Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 10 tháng năm 2022 đạt gần 20,8 tỷ USD (chiếm khoảng 6,6% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng hơn 17%). Trong đó, riêng khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 15,4 tỷ USD.
Tạo thêm cơ hội
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA với nhiều quốc gia trên thế giới và đã có hiệu lực. Các FTA được xem là “cứu cánh” cho xuất khẩu trong đại dịch COVID-19 vì giúp cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng như Đồng Nai giữ mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, tăng hơn 17% và riêng Đồng Nai tăng gần 19%.
Trong đó, có 3 FTA có phạm vi cam kết rộng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia, giá trị đóng góp vào GDP và thương mại toàn cầu gần 15%. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có 15 nước thành viên, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Ký kết các FTA giúp cho Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng trên thế giới mới được hình thành. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây và chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. FTA không chỉ góp phần thúc đẩy giao thương của Việt Nam với các nước cùng tham gia hiệp định tăng cao mà còn giúp cho thu hút đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng ấn tượng”.
Đồng Nai được đánh giá là nơi các DN tận dụng cơ hội từ FTA khá nhanh và hiệu quả. Xuất khẩu, xuất siêu của tỉnh gần 8 năm qua liên tục tăng là do các DN đã mở rộng xuất khẩu vào các nước cùng tham gia hiệp định đã có hiệu lực để hưởng các ưu đãi từ thuế quan.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh cho hay: “Những năm qua, Đồng Nai thường xuyên tổ chức các hội thảo về các FTA Việt Nam đã và sắp ký kết để DN có thêm thông tin chuẩn bị trước, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh với từng ngành hàng cho phù hợp. Như vậy khi các FTA có hiệu lực, DN có thể hưởng ngay được những ưu đãi về thuế quan, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu”.
Góp phần tăng thu hút đầu tư
Với 15 FTA đã ký kết, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tham gia vào hội nhập sâu. Do đó, ngoài lợi thế có thể mở rộng sản xuất, xuất khẩu thì tăng sức hút với dòng vốn FDI.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: “Đầu tư của FDI vào Việt Nam những năm gần đây gia tăng mạnh, nhất là khu vực Đông Nam Bộ. Đến nay, có gần 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta hơn 35 ngàn dự án trên các lĩnh vực với tổng vốn đăng ký 435 tỷ USD. Các FTA góp phần thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam những năm gần đây nhiều hơn, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng, phát triển kinh tế của Việt Nam”.
Hầu hết, các hiệp hội DN đều có chung nhận định, mở cửa tham gia hội nhập sâu, nhanh đã giúp cho Việt Nam giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao trong và sau đại dịch COVID-19. Dự kiến năm 2022, GDP của Việt Nam sẽ tăng 8%, cao hơn mục tiêu đề ra. Tại Đồng Nai, kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong 10 tháng của năm 2022, GRDP tăng hơn 8%, cao hơn bình quân chung của cả nước và thu hút đầu tư FDI gần 1 tỷ USD.
Xuất khẩu của 2 tháng cuối năm nay gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, các DN vẫn đang tận dụng hết các cơ hội từ những FTA mở thêm thị trường tiêu thụ sang các nước thành viên khác mà lâu nay DN chưa chú trọng khai thác sâu. Đơn cử, trong 27 nước thuộc EU thì các DN Đồng Nai chủ yếu giao thương với 5-6 nước, còn lại hơn 20 quốc gia khác giao thương còn rất ít. Tương tự, trong khối CPTPP và RCEP cũng còn nhiều quốc gia mà DN Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa vào rất ít.