* Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái: Tập trung hoàn thiện thể chế trong công tác THADS
Trong nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,33% so với nhiệm kỳ trước), thu được số tiền hơn 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước). Công tác theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Về cơ bản, kết quả công tác THADS năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Bộ Tư pháp và các địa phương đã tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm và các vụ việc liên quan đến thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, khoản nợ của các tổ chức tín dụng
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái. |
Công tác THADS trong năm 2021 sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do vậy, toàn Hệ thống sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu THADS được Quốc hội giao. Trong đó, chú trọng tới công tác nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật (THPL) trong lĩnh vực THADS theo hướng có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm.
Cụ thể, cần đề ra các giải pháp mang tính căn cơ sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các văn bản có liên quan; triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành. Tăng cường sự giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các cơ quan truyền thông, báo chí với công tác THADS. Song song với đó, mỗi cán bộ, công chức cơ quan THADS cần đề cao tinh thần, trách nhiệm, mỗi Chấp hành viên phải thực sự trở thành “trọng tài tốt” trong tổ chức thi hành án, giải quyết quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan…
* Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Đỗ Đức Hiển: Chủ động hơn nữa trong phản ứng chính sách
Giai đoạn 2016-2020, Vụ PLHSHC đã luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp, tích cực góp phần thể chế đúng, đầy đủ và kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng thành các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực HSHC và tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực này.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Đỗ Đức Hiển. |
Đặc biệt, năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, Vụ đã đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; hoàn thành một khối lượng lớn công việc tham mưu các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống, liên ngành trong THPL; những vụ việc nóng, bức xúc phát sinh trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, dấu ấn là giúp Bộ đề xuất các vấn đề pháp lý trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Vụ PLHSHC cùng với Bộ, Ngành bước sang thời kỳ chiến lược mới, với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả THPL. Vụ sẽ tiếp tục siết chặt đội ngũ, nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khắc phục những điểm nghẽn hoặc còn trống về mặt thể chế như phân công và kiểm soát quyền lực; kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, nâng cao chất lượng giải trình; bảo đảm thực thi quyền và lợi ích của nhân dân. Đồng thời, Vụ cũng chủ động hơn trong phản ứng chính sách, đóng góp tích cực để Bộ, Ngành Tư pháp là cố vấn tin cậy của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
* Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc: Chuyển đổi số sẽ là những sản phẩm ứng dụng hữu hình thiết thực
Giai đoạn 2016 – 2020 được coi là giai đoạn bản lề của công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được đánh dấu với nhiều kết quả nổi bật, tạo bước chuyển quan trọng cho công tác này. Thể chế trong các lĩnh vực này tiếp tục được hoàn thiện, triển khai và phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế; có trọng tâm, trọng điểm và tập trung hướng về cơ sở, phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là định hướng lấy người dân là trung tâm.
Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc. |
Năm 2021 và nhiệm kỳ mới 2021-2025 là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt với nhiều thời cơ và vận hội mới đối với đất nước, ngành Tư pháp nói chung, đối với các lĩnh vực công tác của Vụ PBGDPL nói riêng. Vì vậy, ngoài định hướng chung, trong từng lĩnh vực công tác sẽ có những định hướng riêng cho cả giai đoạn và phù hợp với từng năm, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hiện thực hóa tối đa các định hướng lớn đã được xác định tại Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, coi đây là cái “nôi”, là kim chỉ nam của mọi hoạt động, tác động lan tỏa và chi phối đến các lĩnh vực công tác khác của toàn đơn vị.
Bên cạnh đó, tập trung giải pháp tạo đột phá, đổi mới tư duy, cách tiếp cận tổ chức công tác này là chuyển đổi số trong PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật, để câu chuyện chuyển đổi số không phải là câu chuyện của quốc gia đại sự, mà sẽ là những sản phẩm ứng dụng hữu hình thiết thực mà các lĩnh vực công tác của đơn vị có thể đóng góp, chung tay thực hiện vì mục tiêu nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật cho cán bộ, Nhân dân.
* Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên: Củng cố các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, vì lợi ích quốc gia, dân tộc
Trong 5 năm qua, HTQT về pháp luật và tư pháp luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, gắn kết với chủ trương hội nhập quốc tế của đất nước, luôn bám sát chủ trương của Đảng về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật và cải cách tư pháp
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Hữu Huyên. |
Trên phạm vi toàn quốc, Bộ, Ngành Tư pháp đã giúp Đảng và Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật và cải cách tư pháp, từ khâu vận động, hình thành, phê duyệt, triển khai đến kiểm tra, giám sát hoạt động này trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo đi đúng quỹ đạo, không chệch hướng.
Trong năm 2020 vừa qua, Bộ đã giúp Đảng và Chính phủ tổng kết 10 năm thi hành Chỉ thị của Ban Bí thư, đề xuất Kết luận của Ban Bí thư cũng như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị với một số yêu cầu mới phù hợp với tình hình. Trong phạm vi Bộ, Ngành, HTQT luôn bám sát Đề án định hướng phát triển quan hệ HTQT của Bộ và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Vụ xác định sẽ tiếp tục giữ vững nguyên tắc, định hướng của Đảng về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và cải cách tư pháp; củng cố các quan hệ đã được thiết lập đi vào chiều sâu, thực chất, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; tiếp tục huy động nguồn hỗ trợ quốc tế phục vụ công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, phù hợp với lợi ích của ta. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin đối ngoại, nâng cao hình ảnh của Bộ, Ngành Tư pháp trước cộng đồng quốc tế; củng cố tổ chức và hoạt động của bộ máy tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về HTQT, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và thực hiện HTQT về pháp luật và cải cách tư pháp.
* Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên: Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật
Là một trong những cơ sở đào tạo luật có uy tín hàng đầu tại Việt Nam, những năm qua, Trường ĐH Luật Hà Nội luôn tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; các chương trình đào tạo các cấp, bậc học của Trường liên tục được rà soát, cập nhật hoặc chỉnh sửa theo hướng phù hợp với yêu cầu người học, chú trọng kiến thức lý luận, đồng thời đảm bảo kỹ năng thực tế đối với người học trong chương trình đào tạo. Ngoài ra, Trường ĐH Luật Hà Nội đang tích cực tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng quy mô đào tạo.
Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên. |
Trong năm 2021, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trường ĐH Luật Hà Nội tập trung triển khai là rà soát lại toàn bộ hệ thống thể chế nội bộ của Nhà trường để tinh chỉnh, hoàn thiện hoặc ban hành mới để Trường đáp ứng được các điều kiện tự chủ đại học.
Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ viên chức quản lý từ cấp bộ môn trở lên đủ về số lượng, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực, phẩm chất, nhiệt huyết, trách nhiệm để thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm của Trường được giao tại Nghị quyết số 54-NQ/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật đến năm 2021, tầm nhìn đến năm 2030, mà trước hết là làm tốt công tác mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể “Xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật TP HCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” ban hành theo Quyết định số 549/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.