Như huyện Ia Grai, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38, số người tham gia BHYT tăng lên gần 40 ngàn người (tăng 71,6% so với năm 2009). Ông Tống Thới Mốc - Bí thư Huyện ủy Ia Grai cho biết: Đến cuối năm 2023, toàn huyện có trên 93.600 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ xấp xỉ 84%. Huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân; trước mắt phấn đấu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 90% dân số.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng có nhiều sáng kiến trong việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia BHYT. Bà Rơ Chăm H'Hồng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh - cho hay: Chúng tôi phối hợp với BHXH tỉnh ký kết Quy chế phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Song song đó, các cấp Hội còn phối hợp với ngành BHXH tổ chức những buổi tuyên truyền, đối thoại trực tiếp, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến BHXH, những điểm mới của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung và Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, nhất là các quy định về tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình...
“Chị em hội viên, phụ nữ góp tiền tiết kiệm để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các thành viên trong gia đình. Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã thành lập và duy trì 43 mô hình tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn mua BHXH, BHYT với 891 thành viên; trong đó đã xây dựng được 21 mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua thẻ BHYT vì sức khỏe gia đình” với 296 thành viên”, bà Rơ Chăm H'Hồng cho biết.
Bên cạnh đó, người tham gia BHYT được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở. Các trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, bảo đảm trang - thiết bị, thuốc, vật tư y tế… Ông Nãi (làng Tơ Leo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) kể: Gia đình ông có 5 người và đều mua BHYT hộ gia đình. Người dân trong làng cũng tích cực tham gia vì nhận thấy lợi ích thiết thực của việc mua BHYT. Khi mua BHYT hộ gia đình, các thành viên được giảm trừ mức đóng theo quy định, khi ốm đau được chia sẻ chi phí KCB.
Còn chị Phạm Thị Thương (thôn Cầu Vàng, xã Kdang) thì cho hay: Gia đình chị có 4 người đều đã mua BHYT. “Càng là người có hoàn cảnh khó khăn thì càng nên tham gia BHYT. Vì nếu không có BHYT thì chi phí chi trả điều trị bệnh rất lớn, gánh nặng tài chính có thể khiến gia đình kiệt quệ” - chị Thương nói.
Đánh giá về kết quả công tác BHYT theo Chỉ thị số 38, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long nhìn nhận: Qua 15 năm tổ chức thực hiện, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và người dân có những chuyển biến tích cực. Các nhóm đối tượng tham gia chính sách BHYT ngày càng mở rộng và phát triển. Quyền lợi trong việc KCB của người tham gia BHYT không ngừng được cải thiện, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội.
“Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách về BHYT trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh chỉ đạo xác định chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT trong nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ và hàng năm của địa phương; gắn việc thực hiện chỉ tiêu về BHYT với thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 95% dân số tham gia BHYT; trong đó 98% là người dân tộc thiểu số như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai Trần Văn Lực.
Theo ông Trần Văn Lực - Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai: Nếu năm 2009, toàn tỉnh chỉ có trên 69% người dân có thẻ BHYT thì đến năm 2023 đã tăng lên 91%. Số lượt người KCB BHYT của năm 2009 chỉ trên 600 ngàn lượt, đến năm 2023 là 1,7 triệu lượt. Cách đây 15 năm, quỹ BHYT chi trả khoảng 122 tỷ đồng cho việc KCB BHYT thì đến năm 2023 đã là trên 880 tỷ đồng.
Hiện BHXH đang tham mưu giúp UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho người dân vùng dân tộc thiểu số ra khỏi vùng II, vùng III theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.