Thanh tịnh là trong sạch. Trong sạch không có nghĩa thoát ly ngoài cảnh trần tục, mà chỉ ở ngay trong cõi đời ô trược, nhưng không bị nhiễm ô, thế mới thật là trong sạch, như hoa sen tuy nằm giữa bùn nhớp nhúa mà hương vị vẫn thơm tho.
Vì thế khi nói đến đức thanh tịnh, đạo Phật hằng mượn hoa sen để biểu thị. Muốn thực hiện đức thanh tịnh, người Phật tử tập dần từ thô đến tế, từ cạn đến sâu theo thứ tự: hành động thanh tịnh, ngôn ngữ thanh tịnh, và tư tưởng thanh tịnh.
Hành động thanh tịnh
Trước nhất, người Phật tử giữ gìn thân thể sạch sẽ, sự ăn mặc vén khéo giản dị, cho đến khi đi đứng phải đoan chính; tránh mọi xa hoa, phù phiếm và vô độ.
Người Phật tử lập đức thanh tịnh, không bao giờ ỷ tài năng thế lực đánh đập, lấn hiếp người hay vật khi thấy họ thân cô thế quả. Đối với sự giết hại dù con vật nhỏ bé vô cớ, người Phật tử không nỡ giết vì đó là hành động xấu xa.
Cho đến một cái nhìn ngạo nghễ, một cử chỉ khinh khi, người Phật tử cũng không khi nào có, bởi vì một hành động xấu xa dù lớn, dù bé cũng có thể làm hoen ố đời trắng trong của người Phật tử. Họ tránh xa những cử chỉ xấu như người hiền tránh xa những đám ẩu đả và đôi chối.
Những hành động bạo ác, người Phật tử cũng không bao giờ làm, nhưng với cử chỉ lành, hành động tốt, thì họ tích cực hoạt động vì hành động thanh tịnh không phải chỉ bảo thủ riêng mình mà phải cứu giúp nâng đỡ mọi người.
Bởi thế nên bàn tay Phật tử lúc nào cũng chực vuốt thẳng những nét nhăn trên trán cho kẻ thảm sầu, thoa dịu những vết thương cho người đau khổ và lau khô dòng lệ lăn trên má của cô nhi...
Bàn tay ấy sẽ mở lồng cho đàn chim sắp bị nhổ lông được vỗ cánh tung bay về bầu trời cao rộng, vỗ về một con vật bị người hành phạt đau thương, cho đến lượm gai trên đường rộng và nhặt đá trên lộ quan... Tựu trung, mọi hành động trên đều nhằm mục đích cứu người, cứu vật.
Ngôn ngữ thanh tịnh
Lời nói là một lợi khí rất sắc bén, có thể giết người, giết mình một cách dễ dàng, nếu là lời nói ác. Phật dạy: “Người đời lưỡi búa bén nằm sẵn trong miệng, sở dĩ giết mình do lời nói ác.” Lời nói ác không chỉ là mắng chửi, trù rủa... mà còn là nói lời ngọt như đường, êm như nhạc nhưng để lừa bịp người.
Lời nói ác tức là bất tịnh, ô uế, nên người Phật tử không bao giờ để nó thốt ra nơi cửa miệng mình. Nếu lỡ vô tình hay bại trận vì cơn nóng giận đã thốt ra những lời thô ác, người Phật tử lấy làm nhục nhã, xấu hổ, phải chí thành sám hối và tuyệt đối không dám tái phạm.
Lời nói có thể là lưỡi kiếm bén giết người nếu trong tay kẻ bạo ác, cũng có thể là cây đuốc sáng đưa người ra khỏi rừng mê, hay hoàn linh đơn cứu người trong cơn bệnh ngặt nếu trong tay nhà đạo đức, kẻ từ tâm.
Vì thế người Phật tử cấm chỉ nói lời thô ác, nhưng thao thao nói những lời hiền hòa, êm dịu và chân thật. Rất cần những lời nói hiền hòa để san lấp hết hầm hố thù hiềm đã đào sâu giữa mình và người, hoặc người với người.
Có những lời êm dịu, ta mới khuyên lơn được những người uất hận khi gặp cảnh nghịch lòng, kẻ thất chí vì tình đời phụ bạc và tát vơi được phần nào nguồn lệ thảm của người tật nguyền, khốn khổ... Nhờ lời nói chân thật mới xiển dương được chân lý và vạch rõ lẽ chính tà.
Tóm lại, tất cả lời nói có tánh cách giúp ích người, có lợi cho xã hội đều là lời thanh tịnh, người Phật tử phải hằng tập và nói những lời ấy.
Hoa sen tuy nằm giữa bùn nhưng hương vị vẫn thơm tho |
Tư tưởng thanh tịnh
Động cơ chính gây nên tội ác, hoặc khiến đời sống con người phải ngầu đục, nhớp nhơ trong biển sinh tử là tư tưởng; ngược lại, tạo vô lượng phước đức đưa con người đến quả thanh tịnh giải thoát cũng do tư tưởng.
