Cách điện thoại thông minh thay đổi báo chí thế giới

Từ việc phải có cả ê kíp tác nghiệp với thiết bị cồng kềnh, người làm báo ngày nay có thể tổng hợp, chỉnh sửa và chia sẻ tin tức tới người đọc chỉ với chiếc điện thoại thông minh.
Từ việc phải có cả ê kíp tác nghiệp với thiết bị cồng kềnh, người làm báo ngày nay có thể tổng hợp, chỉnh sửa và chia sẻ tin tức tới người đọc chỉ với chiếc điện thoại thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn một thập kỷ vừa qua, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, loại hình báo chí di động trở thành trào lưu tại nhiều quốc gia trên thế giới vì tính di động, tiện ích và cá nhân hóa.

Năm 2016, lượng truy cập internet trên thiết bị di động chính thức vượt qua máy tính cá nhân, mở ra kỷ nguyên thống trị của điện thoại di động cho đến nay. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Statista (Đức), dự tính sẽ có 7,49 tỷ người sử dụng điện thoại di động trên toàn cầu vào năm 2025.

Sự phổ biến của smartphone (điện thoại thông minh) đã làm thay đổi nhanh chóng văn hóa tiếp nhận tin tức tại nhiều quốc gia khi chúng dần thay thế các loại hình truyền thống khác để trở thành công cụ đọc tin phổ biến nhất hiện nay. Điều này đã hình thành nên xu hướng “báo chí di động” phổ biến trên toàn cầu, tức là báo chí sử dụng thiết bị di động để sản xuất và truyền tải thông tin.

Như vậy, thiết bị di động ngày nay vừa trở thành một kênh truyền tải thông tin đến công chúng, vừa là công cụ đắc lực để các phóng viên, nhà báo thu thập, chỉnh sửa tin tức. “Báo chí di động” đã tạo ra sự chuyển dịch lớn trong ngành báo chí toàn cầu suốt hơn một thập kỷ qua.

Sự đổi mới trong cách thức đưa tin

Hình thức đưa tin qua thiết bị di động đã chứng minh được vị thế trong ngành báo chí khi không những mang lại sự thuận tiện mà còn đáp ứng được nhu cầu đa dạng người đọc. Theo số liệu thống kê tại Mỹ vào năm 2023, 58% người chọn xem tin tức trên các thiết bị điện tử thay vì tivi (27%), radio (6%) hay báo in truyền thống (5%). Xu hướng này trực tiếp đặt báo giấy vào nguy cơ “tuyệt chủng”, nhiều tờ báo in xuất bản hằng ngày phải chuyển sang xuất bản hằng tuần, báo xuất bản hằng tuần lại phải lùi sang thành báo hằng tháng. Sự “xuống dốc” của báo in là xu hướng chung của toàn cầu và Mỹ cũng không phải ngoại lệ.

Mark Thompson - CEO của The New York Times từng chia sẻ vào năm 2020 rằng ông sẽ rất bất ngờ nếu báo in của Times có thể “sống sót” trong 20 năm tới. Thực tế, nhiều tòa báo tại Mỹ đã ngừng hẳn các ấn phẩm in và tập trung nguồn lực cho các ấn phẩm điện tử và kĩ thuật số.

Công chúng đã thay đổi văn hóa đọc từ báo giấy sang báo điện tử và giờ đây với sự phổ cập rộng rãi của smartphone, là đọc tin trên điện thoại di động. Do đó, nhiều cơ quan truyền thông lớn đã xúc tiến việc phát triển ứng dụng tin tức trên điện thoại thông minh để bắt kịp xu hướng mới của độc giả. Tại Mỹ, các phiên bản báo trên thiết bị di động ngày càng được đầu tư hơn như các ứng dụng: CNN Breaking US & World News, USA Today: US & Breaking News, Fox News,... Độc giả tại Mỹ cũng có xu hướng sẵn sàng chi trả cho các ứng dụng tin tức nhiều hơn so với các khu vực khác. Các ứng dụng thường sử dụng các thuật toán để cá nhân hóa nội dung dựa trên thói quen đọc tin tức của người dùng hoặc người dùng cũng có thể lựa chọn các chủ đề quan tâm như kinh tế, văn hóa, chính trị, pháp luật,... để ứng dụng đẩy các tin tức phù hợp với sở thích lên đầu, cách tiếp cận này cũng khuyến khích người đọc gắn bó với app lâu dài hơn.

Ngoài ra, các app còn có tính năng gửi thông báo cho người dùng về các tin tức nóng hổi hay những bài viết mới. Trong đó, “ông lớn” The New York Times được xem là một trong những tờ báo có bứt phá sáng tạo nhất. Tận dụng sự ưa thích chơi trò giải đố, ô chữ,... của độc giả, New York Times đã phát triển ứng dụng chơi game bên cạnh ứng dụng đọc tin tức, qua đó mong muốn tạo cho người dùng thói quen vừa chơi game, vừa đọc báo. Người dùng có thể chọn mua gói đăng ký chơi game riêng hoặc là mua gói vừa xem báo, vừa chơi game. Cho tới nay, tờ báo này đã tích hợp tất cả các nền tảng của mình thành một ứng dụng có tên The New York Times App, trong đó gồm The New York Times, NYT Games, NYT Cooking, NYT Audio.

