Các sân khấu kịch TP HCM sẽ không “sáng đèn” vào mùa Tết 2022

Một vở diễn của sân khấu kịch Hồng Vân
Một vở diễn của sân khấu kịch Hồng Vân
0:00 / 0:00
0:00
Vào thời điểm này những năm trước, các sân khấu TP.HCM sẽ tất bật chuẩn bị kịch mới để kịp ra mắt khán giả vào dịp Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán. Tuy nhiên năm nay, mọi hoạt động của sân khấu vẫn đóng băng. Đại diện các sân khấu tại TP.HCM cho biết do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên vẫn chưa tự tin tập vở mới cũng như có kế hoạch biểu diễn trước công chúng.

Không có kịch Tết 2022

Theo bà bầu Hồng Vân, kế hoạch mở cửa sân khấu chưa thể có. Ban đầu, cô dự định xếp lịch diễn trở lại vào dịp Tết Dương lịch. Hiện tại, kế hoạch một lần nữa phải thay đổi vì dịch.

Nói về dự định diễn kịch vào dịp Tết Nguyên đán, NSND Hồng Vân lo ngại tình hình Covid-19 có thể khiến sân khấu miền Nam thêm một lần nữa phải đóng cửa.

"Toàn bộ lịch diễn kịch Tết 2020 vẫn còn đó vì năm ngoái chuẩn bị sẵn sàng nhưng cuối cùng không thể mở cửa. Năm nay, hy vọng tình hình tươi sáng hơn", bà bầu của sân khấu Phú Nhuận chia sẻ.

Đại diện sân khấu Thế giới Trẻ, đạo diễn Ngọc Hùng cho hay kế hoạch của đơn vị này là mở sân khấu từ ngày 24/12. Nhưng tới nay dự định này buộc phải dừng lại.

Đạo diễn Ngọc Hùng cho rằng sân khấu khác các loại hình rạp chiếu phim, phim truyền hình hay chương trình truyền hình, đã trở lại guồng công việc. Ở sân khấu, do đặc thù số lượng ghế ít nên không thể thực hiện giãn cách. Đó là chưa kể sân khấu cần sự tương tác gần giữa nghệ sĩ và khán giả.

Cũng như NSND Hồng Vân, đạo diễn Ngọc Hùng bỏ ngỏ khả năng có thể mở cửa sân khấu trong dịp Tết Nguyên đán. Theo anh diễn biến dịch và sự xuất hiện của biến thể mới khiến khán giả e ngại khi đến nơi công cộng, đặc biệt trong không gian phòng kín.

Theo đại diện của các đơn vị này, kịch Tết vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân TP.HCM. Với nghệ sĩ, ai cũng mong chờ để mang lại niềm vui cho khán giả ngày đầu năm. Do vậy, Thế giới Trẻ và Phú Nhuận chưa biết trước tương lai nhưng đều chuẩn bị sẵn nội dung kịch để tình hình dịch ổn định, sân khấu có thể đón khách.

Diễn viên nhớ sân khấu

NSND Hồng Vân cho biết học trò, diễn viên của sân khấu Phú Nhuận đều bày tỏ nỗi nhớ nghề và sân khấu.

"Các em tham gia phim truyền hình, game show để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Sân khấu không nuôi được các em nhưng ai từng đứng trên sàn diễn đều coi đó như thánh đường. Thỉnh thoảng, nhận tin nhắn của các em về sân khấu khiến tôi nghẹn lòng", nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Đạo diễn Ngọc Hùng tâm sự 7 tháng đóng cửa sân khấu, mỗi người mỗi ngả nhưng ai cũng nhớ sàn diễn, những buổi tập thâu đêm. "Trước đây, vào thời điểm này, các diễn viên thường tập vở lúc 0h-2h sáng. Ai cũng mệt và đuối nhưng hiện tại, mọi người mong có cảm giác ấy cũng khó được", anh bày tỏ.

