Theo đó, nửa đầu tháng 11, kim ngạch xuất nhập cả nước đạt gần 30 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 14,65 tỷ USD.
Trong đó, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu tháng này gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,83 tỷ USD; dệt may đạt 1,29 tỷ USD…
Như vậy, từ đầu năm đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 306 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ, thu hẹp đà giảm hơn so với mức giảm hơn 7% của 10 tháng. Doanh thu xuất khẩu điện thoại đạt 46,2 tỷ USD, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 49 tỷ USD, Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 6,2 tỷ USD, Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 37,2 tỷ USD, Gỗ và sản phẩm gỗ 11,5 tỷ USD, Hàng dệt, may 29 tỷ USD, Giày dép các loại gần 17,4 tỷ USD...
Ở chiều ngược lại, nửa đầu tháng 11, kim ngạch nhập khẩu đạt 14,77 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến 15/11, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 281,6 tỷ USD.
Trong đó, nhóm hàng nhập khẩu lớn, gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 75,6 tỷ USD, Sắt thép các loại: 9 tỷ USD, 6 Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 5,2 tỷ USD, Sản phẩm từ sắt thép 4,62 tỷ USD, Chất dẻo nguyên liệu 8,5 tỷ USD, Sản phẩm từ chất dẻo 6,5 tỷ USD, Ô tô nguyên chiếc các loại 2,55 tỷ USD...
Nửa đầu tháng 11, kim ngạch thương mại thâm hụt hơn 100 triệu USD, nhưng lũy kế đến 15/11, nước ta vẫn xuất siêu tới 24,38 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước. Hàng hoá nhập khẩu tập trung vào các mặt hàng như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng...
Bộ Công Thương cũng lưu ý, hiện nay, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam bởi các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có EU luôn yêu cầu cao và chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường.
Vì vậy, với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bên cạnh việc quan tâm đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ cần nguồn lực lớn về tài chính, nhân sự mà phải có kinh nghiệm và kỹ năng để ứng dụng thành công, đáp ứng theo đúng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Về triển vọng xuất nhập khẩu hàng hóa từ nay đến cuối năm, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu hàng hóa đều đạt hơn 30 tỷ USD/tháng và 4 tháng gần đây đạt tổng kim ngạch 125,76 tỷ USD, tương đương mức bình quân 31,44 tỷ USD/tháng.
Năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.
Dù cán cán cân thương mại tiếp tục cải thiện, nhưng là do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, xuất khẩu vẫn đang đối mặt với sức mua yếu từ các thị trường lớn. Qua gần 11 tháng, các ngành hàng xuất khẩu tạo dấu ấn tăng trưởng có gạo, rau quả, phương tiện vận tải và phụ tùng.
Số liệu thống kê ghi nhận, xuất khẩu 10 tháng của ngành hàng rau quả tăng thêm 2,08 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 1,66 tỷ USD; gạo tăng hơn 1 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 529 triệu USD và hạt điều tăng 405 triệu USD.