Hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đang hối hả tung ra nhiều chương trình, lễ hội đặc sắc, khuyến mại giá vé điểm đến, giới thiệu thời điểm vàng để khám phá du lịch mảnh đất chữ S tới du khách Việt. Tuy nhiên, các chương trình, lễ hội độc đáo đã “trình làng” nhưng du khách có mặn mà đi du lịch thời điểm này hay không lại là chuyện khác…
Nhiều chương trình, lễ hội hấp dẫn
Tối 16/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức đêm nghệ thuật Chào Hè Hạ Long - Quảng Ninh 2020. Đây là sự kiện mở màn cho Tuần du lịch Hè, thúc đẩy mùa du lịch biển, qua đó quảng bá xúc tiến, kích cầu sau thời gian đóng cửa tập trung phòng dịch Covid-19. Chương trình Chào Hè Hạ Long - Quảng Ninh 2020 được dàn dựng hấp dẫn, nhiều màu sắc với các chương mang tên Vào hạ, Sắc màu phố biển, Hạ Long vẫy gọi…
Để kích cầu du lịch, so với mọi năm, du khách đến Quảng Ninh sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính sách miễn, tặng vé tham quan Hạ Long, Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh, miễn phí xe buýt. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn xây dựng các gói kích cầu du lịch đặc trưng như: “Tri ân khách hàng cùng vượt qua dịch COVID-19,” “Hạ Long - Trung tâm du lịch quốc tế,” “Đến Hạ Long - Vui Giáng sinh, mừng năm mới,” “Trải nghiệm Quảng Ninh, các điểm đến du lịch mới”. Dự kiến sẽ có hơn 70 sự kiện, chương trình văn hóa - du lịch được tổ chức từ nay đến cuối năm, tạo nên một mùa lễ hội tưng bừng, chào đón du khách đến với Hạ Long, Quảng Ninh.
Thừa Thiên - Huế đã triển khai một đề án kích cầu du lịch trong giai đoạn trước lễ 30/4 - 7/5 là miễn phí vé tham quan Đại Nội. Sau đó, tiếp tục đề nghị Hội đồng nhân dân giảm 50% phí tham quan từ ngày 8/5 - 31/7. Nếu thuận lợi, Festival Huế được tổ chức vào giai đoạn cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020, sự kiện “đinh” tạo “cú hích” lớn cho du lịch Huế.
Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu như: Nà Khương, Sì Thâu Chải, Sin Suối Hồ, Vàng Pheo… đã sẵn sàng cho việc đón khách trở lại. Đến với các bản du lịch cộng đồng, du khách sẽ có cảm giác bình yên thân thiện với vẻ đẹp hoang sơ khi nằm nép mình bên suối hoặc những sườn núi cao dưới tán rừng già hàng trăm năm tuổi.
Du khách cũng sẽ cảm nhận sự ấm áp từ những cái bắt tay thật chặt, những ly nước ngào ngạt hương thơm được lấy từ lá rừng và sau đó là những món ẩm thực với nhiều hương vị khác nhau khi đến thăm các gia đình dân tộc.
Nếu như người dân tộc Thái có món sôi bảy màu được nhuộm bằng lá rừng với phương pháp đồ sôi bằng chõ độc đáo, hay món cá nướng, cá bống vùi tro hay món rêu đá sẽ cho du khách cảm giác không thể quên, thì người dân tộc Dao có món canh gà nấu gừng, hay ở các bản dân tộc Mông, du khách lại được thưởng thức món thịt lợn ba chỉ xông khói với vị bùi khó quên.
Sở Du lịch Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch Truyền thông, xúc tiến quảng bá và Chương trình kích cầu thu hút tăng trưởng khách du lịch đến Khánh Hòa năm 2020 với các thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Việt Nam an toàn” và “Nha Trang biển gọi”. Thời gian triển khai Chương trình kích cầu du lịch Khánh Hòa được áp dụng từ tháng 6 đến tháng 12/2020.
Về thị trường, Sở Du lịch Khánh Hòa xác định thu hút khách du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung vào các thị trường truyền thống là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên có địa bàn giáp với Khánh Hòa.
Ngành du lịch Gia Lai thực hiện chương trình du lịch giá rẻ cuối tuần như: khai thác các điểm đến tại trung tâm Pleiku và những điểm có cự ly gần, kết hợp với tỉnh bạn Kon Tum; khai thác các điểm tham quan tại trung tâm TP. Pleiku và vùng lân cận (Biển Hồ, đồng chè và hàng thông trăm tuổi, chùa cổ Bửu Minh, Công viên Đồng Xanh, Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân, chùa Minh Thành, Thủy điện La Ly, Khu du lịch thác Phú Cường, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, núi lửa Chư Đang Ya - vết tích nhà thờ cổ).
Ngoài du lịch giá rẻ, chú trọng khai thác các điểm du lịch sinh thái, văn hóa vốn là thế mạnh của Gia Lai. Loại hình này hướng đến đối tượng trẻ, ưa thích mạo hiểm, khám phá, yêu thích thiên nhiên và văn hóa bản địa. Hiện tại, Gia Lai có các tour: leo núi Chư Nâm-núi Chư Đang Ya, khám phá Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, du thuyền trên sông Sê San-thác Mơ, tìm hiểu văn hóa bản địa tại Làng kháng chiến Stơr, Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra, làng Kép…
Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp cùng các hãng lữ hành ra mắt chùm tour du lịch “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Các vị khách của chương trình được cải trang thành biệt động, đi trên những chiếc ô tô và xe máy cổ của chính các chiến sĩ biệt động từng sử dụng; được chui hầm, ăn uống tại nơi mà các chiến sĩ biệt động thường hay tập kết…
Hầu hết các điểm đến trong chùm tour còn được trang bị các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại kết hợp trải nghiệm thực tế. Một số điểm đến độc đáo bao gồm: Căn cứ của lực lượng Biệt động Sài Gòn; Di tích lịch sử quốc gia - nơi cất giấu vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn; Bảo tàng thông minh, lưu giữ những câu chuyện lịch sử về quá trình hoạt động và những kỷ vật của lực lượng Biệt động Sài Gòn; Di tích quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã ký kết và sắp triển khai kế hoạch kết nối phát triển du lịch nội địa với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 6 tỉnh Đông Nam bộ.
Đồng loạt các khách sạn, homestay, hãng xe du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa, các điểm đến tham quan du lịch như khu du lịch Sun World Fansipan Legend sẽ giảm giá dịch vụ từ 30-60%. Chương trình ưu đãi giảm tới 60% giá vé cáp treo Fansipan cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc gồm Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình.
Chương trình được áp dụng từ ngày 28/4 đến 28/6/2020. Được biết, tháng 5, 6 là thời gian đẹp nhất ở Sa Pa. Nắng mới rực rỡ, thời tiết mát lành, rừng đỗ quyên nở rộ dọc tuyến cáp treo Fansipan lên tới đỉnh cao 3143m. Ruộng bậc thang cũng đang mùa đổ nước. Hoa hồng leo sẽ vào độ nở rực rỡ nhất trong tháng 5, 6 trên khắp địa bàn thị xã, đặc biệt là tại khu vực trung tâm quanh hồ Sa Pa, khi đồng loạt 300 gốc hồng leo được trồng trong chương trình Hành trình xanh của thị xã năm ngoái ra hoa.
Một đồi hoa tím rộng tới 7,5ha và thung lũng hoa hồng rộng 5ha với hơn 120.000 gốc hồng các loại từ hồng cổ Sa Pa, hồng son, hồng tường vy đến những giống hoa ngoại danh tiếng như Mon Coeur, Juliet, St. Alban… tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend cũng sẽ là những trải nghiệm khiến du khách khó quên.
Chưa hết nỗi lo
Các tỉnh đều chú trọng những chuyến du lịch ngắn ngày. Đây chính là những gì du khách cần để tạm giải tỏa cảm giác “cuồng chân” hậu giãn cách xã hội; đồng thời, giúp bảo đảm các yếu tố an toàn sức khỏe, tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu rủi ro và chủ động hơn trong các tình huống bất ngờ.
Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cho rằng, sau dịch, du khách cũng sẽ có tâm lý chọn những nơi an toàn, yên bình và có xu hướng chọn nghỉ dưỡng. Xây dựng các tiêu chí an toàn sẽ rất quan trọng cho các địa phương trong việc thu hút khách trở lại. Bởi vậy, tất cả từ môi trường cảnh quan, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đến các điều kiện về phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới cũng luôn được các điểm du lịch thường xuyên quan tâm, đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, để tặng hình ảnh Việt Nam an toàn, các tỉnh đang tăng cường thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá và khai thác khách, đặc biệt là giới thiệu địa điểm bán sản phẩm trên môi trường mạng
Các chương trình, các tour, các lễ hội đặc sắc đã “trình làng” nhưng du khách có mặn mà đi du lịch hay không lại là chuyện khác. Bởi sau một thời gian gián đoạn, tâm lý người dân vẫn e ngại đi lại, dịch chuyển. Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ khách sạn Vĩnh Hội cho biết: “Các cơ sở lưu trú đã hoạt động trở lại nhưng hầu như không có khách du lịch mà chỉ là khách công vụ thuần túy. Hiệu suất khai thác buồng phòng thời điểm hiện tại rất thấp”.
Ngoài việc e ngại dịch bệnh chưa hết, việc “níu chân” du khách ở nhà đó là kinh tế. Sau thời gian giãn cách, nghỉ tránh dịch, kinh tế của người dân có nhiều eo hẹp. Họ lo cơm áo gạo tiền và ổn định công việc, cuộc sống thường nhật hơn thú vui, thư giãn, thưởng lãm.
Chị Hồng Mây (35 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Gia đình chúng tôi thích đi du lịch Việt Nam lắm. Nhưng mấy tháng dịch bệnh, công ty sản xuất may mặc của tôi và chồng tôi thu hẹp sản xuất, chúng tôi ít việc, giảm 80% lương. Thế nên bây giờ dịch dần tan, chúng tôi đi làm việc để bù đắp kinh tế sụt giảm mấy tháng đầu năm để lo trang trải cuộc sống. Thời gian tới, nếu sắp xếp được tài chính gia đình, chúng tôi mới tính tới đi du lịch”.
Một lý do không kém quan trọng khiến du lịch các tỉnh, thành chưa mấy khởi sắc đó là hiện đang thời gian học sinh cả nước hối hả đi học, chạy đua thời gian thi học kỳ, cuối cấp căng thẳng. Các gia đình chưa thể có thời gian hay nhu cầu nghỉ dưỡng.
Tổng Giám đốc Vietravel - ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, tính toán phương án cho học sinh nghỉ hè 1 tháng để kích cầu du lịch trong nước. Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng việc có 1 tháng nghỉ hè (giữa tháng 8 đến giữa tháng 9) sẽ là thời điểm quan trọng để phát triển du lịch, giúp ngành vượt qua được giai đoạn khó khăn trong quý III/2020.