Cách nào để “xử dứt” nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Chỉ dài 500m, tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có gần 50 công trình thuộc loại siêu mỏng, siêu méo mới hình thành sau mở đường. Trong khi đó, “kho” nhà kiểu này tồn dư trên 7/9 quận, huyện vẫn chưa được xử lý dứt điểm bởi “vướng” cả về thủ tục và kinh phí…  
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 6/2014, trong tổng số 597 trường hợp được rà soát, yêu cầu xử lý trên địa bàn thành phố, còn 192 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo.
Trên tuyến Kim Mã - Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội) có 18 trường hợp vướng mắc thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý, trong đó có nhiều thửa là nhà đang thuê của Nhà nước hoặc đan xen giữa nhà thuê của Nhà nước và nhà đã bán theo Nghị định 61/NĐ-CP không xác định được diện tích sử dụng chung, sử dụng riêng hoặc diện tích ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng dưới 30m2 theo quy định không thể tách thửa, không thể ký hợp đồng công chứng. Cũng tuyến này, có trường hợp nhà đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng một trong các đồng sở hữu đã mất, không khai nhận thừa kế nên không thực hiện được việc chuyển nhượng... 
Vướng đủ đường
Tuyến đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) là ví dụ tiêu biểu cho tình trạng tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo quy định tạm thời quản lý kiến trúc, quy hoạch hai bên tuyến đường mà Sở Quy hoạch – Kiến trúc ban hành, các ô đất có diện tích còn lại sau giải phóng mặt bằng dưới 4m2 phải được UBND quận thu hồi, xây dựng công trình công cộng như bảng tin, nhà chờ xe buýt, vườn hoa... 
Các thửa đất diện tích 4 -15m2, có kích thước hình học không hợp lý để sử dụng, chủ công trình lựa chọn một trong hai cách: có thể xây dựng, chỉnh trang tạm với quy mô 1 tầng, cao không quá 4,5m hoặc bàn giao cho chính quyền phục vụ mục đích công cộng. 
Với thửa đất diện tích hơn 15m2 nhưng kích thước không hợp lý để sử dụng, chủ công trình cũng chỉ được chỉnh trang tạm quy mô 1 tầng hoặc hợp thửa, hợp khối với công trình liền kề. Trường hợp diện tích hơn 15m2 có kích thước hợp lý để sử dụng, chủ công trình được cấp phép xây dựng tạm. Quy định này chỉ áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp chờ triển khai quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường để bảo đảm mỹ quan đô thị, không nhếch nhác. 
Chỉ với chiều dài 500m, tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có gần 50 công trình thuộc loại siêu mỏng, siêu méo hình thành sau mở đường, trong đó có 9 trường hợp còn lại dưới 4m2, 20 trường hợp 4-15m2. Các trường hợp còn lại hầu hết các hộ tự hợp thửa, hợp khối hoặc chính quyền thu hồi.
Thực tế, việc xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, trong đó nhiều trường hợp tồn tại từ trước khi TP ban hành các quy định thu hồi, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vô cùng phức tạp. Không kể những trường hợp liên quan đến giá trị thửa đất sau khi ra mặt đường, hoặc các hộ ép giá nhau dẫn đến không tự thỏa thuận được thì không ít trường hợp thống nhất rồi nhưng lại vướng thủ tục. 
Đơn cử như theo quy định tại Quyết định 15/2011/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội, khi các hộ hợp khối phải hợp thửa đất về một chủ sử dụng. Trường hợp này phải làm thủ tục công chứng hợp đồng mua bán, nhưng thực tế nhiều trường hợp chỉ có giấy tờ mua bán viết tay nên không thực hiện được.
Tiền đâu để xử lý nhà mỏng, méo?
Có một vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ  xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo tại Hà Nội, đó là, theo khái toán kinh phí giải quyết các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo của 7/9 quận, huyện, cần số tiền lên tới 255 tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều chưa biết bố trí nguồn vốn từ đâu. Cho đến nay, Sở Xây dựng TP.Hà Nội cũng chỉ biết yêu cầu các địa phương khẩn trương báo cáo dự toán kinh phí giải phóng mặt bằng để tổng hợp trình thành phố bố trí nguồn thực hiện. 
Một giải pháp mà Sở Xây dựng đưa ra để giải quyết tình trạng này đó là đề nghị thành phố cho xử lý theo phương án hợp khối không hợp thửa, bảo đảm kiến trúc mặt ngoài thống nhất liền khối về hình thức. Phương án này giảm kinh phí, tránh thủ tục phiền hà khi hợp thửa về một chủ và quan trọng là được người dân đồng thuận.
Theo kế hoạch, trong các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo còn tồn tại có 142 trường hợp phải thu hồi (hiện mới giải quyết được 28 trường hợp), 28 trường hợp cải tạo, chỉnh trang và 22 trường hợp vận động hợp thửa, hợp khối. Nhiều nhất là quận Ba Đình 69 trường hợp, tiếp đến Đống Đa 28 trường hợp, Hà Đông 26 trường hợp, Tây Hồ 23 trường hợp, Hai Bà Trưng 18 trường hợp... phải thu hồi.

Đọc thêm

2 người tử vong trên quốc lộ

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 9, đoạn qua thị trấn Cam Lộ.
(PLVN) - Trong 2 ngày (10 và 11/12), trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 qua địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 2 người tử vong.

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.