Toàn tỉnh có trên 12.460 DN đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 145,8 nghìn tỷ đồng; trong đó có khoảng 8.730 DN hoạt động thực tế (tương đương 70% DN đăng ký), số DN dân doanh chiếm khoảng 96 - 97%.
Với sự đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực SXKD, các DNNVV đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, như: Nguồn vốn đầu tư hạn chế, chủ yếu là vốn vay; cơ cấu ngành nghề kinh doanh chưa hợp lý. Hệ thống máy móc, công nghệ, trang thiết bị phục vụ sản xuất còn yếu, thiếu và lạc hậu; mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng...
Trong khi đó, cuộc CMCN lần thứ 4, còn được gọi là cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh và phủ sóng toàn cầu, tạo nên những bước đột phá quan trọng về công nghệ, kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống và sản xuất, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển và hình thành các mô hình kinh doanh mới. Kinh tế tư nhân cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của cuộc CMCN lần thứ 4 này và đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức. Những DN thích ứng được với những thay đổi của cuộc cách mạng số sẽ sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm được chi phí, thời gian, nhân lực... tạo giá trị gia tăng và lợi nhuận.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không nhỏ. Muốn tồn tại và phát triển bền vững giữa thời đại công nghệ số, đòi hỏi DN phải luôn đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, thay đổi mô hình tổ chức, tư duy quản lý... mới có thể tạo ra sức cạnh tranh, sự đột phá, khác biệt so với đối thủ. Thực tế cho thấy, hầu hết DN tư nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế do: Nguồn lực tài chính hạn hẹp; khó tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ; năng lực quản lý, quản trị DN, thiếu kiến thức về pháp lý quản trị DN; khả năng kết nối thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng với yêu cầu của quy trình sản xuất; thiếu sự đầu tư trong nghiên cứu, chậm đổi mới công nghệ, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHCN vào SXKD và quản trị DN... Điều này khiến nhiều DN tư nhân chưa thích ứng kịp thời với những xu hướng mới, không ít DN vẫn bị động, chưa hiểu rõ bản chất, thậm chí số ít còn chưa sẵn sàng về tâm thế, chưa chủ động chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực để tiếp cận với những thành tựu khoa học mà cuộc CMCN 4.0 mang lại.
Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011, với phương châm lấy chất lượng sản phẩm và uy tín để tạo niềm tin với khách hàng, hiện nay, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Mendo ở khu phố Nguôi, phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) được biết đến là một trong những DN tư nhân gặt hái được nhiều thành công trong SXKD; sản phẩm của công ty luôn được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn, sử dụng. Chủ động thích ứng với xu hướng của cuộc CMCN 4.0, công ty đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất với hơn 40 chủng loại... Trong đó, nhiều loại máy móc tự động, bán tự động, vận hành thông qua việc sử dụng phần mềm lập trình chuyên dụng nhằm tiết kiệm tối đa nguyên liệu, thay thế 70 - 80% sức lao động.
Ngoài ra, Công ty cũng áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2015 nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Thông qua các trang thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của đơn vị và tìm kiếm các khách hàng tiềm năng, cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất.
Tuy vậy, cũng như nhiều DN tư nhân khác trên địa bàn tỉnh, khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty đó là khó tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ để mua sắm thêm máy móc, dây chuyền hiện đại cũng như mở rộng quy mô sản xuất. Khó khăn, hạn chế về nguồn lực tài chính khiến DN gặp nhiều trở ngại trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, khó hạ giá thành, mất thêm nhiều khoản chi phí cho sản xuất.
Để khu vực kinh tế tư nhân có thêm nguồn lực, dễ dàng tiếp cận với những thành tựu, tiến bộ của cuộc CMCN 4.0, phát huy nội lực của các DN, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành chức năng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN. Ưu tiên, khuyến khích, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trong đó chú trọng hỗ trợ phát triển DNNVV, DN khởi nghiệp. Tăng cường hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến trong SXKD và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị DN. Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, cơ sở khoa học liên kết trong việc đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ mới, tiến bộ cho DN.