Cụ thể, tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật THADS quy định cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án. Tuy nhiên, với trường hợp bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm cấp huyện xét xử đối với các vụ việc liên quan đến công ty của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc người Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài thì địa phương thắc mắc khi nhận được bản án, quyết định do Tòa án chuyển sang, cơ quan THADS cấp huyện có ra quyết định thi hành án đối với các khoản chủ động hay không.
Giải đáp vấn đề này, Tổng cục THADS phân tích, tại khoản 3 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết đối với những tranh chấp, yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh. Vì vậy, trong những trường hợp mà đương sự ở nước ngoài thì cơ quan THADS cần có văn bản đề nghị Tòa án xem xét xác định đương sự ở nước ngoài hay ở Việt Nam. Trường hợp Tòa án vẫn xác định đương sự đang ở Việt Nam thì cơ quan THADS cấp huyện ra quyết định thi hành án. Trường hợp đương sự ở nước ngoài thì cơ quan thi hành án chuyển hồ sơ để Cục THADS ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành.
Còn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam (mặc dù đại diện theo pháp luật là người nước ngoài), Tổng cục khẳng định, vẫn được coi là doanh nghiệp Việt Nam và thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan THADS cấp huyện.
Bên cạnh đó, theo điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS, cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án đối với “…khoản thu khác cho nhà nước” và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì các khoản thu khác cho Nhà nước thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án gồm: “…các khoản bồi thường trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước”. Có điều, đối với các bản án hình sự mà Tòa án tuyên buộc cá nhân, tổ chức bồi thường một khoản tiền cho ngân hàng có 100% vốn nhà nước hoặc các công ty TNHH một thành viên có đại diện phần vốn góp của Nhà nước thì địa phương lúng túng không rõ ra quyết định thi hành án chủ động hay theo đơn.
Nói về hướng xử lý vướng mắc trên, theo Tổng cục THADS, tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định: “Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành án đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu thi hành án thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án”. Bởi thế, trong trường hợp này ngân hàng, các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước vẫn phải làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật THADS.
Ngoài ra, một loại án khá “nhạy cảm” là án cấp dưỡng theo định kỳ thì khi ủy thác việc thi hành án, cơ quan THADS nơi nhận ủy thác hay cơ quan THADS nơi đã thực hiện ủy thác sẽ ra quyết định đối với các nghĩa vụ thi hành án của các năm tiếp theo? Để hướng dẫn ra quyết định thi hành án theo định kỳ trong trường hợp đã ủy thác thi hành án, sau khi trao đổi, thống nhất với Vụ 11 - VKSNDTC và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã ban hành Công văn số 1103/TCTHADS-NV1.
Theo đó, hướng dẫn “trường hợp cơ quan THADS có thẩm quyền đã ủy thác toàn bộ các nghĩa vụ theo các kỳ hạn mà bản án, quyết định đã tuyên thì cơ quan THADS nơi nhận ủy thác có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành”. Trường hợp cơ quan thi hành án nơi ủy thác chỉ thực hiện ủy thác đối với kỳ hạn đã đến hạn hoặc các kỳ hạn sẽ đến hạn trong năm thi hành án thì cơ quan THADS nơi ủy thác thực hiện việc ra quyết định đối với các kỳ tiếp theo.