Tư tưởng giữ một vai trọng yếu nhất trong đời người; người nên - hư, tốt - xấu, tiến - thối... đều do tư tưởng quyết định. Vì thế người Phật tử phải gạn lọc đào thải những tư tưởng xấu, tăng trưởng những tư tưởng tốt, để tâm hồn được thanh tịnh.
Muốn đào thải những tư tưởng xấu, ta phải anh dũng chiến thắng bọn giặc tham lam, sân hận, tự ái, ngã mạn..., xua đuổi chúng ra ngoài tâm giới ta.
Phiền não là sóng, mà tâm là nước; sóng dừng, tâm nước trong. Một tên bợm móc túi, sở dĩ dám thò tay móc túi người trước “thập mục sở thị” là vì nó chỉ thấy có tiền... hay nói bằng cách khác, nó trở thành tôi mọi của lòng gian tham sai sử.
Lúc ấy, nó có thấy gì tù tội, biết gì xấu xa? Hay khi ta gặp cảnh nghịch ý, cơn giận dữ nổi lên, liệu còn đủ lý trí suy xét phải quấy nữa chăng, hay mặc tình để cho con quỉ giận dữ thúc đẩy? Nếu còn suy nghĩ kịp thì cơn giận tan, còn đã nô lệ cho bọn quỉ sân hận thì tất xảy ra cuộc xô xát bằng miệng, bằng tay.
Người Phật tử muốn gạn lọc tư tưởng thanh tịnh quyết phải quả cảm, tích cực thanh trừng bọn giặc phiền não còn trú ẩn trong tâm mình. Chẳng những thế, Phật tử cần tăng trưởng tư tưởng từ bi hỉ xả.
Tâm ta chẳng khác một mảnh đất màu mỡ, nếu không có lúa khoai thì cỏ dại mọc; nhổ hết cỏ dại phải giâm giống lúa khoai, nếu để đất trống thì cỏ sẽ mọc lại.
Trong khi cực lực chiến đấu với những phiền não, Phật tử không quên tăng cường tâm từ bi, hỉ xả... để gột rửa những nghiệp phiền não đang gắn chặt trong tâm hồn.
Tóm lại, trong ba món thanh tịnh, tư tưởng là quan trọng hơn cả, do đó người Phật tử tu đức thanh tịnh, xem tư tưởng là phần thiết yếu nhất, gạn lọc tư tưởng thanh tịnh rồi, ngôn ngữ, hành động tùy đó mà thanh tịnh, như nước ở hồ lọc trong rồi, khi mở vòi nào cũng đều chảy nước trong cả.
Thanh tịnh hoàn cảnh
Một khi thân tâm thanh tịnh, hoàn cảnh sẽ tùy thuộc thanh tịnh. Hoàn cảnh không nhất định tốt - xấu, nhơ- sạch, tùy hành động tư tưởng con người mà chuyển theo.
Một nhóm người văn minh trí thức dù ở nơi thôn dã hoang vắng, nhưng một thời gian cảnh ấy sẽ trở thành tốt đẹp, thị tứ; trái lại, một bọn người rừng cho ở giữa đô thành hoa lệ, một thời gian đô thành ấy sẽ biến ra cảnh nhớp nhúa xấu xa nếu họ không được cải thiện...
Bởi thế, đạo Phật muốn cải thiện xã hội, cải thiện quốc gia trước tiên phải cải thiện con người; muốn cải thiện con người, đầu tiên phải cải thiện tư tưởng. Như vậy tư tưởng, ngôn ngữ và hành động con người thanh tịnh thì chính cõi Ta-bà này đã thành Tịnh độ rồi, hay thế giới này chính là thế giới Cực Lạc vậy.
Ta muốn sinh về Tịnh độ, thì chính ta phải thanh tịnh trước đã. Kinh có câu: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”, nghĩa là: “Thân, miệng và ý hằng trong sạch, sẽ đồng như chư Phật sinh về cõi Phật.” Thế mà, có một số người ước mơ sinh về cõi Cực Lạc mà miệng vẫn nói ác, tâm vẫn tham, giận... thật là trái lẽ.
Tu bằng cách đó chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi. Người Phật tử chân chính không mơ ước gì hơn là ước mơ con người mình được thanh tịnh, không tranh đấu nào bằng tranh đấu với phiền não ở nội tâm. Thắng được phiền não, toàn thân đều thanh tịnh, thế là vạn vật tùy tâm, sống một cuộc đời tự do tự tại.
Rõ ràng, đức thanh tịnh là căn bản của người tu Phật, chẳng những căn bản của người tu, mà đức thanh tịnh cũng là cội nguồn của một xã hội văn minh; văn minh đúng với thật nghĩa của nó.
Cho nên, bất luận trong đạo, ngoài đời nếu ai muốn cải thiện đời mình, cải thiện xã hội đều phải tu tập đức thanh tịnh cả... Gần nhất và cần yếu nhất, là Phật tử, đã biết đi chùa, lễ Phật nghe kinh mà không áp dụng triệt để đức thanh tịnh vào đời sống của mình, thật là phản bội với danh xưng Phật tử vậy...
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 70, ngày 12/9/2016)