Các dự án cao tốc hoàn thành năm 2025: Không để xảy ra tình trạng mặt bằng chờ vật liệu

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh. (Ảnh: Tạ Hải)
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh. (Ảnh: Tạ Hải)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc hoàn thành năm 2025.

Gần 1.200km trong kế hoạch

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tại Phiên họp lần thứ 13 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT (BCĐ), Bộ GTVT đã báo cáo về tình hình triển khai các dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025.

Tổng chiều dài cao tốc khoảng 1.172km, trong đó 1.104km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025 và 68km theo kế hoạch hoàn thành năm 2026, có thể rút ngắn tiến độ để hoàn thành vào 2025. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất bổ sung dự án thành phần (DATP) 2, dự án Cao Lãnh - An Hữu dài 16km vào danh mục dự án hoàn thành năm 2025.

Đến nay, có 28 dự án/DATP (16 dự án do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản, 12 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản) dự kiến hoàn thành trong năm 2025, được chia làm 3 nhóm.

Nhóm 1 gồm 13 dự án/DATP hoàn thành năm 2025 (736km) cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhóm 2 gồm 9 dự án/DATP cần tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), nguồn vật liệu xây dựng, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025 (300km).

Trong đó, công tác GPMB tại các dự án Hòa Liên - Túy Loan, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua Khánh Hòa chưa đáp ứng yêu cầu. Dự án vành đai 3 TP HCM và Cần Thơ - Cà Mau nguồn vật liệu cát đắp còn gặp nhiều khó khăn, khối lượng khai thác chưa đáp ứng tiến độ thi công. Dự án Hòa Liên - Túy Loan, Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Hà Giang còn thiếu nguồn cung cấp đá.

Nhóm 3 gồm 6 dự án/DATP và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 152km có kế hoạch hoàn thành năm 2025. Cục Quản lý đầu tư xây dựng đánh giá "các dự án này phải rất nỗ lực mới có thể hoàn thành".

Hiện nay nguồn vật liệu cho các dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP HCM chưa được tháo gỡ, nếu không giải quyết dứt điểm để khai thác trong tháng 10/2024 sẽ khó hoàn thành trong năm 2025.

Gói thầu J3-1 dự án Bến Lức - Long Thành (cầu Phước Khánh) do phải chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền về nguồn vốn DN tự thu xếp nên chưa thể lựa chọn nhà thầu, rất khó hoàn thành đúng tiến độ.

Địa phương chủ động tìm kiếm các nguồn vật liệu để bảo đảm tiến độ

Đánh giá cao sự nỗ lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQL) và các địa phương trong xử lý vướng mắc mặt bằng, vật liệu, nghiên cứu giải pháp tối ưu thời gian thi công các dự án, tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận một số dự án vẫn chưa đáp ứng được tiến độ kỳ vọng.

"Chủ đầu tư, BQL, các địa phương phải chia sẻ trách nhiệm, nâng cao tinh thần, trách nhiệm ở mức cao nhất, nhận diện khó khăn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền tháo gỡ khó khăn. Phần việc nào của địa phương, địa phương phải chủ động. Công việc nào của Bộ GTVT, Bộ sẽ xắn tay tháo gỡ ngay lập tức, sớm nhất có thể", ông Thắng nói.

Ông Thắng yêu cầu các BQL phối hợp các địa phương hoàn thành công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện ngay các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, tăng cường các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các đoạn tuyến vướng rừng tại dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn Vũng Áng - Bùng, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Vân Phong - Nha Trang.

Với các DATP thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có kế hoạch về đích dịp 30/4/2025 cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ. Trong đó, toàn bộ công tác nền đường, công trình cầu, hầm phải hoàn thành trước 31/12/2024 để tổ chức thi công mặt đường và hệ thống an toàn giao thông.

Các dự án còn lại cần xử lý nền đất yếu, thi công hầm, cầu lớn để bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông, đảm bảo khi tuyến cao tốc vào khai thác, hệ thống giao thông thông minh hoạt động đồng thời.

