Thu giữ số lượng ma túy lên đến đơn vị… tấn
Tại phiên họp Chính phủ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo là cần tập trung phát triển kinh tế nhưng không được bỏ quên các vấn đề xã hội bức bối, đặc biệt là tình trạng buôn bán ma túy với số lượng lớn.
Trong phiên họp Chính phủ tháng 4, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an tiếp tục triển khai kế hoạch tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia.
Theo đó, Đại tá Vũ Văn Hậu cho biết thời gian gần đây, số lượng ma túy thu giữ từ các chuyên án được tính bằng đơn vị… tấn. Mặc dù lực lượng Công an, Biên phòng thời gian qua đã triệt phá rất nhiều đường dây ma túy lớn nhưng càng triệt phá thì trong xã hội càng tiếp tục sản sinh ra nhiều đường dây ma túy lớn khác.
Về vấn đề này, ông Hậu cho rằng thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do hoạt động sản xuất ma túy tại khu vực Tam Giác vàng (trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ hai trên thế giới) tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.
Các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế núp bóng kinh doanh để sản xuất ma túy với số lượng lớn, giá thành rẻ và hình thành các đường dây vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nước thứ 3 (khoảng cách từ “Tam giác vàng” về biên giới Việt Nam khoảng 500 km).
Ngoài ra, do Việt Nam có chính sách kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất theo hình thức theo hình thức quản lý rủi ro; hàng hóa kiểm soát theo luồng xanh, luồng vàng; hạn chế kiểm tra phương tiện. Đây cũng là điều kiện để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.
Ngoài ra, Đại tá Hậu cũng nhận định phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy ngày càng tinh vi, tính chất ngày càng manh động, nguy hiểm, quy mô đường dây tội phạm ngày càng lớn và xuyên quốc gia.
Chủng loại ma túy rất đa dạng, tội phạm thường xuyên sản xuất ra các loại ma túy mới để trốn tránh sự kiểm soát, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng. Chính những điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng triển khai các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy.
Khẳng định tội phạm ma túy là một loại tội phạm hết sức nguy hiểm, là “tội phạm của tội phạm”, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh chia sẻ những thủ đoạn, phương thức mới mà tội phạm đang lợi dụng vận chuyển ma túy qua biên giới. Trong đó, chủ yếu là lợi dụng quy trình, quy định về kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất ở biên giới, cửa khẩu, cảng biển, nhất là việc phân “Luồng xanh”, “Luồng vàng” để vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Cảnh cũng chia sẻ, tại Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy bằng container. Gần đây nhất, Bộ Công an đã phối hợp với Cục Hải quan TP HCM thu giữ 276 kg ma túy đá trong container hạt nhựa làm thủ tục xuất cảnh bằng “luồng xanh” từ Cửa khẩu Cảng Cát Lái, từ TP HCM đến Philippines.
Đây là một trong những số liệu chứng minh rằng tội phạm ma túy đang lợi dụng hình thức kiểm soát theo luồng xanh, luồng vàng để vận chuyển ma túy bằng đường biển. Tuy nhiên, các vụ án ma túy mà các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra làm rõ chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, một phần là do điều kiện, cơ sở vật chất của lực lượng chức năng, biên phòng còn hạn chế, khó khăn, chưa phục vụ tối đa cho quá trình điều tra.
Cuộc chiến đấu “không khoan nhượng”
Khẳng định công tác chiến đấu không khoan nhượng đối với đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy, đặc biệt là hoạt động của tội phạm ma túy có vũ trang trên khu vực biên giới tỉnh Sơn La diễn biến hết sức phức tạp, tính chất nguy hiểm, quy mô lớn có tổ chức, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh cho biết Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai Phương án số 3597/PA-BTL và Kế hoạch số 892/KH-BTL về đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Các Kế hoạch, Phương án đều tập trung thực hiện quyết liệt 4 nhóm giải pháp cơ bản. Cụ thể là giải pháp tuyên truyền, vận động quần chúng; giải pháp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; giải pháp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới; giải pháp đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế và phối hợp với các lực lượng. Trong đó, lấy giải pháp chính trị là cơ bản, giải pháp nghiệp vụ là mũi nhọn kết hợp với biện pháp vũ trang khi cần thiết.
Qua đánh giá của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, hoạt động của tội phạm ma túy sau khi có các Phương án, Kế hoạch triển khai mạnh tại Sơn La, các đối tượng có dấu hiệu chuyển dịch về địa bàn miền Trung (từ Thanh Hóa đến Quảng Bình) và Tây Nguyên.
Để chủ động ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy, gần đây nhất, Cục C04 (Bộ Công an) phối hợp với Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP) để triển khai Kế hoạch cao điểm số 879 tấn công trấn áp tội phạm ma túy tại địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Để cuộc chiến chống ma túy thực sự hiệu quả, Đại tá Vũ Văn Hậu và Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh đã đề xuất nhiều giải pháp. Đặc biệt là lực lượng Công an và BĐBP cần phối hợp với lực lượng chức năng trong nước, hợp tác với lực lượng chức năng các nước láng giềng trong phòng, chống tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP, Công an Việt Nam chủ động phối hợp với Công an Lào trên tất cả các lĩnh vực như đào tạo nghiệp vụ, hỗ trợ phương tiện kỹ thuật, phối hợp đấu tranh chuyên án; phối hợp tổ chức các đợt tấn công chính trị vào các địa bàn phức tạp về tội phạm, tệ nạn xã hội và truy quét vũ trang các tụ điểm ma túy ở các khu vực biên giới… thì mới nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm từ ngoài biên giới.
Đại tá Hậu bày tỏ mong muốn về một xã hội không có tội phạm ma túy, để ma túy không còn là “cái chết trắng” đầy ám ảnh mà chỉ là một loại chất dùng để nghiên cứu, phục vụ cho lợi ích của con người.