác”, Tổng cục trưởng TCTS nhấn mạnh.
Phải giải quyết sớm vấn đề áp “thẻ vàng” của EU
“Trong Hội nghị Tổng kết 2017 và triển khai nhiệm vụ ngành Nông nghiệp 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giao nhiệm vụ: Năm 2018, ngành thủy sản sẽ đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chỉ đạo mùa vụ, quy trình nuôi trồng phù hợp với thời tiết, thị trường; phổ biến các mô hình nuôi thâm canh, công nghệ cao; triển khai tích cực Kế hoạch phát triển ngành tôm, cá tra và phát triển các đối tượng nuôi khác theo lợi thế; tăng cường phòng chống dịch bệnh. Tổ chức thực thi Luật Thủy sản; thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EU; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 5,3 - 5,8%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,5 tỷ USD”.