Các tờ báo và hãng thông tấn khác trên thế giới như Sputnik, Xinhua, Reuters, Bloomberg,... cũng phát triển các app tin tức trên cả hệ điều hành IOS và Android. Người đọc ngày nay có nhiều sự lựa chọn tùy theo nhu cầu: bạn có thể cập nhật tin tức về bóng đá trên app Sky Sports, ESPN,... hay tìm kiếm thông tin kinh tế - tài chính, chỉ số chứng khoán, bài phân tích chuyên gia trên nền tảng ứng dụng của Financial Times, CNBC,...

Các ứng dụng thường được thiết kế dễ tương tác, dễ đọc, ưu tiên những bài báo ngắn, tin nóng lên đầu trang, nhiều ứng dụng còn tích hợp tính năng cho bình luận, tương tác với nội dung. Tuy đây là nền tảng đem lại nhiều lợi ích cho các tờ báo và hãng tin, nó cũng đặt ra thách thức đối với việc phát triển các app tin tức cần tạo dựng thương hiệu uy tín vì độc giả thường chọn tải và chi trả tiền cho những ứng dụng tin tức có danh tiếng hoặc họ quen thuộc.

Làm báo chỉ với… chiếc điện thoại

Không chỉ thay đổi cách thức đưa tin của các tờ báo lớn, điện thoại di động còn mang đến một “cuộc cách mạng” trong phương thức sản xuất tin tức của các nhà báo trên thế giới. Người làm báo ngày nay có thể tổng hợp, chỉnh sửa và chia sẻ tin tức tới người đọc chỉ với chiếc điện thoại thông minh.

Nhiều cơ quan truyền thông lớn đã xúc tiến việc phát triển ứng dụng tin tức trên điện thoại thông minh để bắt kịp xu hướng mới của độc giả.

Nhiều cơ quan truyền thông lớn đã xúc tiến việc phát triển ứng dụng tin tức trên điện thoại thông minh để bắt kịp xu hướng mới của độc giả.

Khi điện thoại ngày càng “thông minh” hơn, camera sắc nét hơn, đường truyền tốt hơn và dung lượng thẻ nhớ cũng lớn hơn, xu hướng báo chí di động cũng phát triển mạnh mẽ. Trước kia, khi đi lấy tin, các tòa soạn, đài truyền hình cần chuẩn bị phóng viên, đội ngũ quay phim cùng các thiết bị to lớn, cồng kềnh. Toàn bộ quá trình từ khâu quay phim, biên tập đến phát sóng đòi hỏi nhiều nhân lực, thiết bị và chi phí. Tuy nhiên, hiện nay, các phóng viên, nhà báo có thể làm toàn bộ quá trình đó chỉ với một chiếc điện thoại, qua đó tăng tính độc lập, di động, khả năng lấy tin và đưa tin mọi lúc, mọi nơi của họ.

Lợi thế lớn nhất mà báo chí di động đem lại chính là rút ngắn thời gian sản xuất tin, giúp tòa soạn xuất bản tin nhanh chóng và chiếm ưu thế so với đối thủ cạnh tranh trong thời đại từng giây phút trôi qua có thể khiến một bản tin trở nên lỗi thời. Đặc biệt, Viện Nghiên cứu báo chí của Reuters chỉ ra rằng hầu hết mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi được các phóng viên phỏng vấn qua điện thoại thay vì một đội ngũ truyền hình. Kết quả cho thấy 33,5% người sẽ nhận lời phỏng vấn các phóng viên báo chí di động, trong khi chỉ 21% người nhận lời của đội ngũ truyền hình.

Xu hướng này hiện phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Đài BBC (Anh) đã phát triển một ứng dụng riêng có tên Portable News Gathering để hỗ trợ việc ghi chép, chỉnh sửa, gửi video, âm thanh, hình ảnh vào thẳng hệ thống xuất bản của tòa soạn. Marc Settle, một giảng viên tại Học viện BBC cho rằng: “Báo chí di động là cuộc cách mạng lớn nhất của ngành báo chí trong thập kỷ vừa qua và đã đến lúc mọi người cùng tham gia”. Đài CNN (Mỹ) cũng đang triển khai chương trình CNN Mobile để các phóng viên có thể sử dụng điện thoại di động để thu thập tin tức, quay video, phỏng vấn sau đó gửi về tòa soạn.

Harriet Hadfield - một phóng viên của tờ báo Sky News nổi tiếng với vai trò là một trong những người tiên phong cho xu hướng này. Cô thường được giao cho nhiệm vụ sử dụng điện thoại để phát sóng trực tuyến những sự kiện nóng hổi trước khi chờ đội ngũ quay phim đến. Năm 2015, một đám cháy lớn bùng phát tại Clandon Park House - một dinh thự lâu đời ở thành phố Surrey, Anh. Bấy giờ, tất cả máy quay của Sky News đều tập trung ở bên ngoài bệnh viện St Mary để chờ Công chúa Charlotte ra đời. Ngay khi biết tin, Hadfield đã nhanh chóng chạy tới Surrey, lập tức phát sóng trực tiếp hiện trường vụ cháy từ điện thoại của cô và phỏng vấn người qua đường. Cô cũng đồng ý rằng khi sử dụng điện thoại để phỏng vấn có thể giúp tiếp cận được nhiều người hơn và người được phỏng vấn cũng sẽ thẳng thắn, đỡ áp lực hơn.

Sự ra đời của smartphone đã mang lại những thay đổi to lớn trong cuộc sống con người, trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, trong đó báo chí được đánh giá là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Các tòa soạn và các nhà báo luôn phải nhanh nhạy, tích cực đổi mới và trang bị những kiến thức công nghệ thông tin để nắm bắt được xu hướng mới thời đại smartphone hiện nay.

Tin cùng chuyên mục

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)

Nghề giáo bốn phương

(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.