Các ngân hàng Việt Nam rục rịch tiếp cận IFRS 9

(PLVN) - Mặc dù còn 6 năm nữa mới bắt buộc phải chuyển đổi sang Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS 9 nhưng theo các chuyên gia, cột mốc 2025 sẽ là một thách thức lớn đối với các ngân hàng Việt Nam nếu họ không bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ…
Nhiều ngân hàng quan tâm đến IFRS 9. (Ảnh minh họa)
Nhiều ngân hàng quan tâm đến IFRS 9. (Ảnh minh họa)

Hướng tới chuẩn mực quốc tế…

Theo ông Trần Hồng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán kiêm Lãnh đạo mảng dịch vụ IFRS tại PwC Việt Nam, IFRS 9 sẽ có tác động sâu hơn và rộng hơn lên các ngân hàng (NH) trên nhiều khía cạnh, từ lợi nhuận đến quy trình quản lý rủi ro và hệ thống công nghệ thông tin...

IFRS 9 thay đổi cách phân loại và đo lường tài sản tài chính và bao gồm các hướng dẫn mới về kế toán phòng ngừa rủi ro. Hơn nữa, mô hình tổn thất tín dụng trong IFRS 9 yêu cầu các NH phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai (mô hình tổn thất tín dụng dự kiến - ECL), thay vì chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh. Sự thay đổi này được cho là có tác động đáng kể nhất đối với các tổ chức tài chính.

“IFRS 9 sẽ thay đổi cách các NH trích lập dự phòng cho các tài sản tài chính của mình. Các NH nên lường trước các biến động về chi phí dự phòng, ngay sau khi áp dụng IFRS 9, mức dự phòng có thể sẽ cao hơn. Thực tế, mức độ ảnh hưởng lên các NH sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự kết hợp danh mục của NH, hồ sơ rủi ro của người vay, mức độ vững chắc của các mô hình tổn thất tín dụng dự kiến...” bà Stefanie Tang, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Tài chính tại PwC Malaysia nhận xét.

Bà Stefanie Tang  cũng cho biết, nhận thức được tính phức tạp của IFRS 9, hầu hết các NH trong khu vực, bao gồm cả ở Malaysia, đã bắt đầu triển khai dự án thực hiện IFRS 9 ít nhất một năm trước ngày chuẩn mực này có hiệu lực (1/1/2018). “Giờ đây, trọng tâm của các NH khu vực đã chuyển từ các khía cạnh định lượng sang định tính, bao gồm nâng cấp mô hình, quy trình quản trị mô hình và giám sát mô hình. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang IFRS 9 diễn ra suôn sẻ, các NH Việt Nam nên lên kế hoạch sớm và cân nhắc việc lập báo cáo song song theo hai chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế để tránh các cú sốc khi áp dụng IFRS 9 chính thức...”- Bà Stefanie Tang  đưa ra lời khuyên. 

Theo ông Sheldon Goh, Lãnh đạo Phòng Giải pháp Quản lý Rủi ro tại SAS - Khu vực ASEAN, tính đến nay, IFRS 9 là một trong những thay đổi phức tạp nhất mà các tổ chức tài chính đã triển khai trong thập kỷ qua. “Việc áp dụng IFRS 9 đi liền với những thay đổi về mô hình rủi ro tín dụng, tăng cường quản trị và kiểm soát quy trình kế toán, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn giữa chức năng rủi ro và tài chính. Tuy nhiên, giá trị mà IFRS 9 đem lại vượt xa chi phí triển khai, vì tính minh bạch và khả năng phục hồi của các tổ chức tài chính sẽ được cải thiện nhận định…”- ông Sheldon Goh khẳng định.

Nhiều ngân hàng Việt Nam quan tâm

Theo dự thảo lộ trình IFRS do Bộ Tài chính công bố tháng 3/2019, từ sau năm 2025 trở đi việc áp dụng IFRS là bắt buộc đối với báo cáo tài chính hợp nhất của tất cả các công ty niêm yết, các công ty đại chúng có quy mô lớn chưa niêm yết và các công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước. 

Theo các chuyên gia, mặc dù còn 6 năm nữa nhưng cột mốc 2025 sẽ là một thách thức lớn đối với các NH Việt Nam nếu họ không bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ.

“Đối với chuẩn mực IFRS 9 - Công cụ tài chính, các tổ chức tài chính sẽ cần đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực để đánh giá tác động (cả tác động tài chính và tác động vào hoạt động), chuẩn bị khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực, lập các đề xuất thay đổi với sự bảo trợ của các bên liên quan và thực thi các dự án triển khai. Đây là bài học kinh nghiệm từ quá trình chúng tôi tư vấn triển khai IFRS 9 tại các quốc gia khác...” - ông Trần Hồng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán kiêm Lãnh đạo mảng dịch vụ IFRS tại PwC Việt Nam chia sẻ.

Nhiều NH Việt Nam đã rục rịch tiếp cận IFRS 9 để vạch ra lộ trình triển khai. Một chương trình đào tạo về IFRS 9 do Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia đến từ PwC và SAS đã thu hút hơn 120 lãnh đạo và đại diện đến từ các bộ phận quản lý rủi ro, kế toán và tài chính của các NH thương mại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo của VNBA nhận định, việc triển khai IFRS 9 là cần thiết để các NH Việt Nam có thể củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cạnh tranh trên sân chơi quốc tế. “Trên thực tế, ngày càng có nhiều NH tại Việt Nam đưa IFRS 9 vào chiến lược chuyển đổi của mình. Đối với các NH chưa làm điều này, giờ đây là lúc để bắt đầu. Nếu chậm trễ hơn, họ sẽ khó có thể ứng phó một cách hiệu quả và kịp thời trước những tác động lên báo cáo tài chính, hệ thống, quy trình và các hoạt động kiểm soát mà IFRS 9 tạo ra…”- Ông Sơn cho hay…

Đọc thêm

Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế

 Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế
(PLVN) - Bộ Tài chính sẽ xây dựng nghị định quy định chi tiết về phạm vi trách nhiệm và cách thức các nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên sàn của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.