PV: Các khóa học làm giàu ở Việt Nam đang được mở rầm rộ với những chiêu quảng cáo thu hút học viên kiểu: làm giàu không cần làm, làm giàu cả khi đang ngủ, kiếm hàng trăm triệu/tháng. Anh nghĩ gì về điều này?
Trần Đăng Khoa: Nhìn từ những thông tin quảng cáo về khóa học, một điểm chung tôi nhìn thấy ở nhiều khóa học làm giàu đó là có vẻ người ta nhấn mạnh vào vế "giàu" nhiều hơn là vế "làm". Điều này về mặt quảng cáo có thể hiệu quả cho đơn vị tổ chức, nhưng để công bằng hơn cho người học, chúng ta cần vế "làm" được nhắc đến nhiều hơn.Trên thực tế, chúng ta có thể kiếm tiền mà không cần làm (gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi), kiếm tiền khi đang ngủ (nhận phí bản quyền tác phẩm của mình), kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng cũng không phải là chuyện không thể. Tuy nhiên, để kiếm tiền hoặc có thu nhập như vậy, đòi hỏi trước đó phải có một quá trình "làm" đầy thử thách.
Bất kể khóa học làm giàu nào, khi càng đi xa khỏi vế "làm" và càng nhấn mạnh vế "giàu" cùng với việc thêm thắt các gia vị "nhanh", "dễ dàng", "không cần làm",... đều có thể nói là đã đi vào vùng xám của kinh doanh. Nếu không có sự tiết chế thì có thể chưa sai pháp luật nhưng vấn đề đạo đức kinh doanh và lương tâm của người làm đào tạo thì rất đáng quan ngại.
Tư duy của người người làm giàu thực thụ phải là tư duy đầu tư, trong đó muốn giàu thì trước hết phải biết đầu tư vào kiến thức. Nhưng nếu bỏ tiền để mua những lời hứa "nhanh", "dễ dàng", "không cần làm",... thì đó là khi mỗi người phải suy nghĩ kỹ lại, đấy không phải là tư duy của người làm giàu mà là tư duy của người mơ giàu, thích giàu!
PV: Vì sao các khóa học làm giàu lại có sức thu hút như vậy?
Trần Đăng Khoa: Như tôi đã phân tích ở trên, sức hút lớn nhất nằm ở vế "giàu" còn vế "làm" là một trở lực đối với mọi người. Cho nên, khi những chương trình "làm giàu" cố tình đề cao vế "giàu" đồng thời làm giảm thiểu vế "làm" thì sức hút lại càng lớn hơn khi không hề có một trở lực để cân bằng, khiến cho bất kỳ ai chỉ cần thiếu tỉnh táo một chút có thể quyết định tham gia mà không nhìn thấy những thách thức sau đó của phần "làm".
Chưa kể một số khóa học làm giàu không những chỉ làm mờ vế "làm", đồng thời làm nổi vế "giàu", mà còn thêm gia vị "nhanh", "dễ",... vào thì lại càng hấp dẫn hơn nữa.
Trần Đăng Khoa - một diễn giả trẻ rất được yêu mến. Ảnh: NVCC |
PV: Học viên trong các khóa học này chủ yếu là những người trẻ, sinh viên, học sinh, người mới ra trường đi làm, người thất nghiệp. Quan điểm của anh về đam mê làm giàu của giới trẻ Việt Nam.
Trần Đăng Khoa: Đây là một câu hỏi khó trả lời. Hơn bất kỳ một đất nước nào trên thế giới, Việt Nam chúng ta cần giàu mạnh và hùng cường hơn. Chúng ta cần những những con người khao khát LÀM giàu thật sự. Nhưng nếu đa số mọi người lao vào những khóa làm giàu vì những lời hứa hẹn "nhanh", "dễ dàng", "không cần làm",... thì thật sự rất đáng lo ngại, bởi vì như thế nghĩa là đa số chỉ đam mê "giàu" chứ không đam mê "làm". Mà nếu không đam mê "làm" thì cái "giàu" sẽ không bao giờ đến. Trong từ "làm giàu", "làm" luôn đi trước "giàu" là thế.
