[links()] LS.Trương Xuân Tám, ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc – LĐLS Việt Nam
Ls Trường Xuân Tám |
Tình trạng vượt quá thời hạn tạm giam là không hiếm
Tạm giam hiện nay giống như là biện pháp trừng phạt vì nó hạn chế rất nhiều các quyền cơ bản của một công dân. Việc áp dụng biện pháp này lại đang có quá nhiều điều bất cập do đôi khi bị lạm dụng theo chủ quan của cơ quan điều tra theo kiểu “giam vào cho dễ điều tra”, nên tình trạng vượt quá thời hạn tạm giam theo qui định của BLTTHS là không hiếm.
Đến khi Tòa án ra bản án, thì thường mức án chỉ bằng hoặc hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam, chứ không có mức án thấp hơn.
Ông Trần Linh, Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh Nam Định:
Gia hạn tạm giam nhiều lần gây “khó xử” cho Tòa!
Về lý thuyết, theo qui định của BLTTHS, để hoàn thành một qui trình từ khi điều tra, truy tố đến lúc xét xử sơ thẩm thì bị can, bị cáo có thể bị tạm giam tối đa từ 363 ngày đến 1.008 ngày tùy mức độ phạm tội. Thế nhưng, trong nhiều vụ án oan sai, chứng cứ kết tội yếu hoặc có những sai lầm về tố tụng, nếu bị cáo kháng cáo và may mắn được cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại thì qui trình nói trên lại trở về điểm xuất phát ban đầu.
Luật không quy định cụ thể được hủy án để điều tra lại bao nhiêu lần. Chính vì điểm này mà thời hạn tạm giam có thể bị kéo dài vô thời hạn do bị cáo phải chờ điều tra, xét xử lại. Nhiều vụ biết rõ bản chất vụ án là đúng người đúng tội nhưng “dọc đường tố tụng” đã làm rơi rớt nhiều tình tiết không thể khắc phục được khiến chứng cứ buộc tội rất lỏng và yếu, gây “khó xử” cho Tòa án.
Ông Vũ Xuân Long, Phó Chánh án TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội:
Truy nã bị can vị thành niên- trường hợp nào được bắt, tạm giữ, tạm giam?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 83 và điểm a khoản 2 Điều 88 BLTTHS, bị can là người chưa thành niên khi bị bắt theo quyết định truy nã phải bị áp dụng biện pháp tạm giam và khi áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp này, luật cũng không phân biệt họ phạm vào loại tội nào (giống như biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ đối với người bị bắt truy nã nêu trên).
Tuy nhiên, tại khoản 1, khoản 2 Điều 303 BLTTHS lại quy định việc bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên được quy định thành các trường hợp căn cứ vào độ tuổi, lỗi và loại tội mà họ thực hiện. Có nghĩa là người chưa thành niên có thể bị bắt tạm giữ, tạm giam khi có đủ căn cứ quy định tại Điều 80, 81, 82, 88, 120 BLTTHS nhưng chỉ trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đối với bị can là người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi và chỉ trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Sự xung đột trong các quy định pháp luật đó dẫn đến một thực tế: trường hợp nào bị can vị thành niên truy nã bị bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ.
Ông Khuất Văn Nga, Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC:
Quy định về tạm giam, tạm giữ đang bị áp dụng tùy tiện!
Theo điều 88 BLTTHS quy định về căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo thì tạm giam không phải là biện pháp bắt buộc. Theo đó, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS qui định hình phạt tù trên 2 năm khi có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Như vậy, pháp luật đã mở ra khả năng để các cơ quan tố tụng linh hoạt, tùy nghi áp dụng hay không áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo. Vì lẽ đó, nhiều trường hợp người có thẩm quyền đã lạm dụng quy định mở này để áp dụng tùy tiện; thực tế đã xảy ra trường hợp không đáng phải tạm giam thì cứ tống “vào kho”, ngược lại trường hợp lẽ ra phải giam thì vẫn cho tại ngoại.
Cái sự linh hoạt hay là tùy tiện ấy, trên hết tùy thuộc rất lớn vào sự cân nhắc và ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng. Người công minh chính trực và có tâm thì sẽ thấu hiểu được nỗi thống khổ "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" của bị can, bị cáo - những người chưa bị xem là có tội - để trường hợp nào nếu còn băn khoăn giữa áp dụng tạm giam và tại ngoại thì nên cân nhắc cho họ tại ngoại. Đó mới là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của pháp luật.
Quỳnh Lưu (ghi)