Với khó khăn về vật liệu xây dựng, ông Thắng yêu cầu tính toán nguồn vật liệu song song với tháo gỡ mặt bằng, không để xảy ra tình trạng mặt bằng chờ vật liệu, đặc biệt với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

"Chủ đầu tư, nhà thầu phải có giải pháp cụ thể. Ngay cả khi tính đến dùng đá thay cát trong thi công nền thì vẫn phải nỗ lực làm thủ tục nâng công suất các mỏ cát, duy trì nguồn vật liệu liên tục phải thi công. Chủ đầu tư phải tính toán kỹ, trong bối cảnh vật liệu không đảm bảo, thời gian gia tải kéo dài thêm, tức là thời gian thi công ngắn lại, khi tổ chức thi công móng mặt đồng loạt, nhà thầu có đảm bảo được thiết bị, con người không? Có đủ điều kiện để máy móc dàn trải ra làm không. Phải hoạch định những đoạn tuyến thi công cuốn chiếu, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện các công đoạn cuối cùng", ông Thắng lưu ý.

Ông Thắng cũng đề nghị TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương chủ động làm việc với các địa phương có mỏ để xác định nguồn vật liệu đắp, chỉ đạo các nhà thầu triển khai khai thác đáp ứng tiến độ; chủ động tìm kiếm các nguồn vật liệu (cát nhập khẩu, cát biển) để bảo đảm tiến độ gia tải.

Riêng dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đề nghị tỉnh Tuyên Quang quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bù sản lượng bị chậm. Đồng thời, chủ động trong việc điều chỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản để khơi thông vướng mắc về nguồn đá cho dự án, bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương hoàn thành dự án đúng tiến độ.

3 dự án/DATP nhóm 1 trong kế hoạch hoàn thành 3.000km cao tốc năm 2025 gồm: 10 DATP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa; cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; DATP 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Bến Lức - Long Thành.

9 dự án/DATP nhóm 2 gồm Cần Thơ - Hậu Giang; Hậu Giang - Cà Mau; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Hòa Liên - Túy Loan; DATP 1, 3, 7 Vành đai 3 TP HCM; DATP 1, 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua Hà Giang.

6 dự án/DATP nhóm 3 gồm: DATP 1, 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; DATP 3, 5 Vành đai 3 TP HCM; dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua Tuyên Quang; DATP 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; gói thầu J3-1 khu vực cầu Phước Khánh cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đọc thêm

Dự án sân bay Long Thành: Đề xuất dùng nguồn tiết kiệm làm đường cất hạ cánh thứ 2

Dự án sân bay Long Thành đang được xây dựng. (Ảnh: Thiên Phúc)
(PLVN) - Ngày 15/11, TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đã đề xuất dùng tiền tiết kiệm từ chi phí dự phòng và đấu thầu để xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành. ACV cho rằng nguồn tiết kiệm trong quá trình thực hiện dự án thành phần 3 của dự án góp phần quan trọng trong việc đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Tàu SE7 trật bánh khi qua Hà Tĩnh

Tàu SE7 trật bánh khi qua địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Ảnh: CTV
(PLVN) - Tàu SE7 bị trật bánh khỏi đường ray khi qua địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hành khách đã được di chuyển bằng ô tô đến ga mới để tiếp tục hành trình.

Kiến nghị ngừng gia hạn hoạt động xe điện ở Lâm Đồng

Kiến nghị ngừng gia hạn hoạt động xe điện ở Lâm Đồng
(PLVN) - Hai công ty xe điện hoạt động ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có nhiều vi phạm chiếm tỷ lệ 61,33% trên tổng số đầu xe đang hoạt động trên địa bàn. Công an tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị ngừng gia hạn và cấp mới loại hình xe điện đối với 2 công ty này.

Dự án sân bay Long Thành: Đường cất, hạ cánh dự kiến sẽ vượt tiến độ 3 tháng

Sân bay Long Thành sẽ có thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác ILS/DME đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về hàng không. (Ảnh: Phan Trang)
(PLVN) - TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT về tiến độ triển khai dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.