Chiều qua - 25/5, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo giới thiệu về Dự án Quản lý, sử dụng tài sản công. Dự án Luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 21/6 tới.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được xây dựng với mục tiêu thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả các loại tài sản công đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.
Tăng tự chủ về tài sản công để giảm bao cấp
Liên quan đến khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) hiện hành thể hiện sự đổi mới một bước trong chế độ quản lý, sử dụng TSNN tại đơn vị SNCL; theo đó, đơn vị SNCL tự chủ tài chính được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN và được sử dụng vào mục đích cho thuê, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết; các đơn vị này phải hạch toán đầy đủ chi phí (khấu hao tài sản cố định, chi phí sử dụng đất...).
Để có thể khai thác nguồn lực từ tài sản công đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội, tạo điều kiện cho các đơn vị vươn lên tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển theo định hướng đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị SNCL của Đảng và Nhà nước, giảm dần sự bao cấp của Nhà nước, Dự thảo Luật tiếp tục cho phép các đơn vị sự nghiệp có khả năng xã hội hóa được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết như Luật Quản lý, sử dụng TSNN hiện hành nhưng không quy định đơn vị phải làm thủ tục để xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN như hiện nay mà tất cả các đơn vị SNCL đều có quyền khai thác tài sản công khi đủ các điều kiện theo quy định.
Riêng đối với SNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì được quyền tự chủ cao hơn về tài sản so với các đơn vị khác. Đây cũng là tiền đề để các đơn vị SNCL dần tiến tới tự chủ, giảm sự bao cấp của Nhà nước đối với đơn vị SNCL.
Bảo toàn và phát triển được vốn, TSNN giao
Để đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết, dự thảo quy định các yêu cầu phải tuân thủ như: Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu về tài sản của Nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn, TSNN giao; sử dụng tài sản đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, việc khai thác tài sản phải được lập thành Đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc sử dụng tài sản vào các mục đích nêu trên phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được hạch toán riêng theo quy định của pháp luật về kế toán và được quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính của đơn vị SNCL.
Trả lời báo chí về số liệu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, liên kết, ông Thịnh cho biết mặc dù Luật Quản lý, sử dụng TSNN năm 2008 đã cho phép các đơn vị SNCL được sử dụng tài sản công vào kinh doanh, liên doanh liên kết, nhưng số lượng chưa nhiều, nguồn thu này tập hợp vào số liệu của đơn vị SNCL vẫn chưa tách được (!?) ”Bộ Tài chính đang xây dựng phương án nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia, chúng tôi đang yêu cầu tách số liệu này ra...” - ông Thịnh cho hay.