NSƯT Mỹ Uyên có chung lo lắng về thời gian mở lại sân khấu. Trước thời điểm dịch bùng phát, nữ nghệ sĩ đã cầm cố nhà, vay 800 triệu đồng, đầu tư dựng vở mới. Do đó, áp lực trả nợ đeo đuổi cô suốt thời gian qua.

Với Mỹ Uyên áp lực mở cửa sân khấu không quan trọng bằng sức khỏe của diễn viên, nhân viên nhà hát. Trước đó, một số nhân sự của sân khấu 5B đã mắc Covid-19.

Khác với Mỹ Uyên, sân khấu Thế giới Trẻ và Phú Nhuận không bị đối diện với khó khăn tài chính. Trong khi Phú Nhuận thuê địa điểm của nhà văn hóa quận theo ngày nên nếu không diễn, họ không phải trả chi phí mặt bằng.

Thế giới Trẻ lại nằm trong khuôn viên của Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Do đó, khi sân khấu đóng cửa, công ty Giải trí Sài Gòn phẳng không bị áp lực tài chính về mặt bằng. Hơn cả sự khó khăn, ông bầu, bà bầu của sân khấu đều mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát và sân khấu sẽ mở cửa.

Diễn viên Minh Dự tâm sự anh nhớ sân khấu, nhớ tiếng vỗ tay và tiếng cười của khán giả. Anh cảm thấy biết ơn sàn diễn vì nhờ nơi này, khả năng diễn xuất của mình tiến bộ hơn. Trong thời gian sân khấu tạm ngưng, anh làm các chương trình trực tuyến, viết sách. Mới đây, anh ra mắt tập thơ và tản văn thứ hai.

Tìm một công việc khác cũng là cách làm của hầu hết diễn viên sân khấu. "Các bạn trẻ đều năng động, tự tìm cơ hội, thu nhập cho mình. Có thể nói hiện tại, diễn viên tỏa đi các ngả làm việc nhưng khi sân khấu sáng đèn, họ sẽ trở về", Ngọc Hùng nói.

Tin cùng chuyên mục

Một cảnh trong phim “Một điều ước”. (Ảnh minh họa. Nguồn: Nhà sản xuất)

Điện ảnh Việt rất cần những tác phẩm nhân văn

(PLVN) - Giữa thị trường điện ảnh rộng lớn, chủ đề ngày một phong phú, những bộ phim điện ảnh mang tinh thần nhân văn, lay động cảm xúc tích cực, mang theo giá trị “chân - thiện - mỹ” vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu, chinh phục trái tim khán giả.

Đọc thêm

Thái Bình: Đặc sắc lễ hội đền Đồng Xâm năm 2024

Thái Bình: Đặc sắc lễ hội đền Đồng Xâm năm 2024
(PLVN) - Sáng ngày 8/5/2024 (tức ngày 1/4 âm lịch), Lễ hội đền Đồng Xâm năm 2024 được khai mạc long trọng tại đền Đồng Xâm - Khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Lễ khai mạc thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân đến tham gia.

Hà Nội: Không gian sáng tạo nghệ thuật hướng tới công nghiệp văn hóa

Hà Nội: Không gian sáng tạo nghệ thuật hướng tới công nghiệp văn hóa
(PLVN) - Giữa lòng Hà Nội, các nhà sáng tạo đã gửi gắm tình yêu qua những không gian nghệ thuật, gắn với di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, thân thiện môi trường. Các thiết kế đã phát huy truyền thống lịch sử văn hóa đất Kinh kỳ ngàn năm, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Rưng rưng với 'Kí họa trong chiến hào'

Rưng rưng với “Kí họa trong chiến hào”. (Ảnh: G. Ngọc)
(PLVN) - “Kí họa trong chiến hào” là nhật kí của họa sĩ Phạm Thanh Tâm (1932-2019) được ông viết khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách phóng viên chiến trường báo Quyết Thắng, tờ báo của Đại đoàn pháo binh 351.