Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến gieo trồng cây hàng năm 38.700 ha, tổng sản lượng cây có hạt đạt 198.570 tấn, tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt trên 2.260 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên trong điều kiện, thời tiết được dự báo gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, lượng nước phục vụ tưới, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng gặp khó khăn, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương mở rộng tối đa diện tích trà lúa xuân muộn với các giống chủ lực như: TBR225, Thiên ưu 8, DQ11, ADI28, DT39 Quế Lâm, Sơn Lâm 2, LTH31, thời gian gieo từ ngày 20/01 - 05/02/2020, áp dụng biện pháp làm mạ có che phủ nilon đúng kỹ thuật để chống rét và chim, chuột phá hại.
Đối với trà lúa Xuân sớm, sử dụng các giống lúa dài ngày như: Xi23, X21, NX30…, thời vụ gieo trồng từ ngày 15 - 25/11/2019. Ở cây ngô sử dụng các giống như: NK4300, LVN4, NK6654, ngô nếp,… thời vụ gieo trồng từ ngày 15/01 - 15/02/2020. Cây đậu tương, bố trí trên chân đất cao hạn, khó nước, chuyên trồng rau màu, sử dụng các giống DT84, DT96, ĐT26… gieo từ ngày 05/02 - 20/02/2020. Đối với cây rau và cây hàng năm cần đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường…Đồng thời mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP.
Tại Quảng Bình, Sở NN&PTNT tỉnh này hướng dẫn các địa phương chỉ đạo sản xuất, gieo trồng đúng cơ cấu giống, thời vụ; chú trọng sử dụng các giống lúa trung, ngắn ngày có năng suất, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái, phù hợp với thị trường, chống chịu thời tiết đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh trong sản xuất.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư thâm canh, chỉ đạo hiệu quả công tác phòng trừ dịch hại để tăng năng suất, sản lượng, tăng diện tích gieo cấy lúa lai, tiếp tục cơ cấu giống lúa chất lượng chiếm khoảng 60 - 70% diện tích; giảm lượng giống gieo trên đơn vị diện tích nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất; hạn chế sử dụng và loại bỏ dần ra khỏi cơ cấu những giống đã có biểu hiện thoái hóa, nhiễm sâu bệnh như X21, Xi23, VN20…; đồng thời, đưa một số giống trình diễn có năng suất và chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn như QS447, QS88, HN6... vào sản xuất thử để thay dần các giống thoái hóa. Đối với cây ngô, cây lạc, cây rau, các địa phương tăng cường sử dụng giống năng suất cao, thích ứng rộng, kháng bệnh vi khuẩn…
Ngoài ra, Sở NN&PTNT sẽ triển khai các chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản thích hợp với diễn biến nguồn nước để tăng hiệu quả sử dụng, tăng thu nhập cho bà con nông dân…
Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao
Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk dự kiến kế hoạch sản xuất cây trồng hàng năm vụ Đông Xuân 2019-2020 với tổng diện tích gieo trồng 46.970 ha gồm lúa nước (35.000 ha), ngô, khoai lang, rau xanh, đậu, sắn, mía, thuốc lá và các loại cây trồng hàng năm khác.
Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2020 khoảng 1.337 ha, trong đó khoảng 1.257 ha đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả vụ Đông Xuân 2019 – 2020 và 80 ha đất trồng màu vụ Hè Thu và Thu Đông sang các loại cây trồng khác.
Ngành nông nghiệp, các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả đầu tư; sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; tăng cường công tác kiểm tra giống phân bón, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng nhằm phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi...