Tại tỉnh Quảng Bình, nơi được xác định tâm bão sẽ đổ bộ, sáng nay, UBND tỉnh triệu tập các đơn vị địa phương họp trực tuyến với Chính phủ, quán triệt các biện pháp đối phó với bão. Đến sáng nay, tỉnh Quảng Bình còn hơn 400 tàu thuyền đang đánh bắt trên vùng biển nguy hiểm, hiện đang khẩn trương vào bờ tránh bão. Rút kinh nghiệm bão số 2, tỉnh Quảng Bình không cho phép tàu thuyền neo đậu khu vực cảng Hòn La để tránh bị va đập vỡ tàu.
Một số tàu cá đã vào nằm bờ an toàn trong Âu thuyền Thọ Quang ( Đà Nẵng). Ảnh Pháp luật TP |
Sáng 14/9, Bộ chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, đang tiếp tục duy trì mạng thông tin liên lạc kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển di chuyển phòng chống bão, duy trì chế độ trực sẵn sàng với 5 tàu, 10 xuồng cùng 300 phao cứu sinh và 450 cán bộ chiến sĩ đã được huy động.
Được biết, hiện tại tổng số phương tiện của Đà Nẵng là 1.619 phương tiện với 7.152 lao động. Trong đó, 1.457 phương tiện cùng 5.840 lao động đang nằm bờ. Tuy nhiên, hiện vẫn có 162 phương tiện và 1.312 lao động đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, Cát Bà, Nghệ An đến Bình Định.Hiện tất cả các phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển đã được thông báo về vị trí hướng di chuyển của bão số 10 để tránh nạn. Đến thời điểm này, chưa có thông tin thiệt hại do mưa bão gây ra.Tuy nhiên, ngay từ chiều và tối qua (13-9) do ảnh hưởng của bão nên hầu hết các tỉnh từ Quảng Bình vào Quảng Nam đã bắt đầu xuất hiện mưa, kèm theo gió lớn ở khu vực ven biển.
Bắt đầu từ 8h sáng nay (14/9) ở Quảng Bình trời đã đổ mưa to, nặng hạt |
Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, ở thời điểm hiện tại, cơn bão số 10 đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm và đây là lần đầu tiên cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 4 được áp dụng trong cơn bão này. Tuy nhiên, đây không phải là cơn bão mạnh nhất nếu so sánh trong quá khứ.
Từ năm 2014 cơ quan chức năng áp dụng quy định mới để đưa ra thông tin cảnh báo thiên tai, khác với cách cảnh báo trước đây. Cụ thể là quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15.8.2018 đã quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.
Theo quyết định này, rủi ro thiên tai đã được phân cấp với từng loại thiên tai, căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.
Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai. Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ. Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình. Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn. Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn. Cấp 5 màu tím là thảm họa.
Đối với bão, rủi ro ở cấp độ 4 áp dụng trong các trường hợp: Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam bộ. Bão rất mạnh từ cấp 12 - cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc bộ, Trung bộ. Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông, bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư cho biết, cho đến 4 giờ sáng nay 14.9, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 15,9 độ vĩ bắc và 113,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km về phía đông nam. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 10, tức là từ 90 - 100 km/giờ, giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và mạnh lên. Cho đến 4 giờ ngày 15.9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc và 108,8 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị khoảng 190 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, tức là từ 135 - 150 km/giờ, giật cấp 15. Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa sẽ có gió mạnh cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - 13, giật cấp 15 khiến biển động dữ dội.