PV: Anh nghĩ như thế nào về việc các học viên này sẵn sàng bỏ ra chục triệu đồng để mua một công thức làm giàu áp dụng cho hàng nghìn người, thậm chí hàng triệu người?
Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ mỗi người có quyền tiêu tiền của mình theo cách của họ muốn. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ là trước khi tiêu tiền, chúng ta nên tìm hiểu kỹ thông tin và hiểu biết về tâm lý. Chiêu thức lừa đảo hiệu quả nhất từ ngàn xưa đến nay và cả tương lai đó là đánh vào lòng tham và sự lười biếng. Cho nên, khi chúng ta thấy lòng tham và sự lười biếng của mình bị kích thích, đó là lúc chúng ta cần phải có sự suy nghĩ cẩn trọng để tránh bị lừa.
PV: Anh đánh giá như thế nào về tài thuyết trình, lôi kéo người nghe của các chuyên gia "diễn viên thao giảng" này? Một vài đề xuất để hạn chế các khóa học kiểu này.
Trần Đăng Khoa: Tôi chẳng bảo giờ nghe họ quá 5 phút thành ra sẽ không công bằng cho họ khi đánh giá họ. Hơn nữa, tôi cũng không có ý định tham gia các khóa học dạy làm giàu này nên càng không có gì để đánh giá hay nhận xét về họ.
Ở đâu có cầu thì ở đó có cung. Để hạn chế bớt chúng ta cần có một lớp người hiểu biết, khao khát làm giàu, sẵn sàng học làm giàu, nhưng đòi hỏi cái "làm" thực sự. Chỉ khi như vậy, những khóa học làm giàu nhanh, dễ mới không có đất để sống. Thay vào đó, những khóa học làm giàu thật sự có giá trị cho xã hội, cho cộng đồng sẽ dần dần phát triển theo đúng quy luật, có cầu thì sẽ có cung. Bản thân tôi dù đã có đời sống kinh tế ổn, nhưng cũng rất thích học để làm giàu hơn nữa, nhưng tôi muốn học LÀM.
PV: Theo tìm hiểu, anh Khoa đã có một dự án làm giàu mang tên Làm Giàu Bền Vững tuy nhiên qua 5 năm rồi dự án vẫn chưa được khởi động chính thức?
Trần Đăng Khoa: Đúng vậy, dự án này đã được ấp ủ gần 5 năm, dự kiến bao gồm một quyển sách, một khóa học và một bộ công cụ làm giàu, nhưng tới bây giờ vẫn chưa ra mắt được vì nhiều lý do. Bản thân tôi thấy mình còn quá trẻ, quá non kinh nghiệm, thành tích làm giàu cũng chưa phải là lớn. Nội dung sách và khóa học tôi muốn xây dựng phải gần gũi, thực tế với đời sống, xã hội Việt Nam.
Chính vì vậy, dự án Làm Giàu Bền Vững nhiều khả năng sẽ trễ hẹn với những bạn đang mong chờ nó. Năm 2013 tôi hứa với mọi người là năm 2015 sẽ có. Nhưng tôi vẫn cảm thấy có nhiều thứ cần phải làm với chất lượng cao hơn nữa và tôi cần thêm thời gian cho chất lượng.
Xin cám ơn anh!
Trần Đăng Khoa (sinh năm 1981) là một doanh nhân trẻ thành đạt, một diễn giả được công chúng ủng hộ và một dịch giả – tác giả sách được nhiều người yêu quý. Chỉ mới quay về Việt Nam từ năm 2010 sau gần 10 năm học tập và làm việc tại Singapore, nhưng những quyển sách, những buổi hội thảo và những khóa học của anh đã tạo nên nhiều ảnh hưởng tích cực mạnh mẽ đến hàng trăm nghìn người. Anh được yêu mến nhờ ý chí cũng như khát vọng vươn lên không ngừng từ sự kém cỏi, nghèo khó và hai bàn tay trắng. Chính vì thế, những đóng góp thiết thực của anh cho đất nước đã và đang ngày càng được xã hội công nhận rộng rãi.