Năm hết, Tết đến. Giá cả tiêu dùng ngày càng leo thang tỉ lệ nghịch với đồng lương còm cõi. Lo Tết, không chỉ có các cô vợ mà ngay cả các ông chồng cũng thấy... “toát mồ hôi” trong tiết trời lạnh giá.
“Về thì dở mà ở chẳng xong”
“Con ơi, Tết này về nhà nhớ mua cho bố mẹ bộ chăn ga gối đệm loại dày nhé. À mà này, con đừng quên xách về luôn cái máy sưởi để bố mẹ ngủ cho ngon...”. Trước lời “căn dặn” của bố, anh Hùng mệt mỏi đặt máy điện thoại xuống bàn, lòng không khỏi lo lắng.
Lo Tết... |
Vợ chồng anh Hùng quê ở ngoại tỉnh. Cả hai cùng làm việc tại Hà Nội. Lấy nhau, vợ chồng chị phải đi thuê nhà để ở. Công việc của cả hai khá ổn định với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy, ở Hà Nội mọi thứ đắt đỏ, hai vợ chồng dùng để nuôi một đứa con nhỏ, thuê nhà, thuê người trông trẻ cộng tiền sinh hoạt, hiếu hỉ cũng vừa đủ, khéo chi tiêu lắm cũng chỉ để ra được 1-1,5 triệu đồng/tháng phòng đau ốm.
Ấy vậy mà ở quê, bố, mẹ và các em chồng đều coi: “Anh trưởng làm ở Hà Nội, chục triệu một tháng, nhiều thế thì tiêu gì cho hết. Làm một tháng bằng người ta ăn cả năm”. Và cứ vin vào cớ đó, bố mẹ luôn bảo với các em của anh: “Chúng mày cần gì thì cứ điện thoại bảo anh trưởng sẽ mua cho”. Và để “làm gương”, cứ một tháng đôi lần, bố mẹ anh lại gọi điện cho con trai trưởng và con dâu gửi tiền về “để trang trải gia đình”. Ban đầu số tiền ấy chỉ một vài trăm, sau tăng lên tiền triệu.
Không chỉ vậy, bố anh còn gọi điện, khi thì “mua hộ cho bố mẹ chiếc ti vi 21 inh”, lúc lại “sắm giúp cho bố mẹ bộ bàn ghế mới để Tết tiếp khách cho sang trọng, lịch sự”. Và sau khi anh chị thực hiện những lời “nhờ” ấy, không bao giờ bố anh gửi lại tiền.
Vợ chồng anh Hùng vốn sống chu đáo và hiếu nghĩa nên đều cố đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của bố mẹ ở quê, ngay cả khi nhà không còn tiền. Bởi anh chị nghĩ bố mẹ nuôi nấng mình, bây giờ kiếm chút tiền gửi về biếu là chuyện đương nhiên. Có lần cu Bi đi viện, anh chị phải chạy vạy đi vay tiền để chữa trị cho con. Không muốn cho bố mẹ lo lắng, anh chị đều giấu những khó khăn ấy.
5 năm cưới nhau, anh chị sắm sửa cho gia đình bên nội khá nhiều đồ đạc, vật dụng trong nhà và gửi tiền hỗ trợ các em ăn học. Trong khi đó, anh Hùng không dám chi tiêu cho bản thân, ăn uống đạm bạc. Ngay cả đồ đạc trong gia đình anh chị như giường, tủ, nồi niêu, hầu hết đều là đồ cũ, xin lại từ người bạn học. Mẹ anh lên lên thăm con, chẳng những không thương cảm mà còn đi nói với hàng xóm: “Ôi dào, vợ chồng nó giả nghèo giả khổ, tiền đầy tủ đấy!”.
Những ngày cuối năm, vợ chồng anh Hùng đang bù đầu hoàn tất công việc cơ quan thì nhận được lời nhắn của bố: “Anh là con trưởng nên phải có trách nhiệm xây mồ mả cho các cụ, sắm sửa đón Tết cho đàng hoàng. Nếu không muốn bỏ tiền thì đừng về quê!”. Vậy là tính sơ sơ, anh chị phải bỏ ra hơn chục triệu đồng. Số tiền ấy, anh chị biết lấy đâu ra, mà đi vay của ai bây giờ? Nước mắt anh Hùng chảy ngược vào trong. Vợ chồng anh Hùng đã sống đúng đạo làm con mà sao bố mẹ lại đẩy anh chị vào tình thế “về thì dở mà ở chẳng xong”.
“Khóc dở mếu dở” khi về quê vợ
Cũng trong tình cảnh “khóc dở mếu dở” như anh Hùng là trường hợp của Hiếu. Hiếu mới lấy vợ. Quê của Hiếu ở tận trong Tây Nguyên, còn quê vợ ở ngay Hà Nam. Đường xá xa xôi, nên đôi vợ chồng trẻ bàn nhau về quê vợ ăn Tết. Rể mới, tuy đồng lương làm nhân viên máy tính chỉ được vài triệu đồng mỗi tháng, nhưng chẳng gì cũng làm ở Hà Nội về, Hiếu đã chuẩn bị quà Tết cho “ông bà nhạc” khá “hoành tráng” và... vay thêm bạn bè 5 triệu đồng “dắt lưng”.
Thấy con gái, con rể ở tận... “trung ương” về, “ông bà nhạc” mừng lắm, đi khoe khắp làng. Chẳng hiểu mẹ vợ “quảng cáo” con rể thế nào mà Hiếu đi tới đâu mọi người cũng chỉ chỏ bảo... “đại gia về làng”.
Ngay tối hôm vợ chồng Hiếu có mặt ở quê, họ hàng, làng xóm đến chơi chật nhà. Chẳng lẽ, mọi người tới chơi mà một năm mới về một lần lại không có quà biếu họ thì “muối mặt” quá. Nghĩ vậy, Hiếu vào phòng móc ví, nháy vợ mua hơn hai chục gói bánh Chocopie và một mớ kẹo cà phê sữa về làm quà. Nhận quà, ai nấy hoan hỉ khen: “Người thành phố về làng, lịch sự quá!”.
“Sự kiện” ấy khiến cho ví của chàng rể nhân viên máy tính hao hụt một góc. Tết đã tới. Ngày mùng 1, rể mới không thể không lì xì chúc thọ cho ông bà, bố mẹ vợ và lì xì chúc Tết vài đứa cháu trong nhà. Vì nghĩ toàn người ruột thịt của vợ nên Hiếu không nề hà nhét vào mỗi phong bao... 50.000 đồng. Nhận được lì xì, các cháu vợ đi khoe khắp nơi và kéo theo hơn chục đứa tới trước mặt Hiếu giới thiệu là họ hàng. Báo hại cho chàng rể mới là “phát sinh” thêm hơn chục bao lì xì nữa. Hiếu nhét 20.000 đồng vào mỗi phong bao nhưng rồi đám cháu giẫy nẩy, khóc lóc bảo “bên trọng, bên khinh”. Mùng 1 sợ dông, chẳng còn cách nào khác, Hiếu đành móc ví bù thêm chỗ thiếu.
Chưa hoảng hồn bằng chuyện sáng mùng 3 Tết, ông anh vợ của Hiếu rỉ tai em rể bảo thèm một bữa... karaoke ra trò lấy hên đầu năm. Để “xôm trò”, ông anh vợ kéo năm, bảy “ông bạn vàng” của mình đi cùng. Sau vài tiếng hát hò, ăn uống bù khú, cùng vài “sự kiện” phát sinh hôm trước, số tiền “còm” vay bạn bè đã tan thành mây khói. Hiếu đang lo lắng, chẳng biết có còn tiền mua vé xe khách cho hai vợ chồng ra Hà Nội hay không.
Trăm mối lo, trăm gánh nặng cho những gia đình công chức ít tiền, đặc biệt là với những người làm Nhà nước, khi mà đồng lương của họ còn hạn chế so với nhu cầu chi tiêu của xã hội. Nhiều người vừa làm vừa lo, chưa Tết đã cất công chạy vạy khắp nơi chỉ mong sao gia đình được vui vẻ, sum họp “cả năm mới có một lần”.
Thùy Dương